Đề nghị bổ sung quy định về số lượng cấp phó khi sắp xếp tổ chức bộ máy

Chiều 5/2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan và xã hội

Theo cơ quan soạn thảo, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo quyết định của cấp có thẩm quyền có tác động trực tiếp, sâu rộng đến toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật. Ở cấp Trung ương là 5.026 văn bản, với số lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật cần xử lý ngay (bao gồm các luật, bộ luật, nghị quyết của Quốc hội); ở địa phương là 2.828 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ban hành.

Việc ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ sở pháp lý thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương theo tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, qua đó xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, tránh khoảng trống pháp luật; bảo đảm hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của Nhà nước và toàn xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Nghị quyết áp dụng trong trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất; điều chỉnh tên gọi; thay đổi mô hình, cơ cấu tổ chức; chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, Nghị quyết quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bao gồm: Nguyên tắc; thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có thẩm quyền; tên gọi của cơ quan, chức danh có thẩm quyền; thực hiện thủ tục hành chính; xác định cơ quan thực hiện giám sát, kiểm sát, kiểm tra; hoạt động tố tụng, thi hành án; thực hiện chức năng thanh tra; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; về các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam ký kết; giấy tờ, văn bản đã được cơ quan, người có thẩm quyền cấp, ban hành; sử dụng con dấu; rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật và xử lý các vấn đề phát sinh khi sắp xếp tổ chức bộ máy.

Bên cạnh xây dựng, đề xuất các quy định nhằm xử lý các vấn đề liên quan đến thẩm quyền nội dung của một số chủ thể, tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể này được quyền quy định khác văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, trình tự, thủ tục thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị và thẩm quyền quy định các nội dung trên... Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm xử lý đối với các vấn đề khác phát sinh sau khi các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng chưa được quy định tại Nghị quyết nhằm không làm gián đoạn hoạt động bình thường của bộ máy nhà nước, người dân, doanh nghiệp và việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện theo các nguyên tắc: Bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động bình thường, liên tục, thông suốt của các cơ quan và xã hội; không chồng chéo, trùng lặp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan. Bảo đảm không gián đoạn việc thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các cam kết quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện các quyền, nghĩa vụ và các thủ tục hành chính. Bảo đảm điều chỉnh đối với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (trừ Hiến pháp), văn bản hành chính và các hình thức văn bản khác còn hiệu lực theo quy định của pháp luật.

Đề nghị bổ sung quy định về việc cho phép số lượng cấp phó

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc xác định phạm vi điều chỉnh là tất cả cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước như tại dự thảo Nghị quyết nhưng đề nghị quy định cụ thể hơn các trường hợp sắp xếp tổ chức bộ máy được áp dụng Nghị quyết để thuận tiện cho việc tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, khi thực hiện sắp xếp bộ máy thì số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thể sẽ cao hơn so với quy định hiện hành tại các luật, nghị quyết, nghị định.

“Do đó, đề nghị bổ sung quy định về việc cho phép số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy có thể nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định hiện hành để tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí, sắp xếp và đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, tổ chức” - Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị.

Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành giao Chính phủ xem xét, giải quyết các vấn đề phát sinh sau sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc thẩm quyền của Quốc hội để tăng tính chủ động của Chính phủ và kịp thời xử lý được các vấn đề phát sinh mà chưa được điều chỉnh trong Nghị quyết. Đối với quy định cho phép một số chủ thể ban hành văn bản hành chính để hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đề nghị bổ sung quy định về một số điều kiện đối với việc ban hành các văn bản loại này để bảo đảm tính chặt chẽ, tránh lạm dụng.

Xuân Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/de-nghi-bo-sung-quy-dinh-ve-so-luong-cap-pho-khi-sap-xep-to-chuc-bo-may-20250205190008912.htm