Các lựa chọn thuốc điều trị răng nhạy cảm
Răng nhạy cảm gây đau răng khi phản ứng với nhiệt, lạnh, luồng không khí... Việc điều trị sớm, kịp thời giúp giảm tình trạng khó chịu, ê buốt răng, đồng thời giúp giảm nguy cơ gia tăng các bệnh răng miệng nghiêm trọng hơn.
Răng nhạy cảm (còn gọi là nhạy cảm ngà răng) xảy ra khi men răng, lớp bảo vệ bên ngoài của răng bị mòn hoặc nướu bị tụt, để lộ ngà răng bên dưới. Ngà răng chứa các ống nhỏ dẫn truyền cảm giác từ bên ngoài vào bên trong răng, nơi có các dây thần kinh, gây ra cảm giác ê buốt khi gặp các kích thích như nóng, lạnh, ngọt, chua hoặc khi tiếp xúc với không khí.
Nguyên nhân khiến răng nhạy cảm bao gồm: Sâu răng, mòn men răng, phá hủy men răng, tụt nướu răng, gãy răng, các phương pháp điều trị nha khoa, đánh răng không đúng cách, một số loại nước súc miệng có chứa thành phần làm tăng độ axit, một số bệnh lý, thói quen xấu…

Răng nhạy cảm gây đau răng khi phản ứng với nhiệt, lạnh, luồng không khí hoặc chạm nhẹ.
1. Các phương pháp điều trị răng nhạy cảm
Điều trị tình trạng răng nhạy cảm phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh.
Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
1.1. Kem đánh răng giảm nhạy cảm
- Kem đánh răng chứa fluoride: Theo thời gian, sử dụng các loại kem đánh răng này giúp làm chắc men răng, răng chắc khỏe, giảm các triệu chứng của răng nhạy cảm.
- Kem đánh răng chứa strotium chloride hoặc potassium nitrate có thể giúp làm giảm tín hiệu đau từ răng đến dây thần kinh.
1.2. Thuốc giảm đau
Để giảm đau do răng nhạy cảm, có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau:
- Thuốc giảm đau paracetamol là thuốc thông dụng có thể giúp giảm đau nhanh chóng và giảm sưng nướu. Lưu ý, dùng thuốc đúng chỉ định của bác sĩ, 10-15mg/kg trọng lượng cơ thể mỗi 4-6 tiếng/lần.
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) có thể giúp giảm đau và kháng viêm, giúp giảm các triệu chứng của tình trạng răng nhạy cảm. Các thuốc bao gồm: Ibuprofen, diclofenac, meloxicam, etoricoxib, celecoxib...
- Thuốc giảm đau dạng xịt có chứa benzocain giúp giảm đau tại chỗ bằng cách gây tê vùng răng nhạy cảm. Trong trường hợp đau răng nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau opioid như oxycodone, codeine, hydrocodone...

Sử dụng các loại kem đánh răng giảm nhạy cảm giúp làm chắc men răng, giảm các triệu chứng của răng nhạy cảm
1.3. Thuốc kháng sinh
Kháng sinh dùng trong các trường hợp nhiễm trùng răng miệng làm trầm trọng thêm tình trạng răng nhạy cảm. Một số loại kháng sinh dùng trong các tình trạng này như amoxicillin, metronidazole, clindamycin…
1.4. Gel fluor
Một số loại gel fluor bôi răng có thể giúp giảm các triệu chứng của răng nhạy cảm bằng cách tạo ra lớp bảo vệ trên bề mặt răng, làm giảm sự tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích tới các dây thần kinh trong ống ngà răng. Gel flour giúp giảm ê buốt răng, bảo vệ răng, ngăn ngừa sâu răng, giảm nhạy cảm và làm chắc men răng.
Một số loại gel bao gồm: Vecni fluor, gel emoform…
1.5. Nước súc miệng
- Nước súc miệng có chứa flour và chất chống ê buốt có thể giúp tăng cường men răng và giảm tình trạng ê buốt răng.
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý natri clorid 0,9%, nước ấm giúp giảm sưng, giảm viêm ở nướu, giảm đau.
Ngoài ra, có thể điều trị răng nhạy cảm bằng cách trám kín ngà răng, dùng dụng cụ bảo vệ răng miệng tránh tổn thương do nghiến răng, điều trị tủy, phẫu thuật nướu, sử dụng bàn chải đánh răng lông mềm…
2. Cách ngăn ngừa tình trạng răng nhạy cảm
- Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, sử dụng kỹ thuật đúng: Giữ bàn chải ở góc 45 độ, thực hiện chuyển động tròn nhẹ nhàng trên răng, chải từng chiếc răng. Đánh răng quá nhiều hoặc quá mạnh có thể gây ê buốt răng. Nên chọn bàn chải đánh răng dành cho răng nhạy cảm như bàn chải có lông mềm hoặc bàn chải đánh răng điện có cảm biến áp suất.
- Dùng chỉ nha khoa hàng ngày giúp loại bỏ thức ăn và mảng bám giữa các kẽ răng hiệu quả (nên dùng chỉ nha khoa ít nhất 1 lần/ngày).
- Kiểm tra răng định kỳ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân tiềm ẩn gây đau răng và loại bỏ cao răng. Nên kiểm tra răng định kỳ 6 tháng/lần.
- Uống đủ nước giúp ngăn ngừa khô miệng, phục hồi sự cân bằng axit, hỗ trợ nước bọt loại bỏ cặn thức ăn và vi khuẩn.
- Tránh hút thuốc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nướu răng, sâu răng, khô miệng và các tác nhân khác gây ê buốt răng.
- Hạn chế đồ uống có đường, có tính axit: Nước ngọt, nước trái cây (đặc biệt là nước cam quýt), trà, cà phê, đồ uống có đường làm tăng độ axit trong miệng, thúc đẩy hình thành mảng bám và cao răng.
- Thực hiện những thay đổi cần thiết trong chế độ ăn uống: Giảm lượng thực phẩm có tính axit như cam hoặc trái cây họ cam quýt có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mòn men răng và răng nhạy cảm.
5 ảnh hưởng sức khỏe răng miệng quan trọng hơn cả đánh răng.