Các Minion đã sáo mòn
Phần mới trong loạt phim riêng về các sinh vật vàng tươi tiếp tục gây cười bằng mảng miếng hài rời rạc, thay vì đầu tư kịch bản tốt hơn.
Minions: The Rise of Gru là phần hai trong loạt phim spin-off (ngoại truyện) về binh đoàn tay sai "nhí nhố", đóng vai trò kết nối với mạch truyện chính Despicable Me.
Phim lấy bối cảnh nhiều năm trước sự kiện trong Despicable Me, khi Gru (Steve Carrell) còn là cậu bé 12 tuổi. Lúc này, bầy minion quyết định dọn đến nhà Gru ở, tin rằng cậu là "ác nhân vĩ đại" xứng danh lãnh đạo chúng.
Ngày nọ, để gây chú ý với nhóm siêu tội phạm Vicious 6, Gru đã lấy báu vật "Đá con giáp" của chúng. Tương truyền ai nắm giữ viên đá vào thời khắc bước sang năm mới sẽ nhận được sức mạnh vô song, nên nhóm ác nhân quyết săn lùng Gru.
Lúc này, một ác nhân tên Wild Knuckles (Alan Arkin) quyết định nhận Gru làm đồ đệ, vì nhân vật có tư thù với nhóm Vicious 6.
Minions vẫn trung thành với lối gây cười "tạp kỹ"
Các minion vốn lấy cảm hứng từ những tên tay sai mặc đồng phục dưới trướng các ác nhân trong dòng phim điệp viên hay siêu anh hùng. Chúng không cần ăn hay được trả lương, ngày đêm lao động xây dựng cơ ngơi cho ông trùm.
Từ sau màn chào sân trong Despicable Me, những sinh vật vàng tươi với tạo hình đáng yêu, cùng biểu cảm nhí nhố, đã chiếm trọn trái tim nhiều khán giả nhí. Minion thậm chí còn trở thành mascot (linh vật) của hãng Universal, thường xuất hiện trên logo hay các sản phẩm quảng cáo của hãng.
Oái oăm thay, từ biểu tượng giải trí đến sự sáng tạo trên màn ảnh là một khoảng cách lớn. Các phần phim riêng về Minion bị chỉ trích vì "nhai lại" phong cách pha trò từ hồi Despicable Me.
Nhóm Minion không có cá tính riêng xét theo khía cạnh cá nhân, mà chỉ buồn cười khi xuất hiện đông đúc trên khung hình. Chúng gây cười bằng các hành động ngốc nghếch, thậm chí tự làm hại chính mình như nghịch súng phun lửa, chui tọt vào họng pháo.
Đáng tiếc, Minions: Rise of Gru không có sự đột phá. Có thể ví bộ phim như nhiều "tiểu phẩm hài" được ghép lại, trên "khung xương" kịch bản mơ hồ.
Chú minion Otto được giao nhiệm vụ giữ đá quý, nhưng tự ý trao đổi thành viên đá cuội. Bộ sậu Kevin, Stuart và Bob ra đi tìm đường cứu Gru, song lại lạc vào hàng loạt tình tiết lan man như chiếm dụng máy bay chở khách, vào phố Tàu để học... kungfu. Loạt cảnh gây cười và nhiều nhân vật phụ nếu cắt đi cũng không ảnh hưởng mạch chính.
Hành trình Gru tìm kiếm sự công nhận trong giới ác nhân bị lu mờ bởi các mảng miếng gây cười dày đặc, song rời rạc, của nhóm Minion.
Phim còn gây bất hợp lý khi Gru được khắc họa là chú bé non nớt, e dè khi gặp các ác nhân "hàng xịn", trong khi ở cảnh cuối phần trước cậu một tay hạ gục nữ phản diện Scarlet Overkill sừng sỏ.
Steve Carrell không gặp khó khăn khi đổi giọng để hợp với phiên bản nhỏ tuổi của Gru - một phần cũng là nhờ cách nói chuyện kiểu "ông cụ non" của chính nhân vật.
Tuy nhiên, Gru và mối gắn kết với "sư phụ", hay nhóm Vicious 6, đều bị xây dựng hời hợt, nhường đất cho nhóm minion.
Tiếng cười đến từ những hành động "làm lố", có lẽ phù hợp với khán giả nhỏ tuổi hơn là người trưởng thành. Có thể thấy cùng một thể loại hoạt hình, nhưng Disney và Pixar có cách kể chuyện tinh tế và giàu cảm xúc hơn nhiều.
Dùng hình ảnh để bù đắp cho thông điệp
Khán giả không khó nhận ra giá trị nhân văn mà Minions: The Rise of Gru muốn gửi gắm. Đó là tình bạn, tinh thần đoàn kết, khi Gru nhận ra cậu không thể mãi cô độc trên hành trình trưởng thành.
Kể cả khi xác định trở thành một "kẻ xấu đáng khinh", Gru vẫn mong chờ cái ôm, lời động viên từ người lớn. Cả khi thế giới chống lại cậu, các minion trung thành vẫn sát cánh "sếp nhỏ".
Thực tế, thông điệp không mới, khi từng được khắc họa nhiều lần trong thương hiệu Kẻ cắp Mặt Trăng. Biên kịch của phần phim mới dùng lại các tình tiết câu nước mắt quen thuộc trên phim hoạt hình, chưa tìm được lối đi riêng.
Để bù khuyết cho khâu nội dung, Minions: The Rise of Gru sở hữu phần nhìn mát mắt. Phim tái hiện chân thực những tuyến đường gấp khúc đặc trưng của San Francisco, cũng như các đặc trưng văn hóa khi nhóm chính diện đi đến phố Tàu. Bối cảnh Tết Nguyên đán mang đến màu sắc lễ hội, tươi sáng cho tác phẩm.
Có thể thấy phía Universal không có ý sáng tạo loạt Minions thành chuỗi tác phẩm đáng nhớ, mà chỉ đánh vào mục đích thương mại với "tệp" khán giả chính là các bé thiếu nhi.
Thương hiệu đủ hài, đủ hành động, song lại thiếu chiều sâu và các thông điệp nhân văn sáng tạo - vốn là các chi tiết mà phim hoạt hình ngày nay cần quan tâm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-minion-da-sao-mon-post1330173.html