Các mô hình AI bùng nổ ở Trung Quốc, nhưng tại sao chưa đi vào đời sống?

Trung Quốc đã tham gia vào cuộc đua toàn cầu về trí tuệ nhân tạo (AI), tự hào với gần 80 mô hình AI từ các công ty như Baidu và Alibaba, thậm chí thu hút gần 14 tỷ USD tài trợ trong 6 tháng qua.

Nhưng không giống như ở phương Tây, nơi ChatGPT của OpenAI đã thu hút hơn 100 triệu người dùng hàng tháng, chưa có chatbot AI nào của Trung Quốc được cung cấp cho công chúng.

 Ảnh: Reuters

Ảnh: Reuters

Nó nói lên thực tế rằng các công ty công nghệ của Trung Quốc vẫn phải chịu nhiều sự ràng buộc và các chế tài về pháp lý tài liên quan tới ngành này, mà đỉnh điểm là các khoản tiền phạt lớn đối với Ant Group và Tencent gần đây.

Các quy tắc mới mà các công ty Trung Quốc phải tuân thủ gồm từ việc kiểm tra thuật toán cho đến đánh giá bảo mật đối với dữ liệu. Điều này được cho là có tác động không nhỏ tới sức cạnh tranh của các công ty công nghệ Trung Quốc trước các đối thủ phương Tây trong lĩnh vực AI.

Các CEO trong ngành công nghệ cho biết những thách thức pháp lý là rào cản lớn trong cuộc AI tổng quát, khi mối quan tâm toàn cầu đối với công nghệ này tăng lên sau thành công của ChatGPT và các công ty Trung Quốc đang chạy đua để bắt kịp các đối thủ Mỹ.

Mặc dù một số buổi ra mắt được công bố rộng rãi đã được tổ chức tại Trung Quốc, từ Ernie Bot của Baidu đến SenseChat của SenseTime, song tất cả vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm beta và chỉ mở cho những người dùng nhất định.

Vào tháng 5, CEO Robin Li của Baidu cho biết họ đang chờ sự chấp thuận của chính quyền đối với Ernie Bot. Mark Natkin, CEO của công ty nghiên cứu Marbridge Consulting, cho biết Trung Quốc lo ngại các chatbot không được kiểm duyệt có thể ảnh hưởng đến xã hội theo hướng xấu đi.

Vào tháng 4, Trung Quốc đã vạch ra một loạt các biện pháp dự thảo cho các dịch vụ AI tổng quát, trong đó cho biết các công ty sẽ phải gửi các đánh giá bảo mật cho chính quyền trước khi tung ra sản phẩm của họ.

Ngoài ra, họ còn có nghĩa vụ xác minh sự thật và độ chính xác không chỉ của những gì các mô hình AI tạo ra mà còn của tài liệu được sử dụng để đào tạo chúng. Các biện pháp dự kiến sẽ được hoàn thiện và áp dụng vào cuối năm nay. Chính phủ Trung Quốc cũng đang chuẩn bị một luật riêng về AI.

Heatherm Huang, đồng sáng lập công ty công nghệ Measurable AI có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết ông thấy điều này khiến các công ty Trung Quốc gặp bất lợi, vì các sản phẩm của Mỹ như Bard của Google và Bing của Microsoft đã được đưa thẳng ra thị trường.

"Nó giống như đặt giới hạn tốc độ cho một chiếc xe đua - nó làm mọi thứ chậm lại", ông nói. "Trong khi Mỹ đang tăng tốc với AI, thì Trung Quốc đang bị hãm phanh với nhiều quy tắc hơn".

Bởi vậy, hầu hết các công ty công nghệ Trung Quốc hiện tập trung vào việc tìm kiếm các ứng dụng cho mục đích sử dụng công nghiệp, một hướng đi mà các nhà phân tích cho rằng phù hợp với các ưu tiên của Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng ông muốn thấy nhiều năng lượng hơn được dành cho các công nghệ "cứng" như chất bán dẫn và ứng dụng AI công nghiệp, cũng như những đột phá có thể giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.

Huawei tuần trước cho biết mô hình Pangu AI của họ sẽ chủ yếu phục vụ khách hàng doanh nghiệp cho các ứng dụng như kiểm tra an toàn cho tàu chở hàng và dự báo thời tiết.

Baidu tuần trước cho biết hơn 150.000 công ty đã đăng ký thử nghiệm Ernie Bot kể từ khi ra mắt vào tháng 3, với hơn 300 thử nghiệm trong các lĩnh vực như cải thiện hiệu quả văn phòng, dịch vụ khách hàng và tiếp thị.

Mai Vân (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-mo-hinh-ai-bung-no-o-trung-quoc-nhung-tai-sao-chua-di-vao-doi-song-post255904.html