Các mô hình hệ thống hưu trí

Hệ thống hưu trí là bộ phận quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của một quốc gia, thường được xây dựng gồm ba thành phần: phúc lợi xã hội, hưu trí bắt buộc, hưu trí tự nguyện nhằm bảo đảm diện bao phủ rộng và cung cấp sản phẩm hưu trí linh hoạt, bảo đảm nhu cầu và quyền lợi cho người cao tuổi. Tùy theo trình độ phát triển kinh tế và cơ cấu dân số xã hội, hệ thống hưu trí được xây dựng tương đối khác biệt theo từng quốc gia.

Kế hoạch hưu trí là gì?

Kế hoạch hưu trí hay Chương trình hưu trí là thỏa thuận mang tính pháp lý về thu nhập khi về hưu. Bên cạnh mục tiêu bảo đảm thu nhập hưu trí, thỏa thuận có thể bao gồm các điều khoản chi trả thu nhập trong các trường hợp người tham gia mất khả năng lao động hay gặp tai nạn, bệnh tật.

Nguồn: EuroNews

Nguồn: EuroNews

Dựa theo cấu trúc và cách thức tiến hành, hệ thống lương hưu có thể được phân chia như sau:

Hệ thống hưu trí có mức hưởng xác định (Defined benefit - DB)

Hệ thống hưu trí có mức hưởng xác định và Pay-as-you-go (PAYG - tạm dịch là thực thanh thực chi): Mức chi trả được xác định theo công thức cho trước với các yếu tố đầu vào là thời gian đóng góp và thu nhập của người đóng góp. Theo mô hình này, người lao động hiện tại đóng tiền, Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ sử dụng để chi trả cho những người về hưu. Sau này khi người lao động hiện tại về hưu thì lương hưu của họ sẽ được trả từ nguồn đóng của những lao động trong tương lai. Do đó, thiết kế này thể hiện tính chia sẻ trong hệ thống BHXH, được áp dụng ở hầu hết các nước Nam Âu, Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, mô hình này đặt ra các vấn đề về tính bền vững vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc có số lượng người lao động đóng góp. Trong điều kiện dân số già hóa, hệ thống hưu trí này luôn chịu gánh nặng chi trả lớn và tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính (vỡ quỹ) do số lượng người đóng bảo hiểm ít hơn số người hưởng lương hưu.

Hệ thống hưu trí có mức đóng xác định (Defined contribution - DC)

Mức chi trả được xác định dựa trên phần đóng góp thực tế của người tham gia cộng với lợi nhuận đầu tư. Phổ biến hơn ở các nước phương Tây, hệ thống này về bản chất tương tự như cách hoạt động của một quỹ đầu tư, nơi người lao động đầu tư vốn và sau một thời gian họ lấy lại được số tiền đó cộng với lợi nhuận tạo ra. Như vậy họ hoàn toàn chịu trách nhiệm về rủi ro tài chính.

Hai vấn đề tác động đến hệ thống này là lạm phát (lãi suất phải kiếm được để hệ thống hoạt động và cung cấp một lượng để khắc phục ảnh hưởng của lạm phát); và những bất bình đẳng trong quá trình làm việc của mỗi người lao động.

Hệ thống tài khoản cá nhân (Notional Defined contribution - NDC)

Theo hệ thống này, lương hưu được tính dựa trên phần đóng góp của cá nhân cộng với lợi nhuận đầu tư tính trên một mức lãi suất do tổ chức điều hành quy định. Theo cách này, lương hưu thực sự là một loại tiền lương trả chậm. Vấn đề chính của hệ thống này là nó không thiết lập mức thu nhập tối thiểu và một phần dân số có thể nghỉ hưu mà không có sự bảo đảm này.

Mô hình đa tầng và đa trụ cột

Thực tế cho thấy, mỗi hệ thống trên đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, do vậy cảTổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng như Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra các mô hình kết hợp để hệ thống hưu trí của mỗi quốc gia có thể bao phủ toàn diện.

OECD đưa ra một mô hình gồm 3 tầng như sau:

Tầng 1, hệ thống an sinh xã hội: được xây dựng nhằm tái phân phối thu nhập và bảo đảm thu nhập tối thiểu cho đại bộ phận dân cư.

Tầng 2, hệ thống hưu trí bắt buộc: nhằm bảo đảm mức thu nhập khi về hưu của người lao động đạt tỷ lệ tương đối so với mức thu nhập trong giai đoạn làm việc.

Tầng 3, hệ thống hưu trí tự nguyện: nhằm bổ sung cho thu nhập tầng 2, giúp bảo đảm mức sống cao hơn cho người cao tuổi. Hệ thống này cũng cho phép có sự tham gia của lao động tự do.

Vào năm 1994, trong báo cáo “Cảnh báo về khủng hoảng dân số già”, WB đã đưa ra mô hình hưu trí 3 trụ cột là: hưu trí BHXH; hưu trí nghề nghiệp (hưu trí tư nhân); hưu trí tự nguyện. Năm 2005, WB tiếp tục bổ sung thêm hai trụ cột vào mô hình: phúc lợi xã hội (trụ cột 0) và các chương trình hỗ trợ phi tài chính của chính phủ (trụ cột 4).

Mỗi trụ cột có những ưu điểm và hạn chế riêng, tuy nhiên, một hệ thống an sinh xã hội được coi là hoàn chỉnh khi được dựa trên tất cả các trụ cột, và các trụ cột này có tác dụng hỗ trợ, bổ sung cho nhau, góp phần nâng cao mức sống của người hưởng lương, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Hiện tại, ngày càng có nhiều quốc gia cải cách hệ thống hưu trí hướng tới mô hình đa trụ cột do WB xây dựng.

Quỳnh Vũ (Theo Investopedia, OECD)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/cac-mo-hinh-he-thong-huu-tri-i376539/