Các mức phạt với hành vi sửa bill từ thiện nhằm 'phông bạt'
Sau bão số 3 Yagi, nhiều cá nhân đã sửa sao kê chuyển khoản từ thiện nhằm 'đánh bóng' tên tuổi trên mạng xã hội. Hành vi này không chỉ bị dư luận lên án mà còn đối mặt với các hình phạt nghiêm khắc theo pháp luật, từ phạt hành chính đến truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi “làm màu” gây phẫn nộ
Thời gian gần đây, khi cơn bão số 3 Yagi đổ bộ vào miền Bắc, không ít gia đình, doanh nghiệp đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Trước tình hình khó khăn đó, nhiều cá nhân, tổ chức trên cả nước đã đóng góp trực tiếp tới số tài khoản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) nhằm hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh những hành động đẹp đẽ ấy, lại xuất hiện một số cá nhân có hành vi phông bạt, tự làm “màu” bằng việc chỉnh sửa hình ảnh sao kê giao dịch, nhằm đánh bóng tên tuổi. Hành vi này ngay lập tức đã bị dư luận lên án mạnh mẽ, bởi không chỉ vi phạm đạo đức mà còn tiềm ẩn những hệ lụy pháp lý nghiêm trọng.
Dư luận không khỏi bức xúc khi phát hiện nhiều sao Việt chỉnh sửa hình ảnh bill chuyển khoản khi MTTQ công khai danh sách sao kê những người đã ủng hộ. Nhiều người cho rằng, việc giả mạo số tiền đóng góp từ ít thành nhiều để khoe khoang, xây dựng hình ảnh là một sự xúc phạm không chỉ đối với những người chịu thiệt hại do bão, mà còn đối với những tấm lòng hảo tâm thật sự.
“Đối với nhiều người, việc chuyển tiền từ thiện là một cách giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn. Nhưng những hành vi giả tạo, phô trương ấy lại làm xấu đi ý nghĩa thiêng liêng của việc làm từ thiện”, một tài khoản mạng xã hội nêu ý kiến.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Những người chỉnh sửa bill chuyển tiền để "đánh bóng" tên tuổi không chỉ dừng lại ở việc bị cộng đồng chỉ trích, mà còn có thể đối mặt với các hình phạt nghiêm trọng.
Theo Bộ Công an, người thực hiện hành vi sửa chữa bill chuyển khoản và đăng tải lên mạng xã hội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự nếu việc làm giả bill gây ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị tiếp nhận, làm gián đoạn việc thống kê, phân phát tiền từ thiện, hoặc gây ra dư luận xấu.
Trường hợp hành vi chưa gây hậu quả xấu hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng, cá nhân vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP. Theo đó, họ có thể bị phạt từ 5-10 triệu đồng nếu là cá nhân, và từ 10-20 triệu đồng nếu là tổ chức có hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống trên mạng xã hội.
Một số cá nhân không chỉ dừng lại ở việc “đánh bóng” tên tuổi mà còn thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc chỉnh sửa bill chuyển tiền. Điều này không chỉ làm mất niềm tin của công chúng mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
Bộ Công an cho biết, nếu cá nhân nhận tiền từ thiện thay mặt cho người khác, sau đó chỉnh sửa bill với mục đích chiếm đoạt tài sản, họ có thể bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng theo Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Thậm chí có thể bị truy tố hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 của Bộ luật Hình sự, tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt, hình phạt có thể lên đến 20 năm tù giam.
Trường hợp hành vi giả mạo xảy ra trong tổ chức, nếu cá nhân chỉnh sửa bill để chiếm đoạt tài sản, có thể đối diện với tội Tham ô tài sản theo Điều 353 của Bộ luật Hình sự, mức hình phạt cao nhất có thể là tử hình, tùy thuộc vào số tiền chiếm đoạt.
Đối với những kẻ lợi dụng hoàn cảnh bão lũ, thiên tai để huy động tiền từ thiện nhằm chiếm đoạt tài sản, mức xử phạt có thể là từ 3-5 triệu đồng theo quy định tại Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc chịu hình phạt tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 của Bộ luật Hình sự, với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.