Các nền kinh tế lớn phục hồi mạnh
Tiến trình thúc đẩy triển khai vaccine trên quy mô lớn và việc thực thi các gói kích thích kinh tế, đặc biệt là của các nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Trung Quốc và EU đã giúp kinh tế các nước này phục hồi mạnh, thúc đẩy, dẫn dắt kinh tế toàn cầu.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp toàn cầu đã tăng liên tục trong những tháng đầu năm, đạt 58,4 điểm vào tháng 5/2021 - mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây.
Các tổ chức quốc tế đã liên tục nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021. IMF (tháng 4/2021) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 sẽ đạt mức 6% - tăng 0,4 điểm % so với dự báo vào tháng 1/2021 và tăng 0,7 điểm % so với dự báo vào tháng 10/2020. OECD (tháng 5/2021) nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cao hơn 0,2 điểm % so với mức dự báo tháng 3/2021 (5,6%).
DESA (tháng 5/2021) dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2021 sẽ tăng trưởng ở mức 5,4% thay vì mức 4,7% như dự báo đưa ra hồi tháng 1/2021. Báo cáo mới nhất của WB (tháng 6/2021) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 lên 5,6% - tăng 1,6 điểm % so với dự báo trước đó (tháng 1/2021).
Dù vậy, kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro, đặc biệt là các vấn đề về tài chính, nợ công, lạm phát và tiến trình tiêm chủng vaccine; quá trình phục hồi chưa thực sự vững chắc. Triển vọng kinh tế thế giới cuối năm 2021 vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào vấn đề kiểm soát dịch bệnh và triển khai vaccine. Nhiều tổ chức quốc tế đã cảnh báo “các thách thức vẫn còn đó” do vaccine ngừa COVID-19 vẫn chưa tiếp cận được tới các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển và các nước kém phát triển, đồng thời đã và đang xuất hiện các biển thể mới của loại virus này.
Thêm động lực
Kinh tế Mỹ phục hồi đáng kể nhờ việc triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 thần tốc, trên quy mô lớn và việc thực thi gói kích thích kinh tế khổng lồ cùng với các biện pháp nới lỏng tiền tệ, tài khóa đã thực hiện trước đó.
Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) và chỉ số PMI của Mỹ đều đạt mức kỷ lục trong tháng 4-5/2021. Số việc làm mới tăng 559.000 việc làm trong tháng 5/2021. Với gói cứu trợ 1,9 tỷ USD, tính đến 14/6/2021, đã giải ngân được 51%, trong đó, riêng các khoản chi trực tiếp cho hộ gia đình đã giải ngân được 96% và hỗ trợ thu nhập đạt 48%. Điều này giúp thu nhập cá nhân và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng mạnh.
Kinh tế Trung Quốc giữ xu thế tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm nhờ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu tăng mạnh. Động lực tăng trưởng chuyển từ đầu tư công sang tiêu dùng và xuất khẩu. Trong tháng 5/2021, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 27,9%, nhập khẩu tăng 51,1%; tổng giá trị bán lẻ hàng hóa tăng trung bình 17,7% trong các tháng 1-4/2021. Vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu không bị giảm bớt dù cho hoạt động vận chuyển trên toàn cầu chậm trễ do tác động của đại dịch. I
Các tổ chức IMF (4/2021) và WB (6/2021) dự báo GDP Trung Quốc có thể tăng tới 8,4% và 8,5% trong năm 2021 thay vì mục tiêu 6% do Chính phủ Trung Quốc đặt ra. Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của quốc gia Đông Á này cùng với Mỹ sẽ là động lực hàng đầu cho sự khởi sắc của kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
Đối với khu vực EU, Ủy ban châu Âu (EC) (tháng 5/2021) tăng mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong năm 2021, 2022 do những chuyển biến tích cực của chương trình tiêm vaccine, các nền kinh tế trong khu vực EU bắt đầu mở cửa trở lại và kỳ vọng kế hoạch phục hồi mang tính bước ngoặt trị giá 750 tỷ euro (hơn 890 tỷ USD) sẽ đưa EU thoát khỏi suy thoái. Theo đó, tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia trong Eurozone có thể đạt 4,2% trong năm 2021. WB (tháng 6/2021) cũng đưa ra dự báo tương tự với kinh tế EU.
Coi chừng lạm phát
Trong khi đó, thương mại toàn cầu tăng nhanh trong bối cảnh nhu cầu sản xuất và tiêu dùng phục hồi. Trong quý I/2021, giá trị thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu đã tăng khoảng 4% so với quý trước và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, giá trị này đã cao hơn mức trước khủng hoảng COVID-19, tương đương mức tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước triển vọng phục hồi kinh tế và thương mại toàn cầu trong năm 2021, FDI toàn cầu đang có dấu hiệu cải thiện. Chỉ số FDI toàn cầu tháng 3 đạt mức 855 điểm (tăng 43,6% so với cùng kỳ năm 2020) - mức cao nhất trong hơn 1 năm trở lại đây và tiếp tục ở mức cao vào tháng 4 (đạt 732 điểm - giảm so với tháng 3 nhưng tăng 66,7% so với cùng kỳ năm 2020). Tuy nhiên, sự phục hồi chưa thực sự chắc chắn. Theo dự báo của WB, ngay cả khi đại dịch dự kiến dần kết thúc vào năm 2021, mức phục hồi ngắn hạn trong đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển cũng chỉ đạt 5,7%, thấp hơn nhiều so với con số 10,8% của năm 2010 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Lạm phát toàn cầu năm 2021 được dự báo tăng khá mạnh (ở mức 2,8% so với mức 2% năm 2020) do giá cả của các hàng hóa cơ bản tăng mạnh cùng với nỗ lực phục hồi kinh tế hậu COVID-19 bằng các chính sách tài khóa, tiền tệ nới lỏng. Từ đầu năm đến nay, giá năng lượng, các hàng hóa phi năng lượng, giá lương thực, kim loại và khoáng chất đều tăng.
IMF (tháng 4/2021) dự báo, trong năm 2021, giá dầu thô tăng 41,7%, hàng nông sản thô tăng 12,9%, thép tăng 32,1%, thức ăn tăng 13,9% và giá cả hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2%. Mức tăng này cao hơn rất nhiều so với các năm 2013-2020. Bên cạnh đó, chi phí vận tải hàng hóa cũng đang tăng nhanh, chỉ số giá cước vận tải hàng hóa toàn cầu đã tăng 1,35 lần từ cuối tháng 4 đến nay. Chi phí đầu vào tăng khiến giá sản xuất của nhiều quốc gia tăng nhanh.
Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/cac-nen-kinh-te-lon-phuc-hoi-manh/436598.vgp