Các nền kinh tế nhỏ chịu thiệt hại nặng nhất trong chiến tranh thương mại
Trong các cuộc chiến thương mại hiện nay, Mỹ, Trung Quốc, Canada, Đức hay Nhật Bản có thể đều phải chịu thiệt hại nhưng không phải nặng nhất. Các nền kinh tế mở và nhỏ hơn như Hungary, Cộng hòa Czech, Singapore, Hàn Quốc hay lãnh thổ Đài Loan mới là những bên chịu tổn thương lớn nhất.
Công nhân làm việc ở một dây chuyền lắp ráp ở nhà máy của Foxconn ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: Houston Chronicle
Các nền kinh tế mở và nhỏ dễ bị tổn thương
Từ đầu năm đến nay, Mỹ đã tung hàng loạt đòn áp thuế nhằm vào gần như tất cả các đối tác thương mại trên toàn cầu. Hồi đầu năm, Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với tấm năng lượng mặt trời và máy giặt, tiếp đó là thép và nhôm. Đến đầu tháng 7, Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% trên 34 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc bán sang Mỹ mỗi năm và đang đe dọa áp thuế nhập khẩu 10% trên hàng trăm tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc nữa. Giờ đây, Tổng thống Donald Trump còn đe dọa áp thuế nhập khẩu lên đến 25% đối với ô tô và linh kiện ô tô của nước ngoài, khiến Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) lo ngay ngáy vì xuất khẩu ô tô đóng góp một phần quan trọng cho GDP của họ.
Căn cứ vào dữ liệu của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), công ty quản lý tài sản Pictet Asset Management (Thụy Sĩ) đã đưa ra các đánh giá về mức độ tổn thương của các nền kinh tế nhỏ trước các cuộc xung đột thương mại dựa trên mức độ tham gia của họ vào các chuỗi cung ứng công nghiệp trải rộng trên toàn cầu.
Theo đó, Đài Loan, Hungary và CH Czech là những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất, tiếp đó là Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Ireland. Dữ liệu của WTO cho thấy khoảng 59-68% hàng hóa xuất khẩu của các nền kinh tế này được sử dụng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến họ dễ bị tác động nặng nề nếu thương mại toàn cầu bị xáo trộn.
Những nền kinh tế nhỏ và mở như Hungary, Cộng hòa Czech, Singapore, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan có một điểm chung là hội nhập sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, tức nhập khẩu nguyên liệu thô và linh kiện từ khắp nơi trên thế giới trước khi lắp ráp chúng thành sản phẩm rồi bán ra nước ngoài hoặc sản xuất linh kiện rồi xuất khẩu sang nước khác.
Nếu cuộc chiến thương mại lan rộng toàn cầu và chủ nghĩa bảo hộ dâng cao khắp mọi nơi, các nền kinh tế này sẽ đối mặt với đòn giáng nặng nề do chi phí nhập khẩu cao nhưng nhu cầu xuất khẩu yếu.
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc cũng phải đối mặt với các biến động nhưng sức tiêu thụ mạnh ở trong nước của họ sẽ phần nào chống đỡ các tác động từ suy thoái thương mại toàn cầu.
Đài Loan có nguy cơ chịu thiệt hại nặng nhất
Tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu của Đài Loan, Hungary, Cộng hòa Czech, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia và Ireland (từ trên xuống) được sử dụng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: WSJ
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008, kéo theo thương mại toàn cầu suy thoái, từng khiến các nền kinh tế trên lao đao.
Năm 2009, GDP của Hungary và Cộng hòa Czech lần lượt tăng trưởng - 6,6% và 4,8%, trong khi đó, nền kinh tế Đài Loan chứng kiến cơn suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Các linh kiện công nghệ do các công ty Đài Loan sản xuất như máy tính nằm trong số những sản phẩm dễ bị tổn thương nhất nếu các đòn áp thuế của Mỹ nhằm vào Trung Quốc được mở rộng sang nhiều sản phẩm khác bao gồm smartphone, máy tính.
Đài Loan đang cung cấp nhiều linh kiện công nghệ cho Trung Quốc, nơi chúng được sử dụng để lắp ráp smartphone và các thiết bị điện tử khác để xuất khẩu khắp thế giới bao gồm Mỹ. Theo công ty tư vấn Capital Economics (Anh), các hoạt động xuất khẩu linh kiện công nghệ đóng góp gần 2% GDP của Đài Loan.
Nhà kinh tế cao cấp Gareth Leather của Capital Economics nhận định Đài Loan sẽ thiệt hại nhiều nhất khi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ leo thang. Nếu nhu cầu smartphone sản xuất tại Trung Quốc suy giảm, nhu cầu linh kiện công nghệ Đài Loan cũng sẽ giảm theo.
Tháng trước, tập đoàn công nghệ hàng đầu Đài Loan Foxconn, nhà cung cấp quan trọng của Apple, cảnh báo chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là thách thức lớn nhất mà tập đoàn này đối mặt.
Hàn Quốc có thể là nạn nhân chịu thiệt hại nặng tiếp theo vì hai thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước này là Trung Quốc và Mỹ. Cũng giống như Đài Loan, Hàn Quốc bán các linh kiện công nghệ sang Trung Quốc để lắp ráp các sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ.
Singapore và Malaysia cũng bị ảnh hưởng vì cả hai nước này xuất khẩu sang Trung Quốc một lượng lớn linh kiện điện tử và những mặt hàng làm nguyên liệu đầu vào, phục vụ hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ireland, Hungary sẽ bị vạ lây
Tại châu Âu, Ireland là một nền kinh tế nhỏ phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Eoin Gavin, giám đốc của công ty kho vận Eoin Gavin Transport (Ireland), chuyên xử lý hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Ireland và những nơi khác ở châu Âu và Mỹ, cho biết công việc kinh doanh của công ty ông cũng như nền kinh tế Ireland lệ thuộc lớn vào đầu tư và thương mại nước ngoài, đặc biệt là với Mỹ. Ông cho biết ông có 5 container linh kiện nhôm và thép đang nằm kẹt trong các nhà kho sau khi Trump áp thuế nhôm thép.
“Nếu Mỹ và các đối tác tiếp tục áp thuế nữa vào hàng hóa của nhau, công việc kinh doanh của chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, ông nói.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban là nguyên thủ đầu tiên của châu Âu lên tiếng ủng hộ chính sách “nước Mỹ trên hết” của Trump nhưng đất nước của ông có thể nằm trong số những nước chịu tổn thương lớn nhất nếu các căng thẳng thương mại leo thang.
Hungary nhập khẩu linh kiện từ Đức, Nga và Mỹ để sản xuất máy tính và ô tô, rồi sau đó, bán sang cho Đức, Ý và Anh. Theo Cơ quan Xúc tiến đầu tư Hungary, ngành công nghiệp ô tô chiếm 29% tổng sản lượng của ngành sản xuất Hungary, khiến nước này đặc biệt dễ tổn thương nếu Trump áp thuế nhập khẩu đối với ô tô từ EU. Các hãng xe như BMW và Daimler đều có các nhà máy lắp ráp ô tô tại Hungary và hơn 700 nhà cung cấp ở Hungary đang sản xuất các linh kiện cho hai hãng xe này.
(Theo WSJ, CNN Money)
Lê Linh