Các nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh gay gắt
Báo cáo 'Cạnh tranh trong lĩnh vực thương mại điện tử' tại Việt Nam vừa được Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD- Bộ Công Thương) công bố cho thấy, xe công nghệ hiện vẫn chiếm ưu thế hơn xe truyền thống dù thời gian gần đây bị than phiền giá cao, thu phí bất hợp lý. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa các nền tảng gọi xe trực tuyến khá gay gắt.
Theo CT&BVNTD, sau khi một số nền tảng gọi xe trực tuyến xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014, đến nay, nhiều quy định của pháp luật về thuế, thương mại điện tử, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, cạnh tranh đã được sửa đổi, bổ sung để cung cấp cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh và mối quan hệ cạnh tranh giữa các nền tảng gọi xe trực tuyến.
Tại Việt Nam, một số nền tảng gọi xe trực tuyến phổ biến bao gồm: Grab, Gojek, Be, Vato, MyGo, FastGo, trong đó, theo số liệu của ABI Research, Grab chiếm 74,6% thị phần trên thị trường Việt Nam trong năm 2020.
Theo số liệu khảo sát của Q&Me được thực hiện tháng 5 năm 2021, có tới 49% người được khảo sát ưa sử dụng phương thức gọi xe ô tô trực tuyến hơn so với phương thức đặt xe truyền thống. Khoảng 48% người được khảo sát ưa sử dụng dịch vụ gọi xe mô-tô trực tuyến hơn so với sử dụng dịch vụ “xe ôm” truyền thống.
Các nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh gay gắt về tài chính; chất lượng dịch vụ, trải nghiệm, tiện ích và xu hướng mở rộng hệ sinh thái.
Tuy nhiên, thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam cũng có những rào cản thị trường nhất định như: nguồn lực tài chính, rào cản về hiệu ứng mạng lưới người dùng, việc độc quyền sở hữu và khai thác dữ liệu người dùng, chiến lược hình thành “siêu ứng dụng” của các nền tảng lớn…
Nhằm thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến tại Việt Nam, Cục CT&BVNTD khuyến nghị, cần tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật cạnh tranh (gồm ban hành hướng dẫn chi tiết thực thi các quy định của pháp luật về cạnh tranh; ban hành Bộ quy tắc ứng xử đối với các nền tảng lớn; đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng và thực hiện các chương trình tuân thủ pháp luật cạnh tranh; nâng cao năng lực thực thi của cơ quan cạnh tranh; tăng cường giám sát, điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh; tăng cường hợp tác quốc tế trong tố tụng cạnh tranh) và nhóm giải pháp thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường nền tảng gọi xe trực tuyến (gỡ bỏ rào cản pháp lý; thúc đẩy chuyển đổi số và áp dụng chiến lược cạnh tranh hiệu quả).