Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động theo quy định mới
Ngày 25/5, quyết định giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực. Ngay sau đó, lãi suất huy động không chỉ riêng kỳ hạn dưới 6 tháng mà tại nhiều kỳ hạn khác cũng được các ngân hàng điều chỉnh lại.
Theo Quyết định số 951/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023 của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 25/5, lãi suất tối đa mà ngân hàng áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng sẽ chính thức giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Ngay sau khi quyết định có hiệu lực, ngày 25/5, các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động và hầu hết đều giảm 0,5 điểm % tại các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống mức trần là 5%/năm. Riêng VietCapital Bank, SeABank, LPBank và TPBank là những ngân hàng giảm lãi suất cao nhất đối với kỳ hạn dưới 6 tháng xuống còn 4,5 - 4,8 điểm %.
Bên cạnh các kỳ hạn dưới 6 tháng, một số ngân hàng thương mại cổ phần cũng giảm thêm lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Trong sáng nay, ngân hàng Sacombank đã thay đổi lãi suất các kỳ hạn 6 tháng trở lên giảm từ 0,3 – 0,5%/năm. Trong đó lãi suất kỳ hạn 6 tháng tại đây chỉ còn 6,6%/năm, thấp hơn 0,5%/năm so với biểu lãi suất cũ. Kỳ hạn 12 tháng được Sacombank neo ở mức 7,2%/năm, thấp hơn 0,4%/năm so với lãi suất hồi đầu tháng 5/2023.
Ngân hàng Techcombank cũng đã giảm 0,4 điểm % tại các kỳ hạn dài, đưa mức lãi suất cao nhất về còn 7,2%/năm áp dụng cho khách hàng VIP1, với số tiền gửi tối thiểu 3 tỷ tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Hay như ngân hàng ACB cũng vừa đồng loạt hạ lãi suất ở tất cả các kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn từ 1 đến dưới 5 tháng được ngân hàng này điều chỉnh thấp hơn từ 0,8 – 1% so với lãi suất cũ.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tại đây chỉ còn 3,9%/năm, thấp hơn 0,8%/năm. Với các kỳ hạn từ 2-5 tháng tại ACB dao động từ 4-4,3%/năm.
Đối với nhóm ngân hàng quốc doanh bao gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và Vietinbank dù trước đó lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tại các ngân hàng này đã niêm yết ở mức 5%, tuy nhiên các "ông lớn" vẫn tiếp tục giảm thêm 0,5% lãi suất huy động, xuống còn 4,1 đến 4,6%/năm.
Không chỉ giảm lãi suất các kỳ hạn ngắn, BIDV và Agribank còn điều chỉnh hạ thêm lãi suất các kỳ hạn dài.
Tại BIDV, các kỳ hạn 6 và 9 tháng hiện chỉ còn 5,5%/năm, lần lượt giảm 0,3% và 0,4%/năm so với biểu lãi suất cũ. Các kỳ hạn dài từ 12- 36 tháng được BIDV áp dụng chung mức lãi suất là 6,8%/năm, thấp hơn 0,4%/năm so với mức lãi suất đầu tháng 5.
Còn tại Agribank, ngân hàng này vẫn giữ nguyên lãi suất kỳ hạn từ 6-12 tháng, nhưng giảm 0,2%/năm đối với tất cả các kỳ hạn từ 13 tháng trở lên, chỉ còn 7%/năm.
Hai ngân hàng còn lại trong Big 4 vẫn giữ nguyên mức lãi suất từ 6 tháng trở lên, trong đó lãi suất cao nhất cùng có mức 7,2%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Kỳ vọng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp
Trước đó, tại báo cáo "Tác động giảm lãi suất huy động 0,5%", chứng khoán Mirae Asset cho rằng, việc hạ lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động tích cực tới những ngành có tổng vay nợ ngắn hạn và dài hạn ở mức cao.
Các chuyên gia giả định, giảm lãi suất huy động có thể kỳ vọng lãi suất cho vay ngắn hạn của ngân hàng cũng được kéo xuống mức thấp hơn 5%/năm (mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đã được áp dụng thực hiện từ ngày 15/03/2023, theo quyết định số 314/QĐ-NHNN) và kỳ vọng xuống thấp hơn 11% đối với cho vay trung và dài hạn.
Tại cuộc họp với các bộ ngành và một số ngân hàng thương mại Nhà nước về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất ngày 24/5 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì, lãnh đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank, MB, Techcombank) cũng khẳng định, sẽ tiếp tục chủ động kết nối với doanh nghiệp, khách hàng truyền thống để tháo gỡ khó khăn với tinh thần "doanh nghiệp sống sót, ngân hàng mới sống sót".
Các ngân hàng đồng thuận sẽ tiếp tục "chắt chiu", tiết giảm chi phí hoạt động, nỗ lực để tiếp tục giảm lãi suất huy động, tiến tới giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào những lĩnh vực có khả năng tiếp cận vốn, các lĩnh vực ưu tiên để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.