Các ngân hàng lại lỗi hẹn với Basel II
Đến nay mới chỉ có 18 trong tổng số 34 ngân hàng thương mại hoàn tất chuẩn Basel II...
Ngay từ ngày 30/6/2016, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 41/2016/TT-Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, từ ngày 1/1/2020 các ngân hàng phải tuân thủ tiêu chuẩn Basel II. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 18 trong tổng số 34 ngân hàng thương mại hoàn tất chuẩn Basel II...
Điều đáng nói, đây là con số 18 ngân hàng đạt chuẩn Basel II đã lưu từ cuối năm 2019. Như vậy, trong gần 10 tháng qua không có thêm ngân hàng thương mại nào trong số 16 ngân hàng còn lại đạt chuẩn Basel II.
BASEL II GIÚP NGÂN HÀNG QUẢN TRỊ TỐT RỦI RO
Tuy nhiên mới chỉ có 6 ngân hàng trong số 18 ngân hàng đạt chuẩn Base II đã hoàn thành cả 3 trụ cột, còn lại 12 ngân hàng mới chỉ hoàn thành trụ cột 1. Việc công nhận đạt chuẩn Base II với 18 ngân hàng này chỉ là mức cơ bản nhất được quy định tại Nghị định 41/2016 trong khi thực tế chuẩn Basel II, vốn là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel có tới 3 trụ cột gồm: trụ cột 1 tập trung vào việc đo lường và đảm bảo mức độ an toàn vốn tối thiểu; trụ cột 2 là quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn (ICAAP); trụ cột 3 tập trung vào việc minh bạch và công bố thông tin.
Như vậy, 12 ngân hàng trong số đó mới dừng lại ở việc "đo lường và đảm bảo mức độ an toàn vốn tối thiểu" trong khi trụ cột 2 được xem khó thực hiện nhất là xây dựng "quy trình đánh giá nội bộ về mức độ đủ vốn" thì chưa thực hiện được. Tuy nhiên các chuyên gia tài chính cho rằng bước đầu các ngân hàng thương mại của Việt Nam đáp ứng được trụ cột 1 cũng xem là thành quả tích cực.
Theo Ngân hàng Nhà nước việc triển khai Basel II chính là giải pháp tái cơ cấu căn bản có tính đột phá, tạo nền tảng cho sự an toàn, phát triển lành mạnh, nâng cao sức cạnh tranh của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Basel II sẽ giúp các ngân hàng hoạt động an toàn, lành mạnh và quản lý hiệu quả nguồn vốn. Đặc biệt, sau khi triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa, thâm nhập sâu vào thị trường các nước phát triển khác.
Nhiều chuyên gia tài chính còn chỉ ra, thời gian qua chính các ngân hàng đạt chuẩn Basel II nhận biết rõ nhất lợi ích mà Basel II mang lại. Đó là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường, nhất là khi đại dịch Covid 19 xảy ra, thị trường tài chính gặp khó khăn nhưng tất cả 18 ngân hàng đạt chuẩn Basel II vẫn có lợi nhuận tốt.
Danh sách 18 ngân hàng thương mại đạt chuẩn Basel II gồm: VIB, Vietcombank, MB Bank, Techcombank, ACB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, VietBank, TPBank, VietCapitalBank, SeABank, ShinhanBank, LienVietPostBank, NamABank, Standard Chartered Việt Nam và BIDV.
Ngay từ năm 2014 Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt lộ trình triển khai thực hiện Basel, lựa chọn 10 ngân hàng trong nước triển khai thí điểm Basel II, tiến tới triển khai áp dụng Basel II đối với tất cả các ngân hàng trong nước.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và đây được xem là khung khổ pháp lý cần thiết hướng dẫn các ngân hàng thực hiện đầy đủ các trụ cột của Basel II.
Các chuyên gia tài chính nhận định, thực tế là việc triển khai Basel II đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, sự đầu tư lớn về tài chính, nguồn nhân lực, hệ thống công nghệ thông tin, năng lực thanh tra... do đó các ngân hàng sẽ khó thực hiện được ngay.
NGÂN HÀNG KHÓ TĂNG VỐN
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, cản trở lớn nhất của các ngân hàng để đạt chuẩn Basel II là gặp khó khăn trong việc tăng vốn để đáp ứng tiêu chuẩn này.
Trước tình hình đó, cuối năm 2019 Ngân hàng Nhà nước đã phải lùi thời gian cho các ngân hàng chưa áp dụng đầy đủ các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn Basel II đến trước ngày 1/1/2023. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 năm 2020 đã kéo theo hàng loạt khó khăn cho nền kinh tế và thị trường vốn. Đại dịch Covid-19 kéo lùi nhiều chỉ tiêu lớn của các ngân hàng, và đang đối diện với những khó khăn mới khi phải dành nguồn lực để cơ cấu lại nợ, giảm lãi, giảm phí hỗ trợ khách hàng và nền kinh tế vượt qua đại dịch.
Nhìn vào báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2020 của các ngân hàng cho thấy đa số các ngân hàng thương mại có chung kịch bản kinh doanh năm 2020 được điều chỉnh theo hướng giảm lợi nhuận, tăng trích lập dự phòng, nợ xấu tăng. Như vậy, việc tăng vốn của các ngân hàng dường như là điều không thể. Với tình hình chung này nhiều ý kiến cho rằng để có thêm ngân hàng đạt chuẩn Base II trong năm 2020 là điều không thể.
Đến thời điểm hiện nay mới có hai trong số bốn ngân hàng quốc doanh lớn nằm trong danh sách đạt chuẩn Basel II là Vietcombank, BIDV. Hai ngân hàng này được công nhận đạt chuẩn Basel II vào cuối năm 2019. Như vậy, hai ngân hàng lớn còn lại là Vietinbank và Agribank vẫn đang lỗi hẹn với Basel II mà lí do duy nhất là không tăng được vốn.
Về phía Vietinbank hiện đã đụng trần giới hạn tỷ lệ sở hữu nhà nước. Trong khi đó, cơ chế cho phép các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước giữ lại cổ tức tiền mặt để tăng vốn chưa thể ban hành. Mặc dù giữa năm 2020 Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý vấn đề tăng vốn điều lệ cho các Ngân hàng thương mại Nhà nước trong đó có VietinBank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần.
Ngay sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP với các quy định nhằm mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Trường hợp được bổ sung là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Như vậy VietinBank đã có cơ sở pháp lý để thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ thông qua phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vietinbank kỳ vọng năm 2021 sẽ tăng được vốn điều lệ lên mức dự kiến là 10.000 tỷ đồng và được công nhận đạt chuẩn Base II.
Còn trường hợp Agribank, do là ngân hàng 100% sở hữu Nhà nước nên vốn điều lệ chỉ có thể được bổ sung từ ngân sách, tuy nhiên, 9 năm qua Agribank chưa được tăng vốn điều lệ. Theo đại diện Agribank, do chưa đáp ứng chuẩn mực Basel II nên Agribank đang được thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định cũ (Thông tư 22). Theo đó, vốn điều lệ của Agribank hiện đạt 30.591 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn vào cuối 2019 là 9,2%, cận kề ngưỡng tối thiểu theo quy định là 9% của Thông tư 22.
Điều này tác động lớn đến các chỉ tiêu tăng trưởng của Agribank bị ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hưởng đến an toàn trong hoạt động ngân hàng, giảm vị thế, vai trò trong hệ thống các tổ chức tín dụng và nguy cơ hạ mức xếp hạng tín nhiệm từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách tuy nhiên câu chuyện này vẫn chưa được thực hiện nên khả năng đạt chuẩn Base II của Agribank trong năm 2020 là điều không thể.
Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Hiệp ước về vốn Basel II được trình bày như một tập hợp các quy định được đề xuất mà có thể sẽ mang đến một loạt các thách thức về tuân thủ cho các ngân hàng trên thế giới.
Việc áp dụng Basel II sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh và các thách thức về quản lý rủi cho các ngân hàng, đối thủ cạnh tranh phi ngân hàng, khách hàng, cơ quan đánh giá và thị trường vốn toàn cầu mà ngân hàng tham gia... Việc triển khai Basel II được đánh giá là có mức độ phức tạp cao do phải áp dụng các chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế với các quy định của từng nơi trên toàn thế giới.
Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/cac-ngan-hang-lai-loi-hen-voi-basel-ii-20201022151332538.htm