Các ngân hàng thương mại Lâm Đồng vào cuộc mạnh mẽ trong cuộc chiến chống COVID-19

Như các lĩnh vực kinh tế khác, hoạt động của các ngân hàng thương mại đang bị ảnh hưởng bởi tác động của dịch COVID-19, vì đời sống kinh tế - xã hội và dân sinh ngừng trệ, dẫn đến các hoạt động tài chính gặp khó khăn, khiến cho các ngân hàng bị sụt giảm doanh thu. Tuy nhiên, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và địa phương, các ngân hàng đang triển khai nhiều gói hỗ trợ, chấp nhận chia sẻ lợi nhuận để cùng vượt qua cơn đại dịch khốc liệt.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với dịch COVID-19 và đảm bảo hoạt động an toàn thông suốt

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với dịch COVID-19 và đảm bảo hoạt động an toàn thông suốt

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 01) về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ… nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID đã được các chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đồng tình và đồng loạt triển khai thực hiện. Trong đó, Vietinbank và Agribank là hai ngân hàng thực hiện ngay khi Thông tư 01 được ban hành. Cụ thể, Vietinbank triển khai gói hỗ trợ gần 30 ngàn tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm thêm 1,5%/năm, Agribank có gói hỗ trợ 100 ngàn tỷ đồng và giảm lãi suất tối đa 1%, Vietcombank với gói hỗ trợ 120 ngàn tỷ đồng và lãi suất giảm từ 0,5-1,5%, BIDV với các gói hỗ trợ hơn 120 ngàn tỷ đồng ở mức lãi suất giảm từ 0,5%-1,2% theo từng kỳ hạn…

Việc triển khai những gói hỗ trợ này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động kinh doanh của các NHTM, cụ thể nhất là giảm doanh thu. Vì vậy, chủ trương của Chính phủ, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước đang được thực hiện chính là có sự vào cuộc mạnh mẽ của các NHTM. Các khoản hỗ trợ này không được cấp bù từ ngân sách, mà các NHTM phải lấy nguồn lực của chính mình, ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, và những tổn thất này mỗi ngân hàng phải tự gánh vác. Do đó, ngân hàng nào có nguồn tài chính mạnh mẽ thì sẽ có sự hỗ trợ tốt, còn năng lực tài chính yếu sẽ gặp những khó khăn khi triển khai. Ngoài ra, theo quy định của Thông tư 01, cho phép các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại nợ nhưng không chuyển nhượng nợ, nên ngân hàng cũng không được trích dự phòng rủi ro, thì nguy cơ tổn thất càng tăng lên… Theo ghi nhận, toàn hệ thống BIDV dự kiến giảm từ 2.400 đến 3.000 tỷ đồng thu nhập để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19.

Vì vậy, thủ tục, hồ sơ cũng rất chặt chẽ. Các tổ chức và cá nhân phải có báo cáo về suy giảm doanh thu, chứng minh đúng thực trạng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19; đồng thời, mục đích sử dụng vốn phải đúng trong thực tế để tạo sự công bằng với các khách hàng khác. Các NHTM tại Lâm Đồng đã tổ chức các hội nghị trực tuyến triển khai đến tất cả các phòng giao dịch và quán triệt đến tất cả các cán bộ chủ chốt của ngân hàng để triển khai gói tín dụng cơ cấu lại nợ, kéo dài thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho khách hàng gặp khó khăn bởi dịch COVID-19…

Cụ thể, tại Agribank Lâm Đồng, đối với khoản vay vốn làm vườn chẳng hạn, do ảnh hưởng của dịch bệnh, rau sản xuất không bán được, chủ vườn bị thiệt hại chi phí giống, phân bón, công chăm sóc… mà không có thu hoạch thì sẽ làm hồ sơ có chứng thực của chính quyền địa phương, để ngân hàng xem xét cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi suất tối đa 1%; đồng thời, Agribank có thể hỗ trợ khách hàng vay vốn để đầu tư bổ sung cho giai đoạn sau trong thời hạn 6 tháng có giảm lãi. Theo ông Nguyễn Trọng Thắng - Phó Giám đốc Agribank Lâm Đồng: Hiện nay, Agribank Lâm Đồng đã nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ của nhiều đơn vị, ngoài hoạt động sản xuất nông nghiệp, còn có các doanh nghiệp kinh doanh khu du lịch, khách sạn, trà…

Các tổ chức tín dụng cũng đang thực hiện chế độ làm việc giãn cách xã hội, áp dụng công nghệ trong hoạt động. Đội ngũ nhân lực làm việc tại trụ sở đủ để duy trì hoạt động thông suốt và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, như giao dịch, bảo lãnh, cơ cấu nợ… Do đặc thù công việc, nhiều bộ phận phải tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, nên chỉ có khoảng 30% nhân lực là làm việc tại nhà qua các thiết bị công nghệ và nền tảng Internet.

Tuy nhiên, bất cứ khách hàng nào đến các phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng cũng phải thực hiện đầy đủ các quy định về các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh, như đo thân nhiệt, rửa tay xịt khuẩn, đeo khẩu trang dù là ở cây ATM hay các phòng giao dịch, phòng làm việc và ngồi cách nhau 2 mét theo quy định. Vào các ngày cuối tuần, đều có đội ngũ nhân viên của CDC đến xịt khuẩn trong khuôn viên và các phòng làm việc của các ngân hàng...

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202004/cac-ngan-hang-thuong-mai-lam-dong-vao-cuoc-manh-me-trong-cuoc-chien-chong-covid-19-2998347/