'Sức khỏe' kinh tế Mỹ ra sao mà khiến Fed phải mạnh tay hạ lãi suất?

Quyết định cắt giảm 0,5% lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là một khởi đầu mạnh mẽ cho sự thay đổi chính sách nhằm củng cố thị trường lao động Mỹ.

"Chiến thắng to lớn"

Các công bố của Fed sau cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra trong hai ngày 17-18/9 cho thấy 10 trong số 19 quan chức Fed dự họp đã ủng hộ cắt giảm thêm ít nhất 50 điểm cơ bản trong hai cuộc họp còn lại trong năm nay. Bảy quan chức Fed ủng hộ việc giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong năm nay, trong khi hai thành viên còn lại phản đối Fed đưa ra bất kỳ động thái nào nữa.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) - cơ quan tham mưu chính sách tiền tệ của Fed - đã bỏ phiếu với tỷ lệ ủng hộ 11-1 cho phương án cắt giảm 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất cơ bản về ngưỡng 4,75 - 5%.

Fed tuyên bố họ sẽ xem xét “các điều chỉnh bổ sung” đối với lãi suất cơ bản, dựa trên dữ liệu sắp tới, triển vọng và sự cân bằng của các rủi ro. Ảnh: AFP

Fed tuyên bố họ sẽ xem xét “các điều chỉnh bổ sung” đối với lãi suất cơ bản, dựa trên dữ liệu sắp tới, triển vọng và sự cân bằng của các rủi ro. Ảnh: AFP

Quyết định cắt giảm lãi suất được Fed đưa ra sau hơn 1 năm neo lãi suất ở mức cao nhất trong 2 thập kỷ, đồng thời đây là đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed sau hơn 4 năm.

"Quyết định này phản ánh sự tự tin ngày càng tăng của chúng tôi rằng với việc điều chỉnh lại lập trường chính sách của mình một cách phù hợp, sức mạnh của thị trường lao động có thể được duy trì trong bối cảnh tăng trưởng vừa phải và lạm phát giảm xuống mức 2% một cách bền vững", Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell, nói tại buổi họp báo ngày 18/9.

Ông Powell cảnh báo không nên coi động thái cắt giảm 50 điểm cơ bản là dấu mốc cắt giảm mà Fed sẽ tiếp tục áp dụng.

Trước khi diễn ra cuộc họp trong hai ngày 17-18/9, các quan chức Fed vẫn tập trung nhiều vào nhiệm vụ kiềm chế lạm phát. Thế nhưng, trong tuyên bố ngày 18/9, các quan chức Fed hiện họ coi rủi ro đối với việc làm và lạm phát là "tương đối cân bằng". Họ cũng cho biết Ủy ban Thị trưởng Mở Liên bang "cam kết mạnh mẽ hỗ trợ việc làm tối đa" bên cạnh việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình Bloomberg, nhà kinh tế trưởng của KPMG, bà Diane Swonk, đánh giá việc Chủ tịch Fed sẵn sàng cắt giảm lãi suất mạnh tay, bất chấp sự phản đối của Thống đốc Michelle Bowman, là dấu hiệu cho thấy "ông ấy muốn thực hiện mức cắt giảm 0,5% lãi suất này đến thế nào".

Theo bà Swonk, việc thuyết phục được các thành viên còn lại của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang đồng ý với phương án cắt giảm 0,5% là một "chiến thắng to lớn".

Hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế xuống 2%

Fed tuyên bố họ sẽ xem xét "các điều chỉnh bổ sung" đối với lãi suất cơ bản, dựa trên "dữ liệu sắp tới, triển vọng đang thay đổi và sự cân bằng của các rủi ro". Họ cũng nhận thấy rằng lạm phát Mỹ "vẫn ở mức cao" và tăng trưởng việc làm đã chậm lại.

Trong dự báo kinh tế hàng quý cập nhật, Fed đã nâng dự báo trung bình về tỷ lệ thất nghiệp lên mức 4,4% vào cuối năm nay, từ mức dự báo 4% vào tháng 6.

Về lạm phát, Fed dự báo trung bình rằng lạm phát sẽ giảm về mức 2,3% vào cuối năm 2024, trong khi dự báo trung bình về tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm xuống còn 2%. Các quan chức Fed cho rằng lạm phát sẽ không trở lại mục tiêu 2% cho đến năm 2026.

Fed một lần nữa nâng dự báo về lãi suất quỹ liên bang dài hạn lên 2,9%, từ mức 2,8%. Chủ tịch Fed cho biết rằng, ông tin lãi suất khó có thể trở lại mức cực thấp như nhiều năm trước đại dịch.

Quyết định giảm 0,5% lãi suất đã mở ra một chương mới cho Fed sau 11 đợt tăng lãi suất mà cơ quan này thực hiện kể từ đầu năm 2022 đến tháng 7/2023, nhằm ứng phó với lạm phát. Trước đó, lạm phát Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1981 do sự gián đoạn chuỗi cung ứng thời đại dịch và nhu cầu tiêu dùng bùng nổ sau khi bị kìm nén do phong tỏa chống dịch.

Sau các nỗ lực kiềm chế, lạm phát Mỹ đã "hạ nhiệt" đáng kể, hiện ở mức 2,5% và đang giảm về đến mục tiêu 2% của Fed. Thị trường lao động Mỹ đã suy giảm, nhưng chưa có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy nền kinh tế Mỹ đang suy thoái hoặc sắp rơi vào suy thoái.

Tỷ lệ sa thải vẫn ở mức thấp, người tiêu dùng Mỹ vẫn duy trì mức chi tiêu. Bằng chứng là doanh số bán lẻ tháng 8 tại Mỹ vẫn tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh số bán hàng trực tuyến đã phục hồi và tăng trưởng 1,4% sau mức giảm 0,4% trong tháng 7.

"Biểu đồ chấm vừa được công bố cho thấy lộ trình cắt giảm lãi suất diễn ra dần dần trong tương lai, cho thấy Fed coi động thái giảm 50 điểm cơ bản là động thái phòng ngừa đủ để ổn định thị trường lao động. Dự báo trung bình vẫn cho thấy GDP thực tế sẽ tăng trưởng với tốc độ vững chắc là 2% trong năm nay", Anna Wong, Stuart Paul, Eliza Winger và Chris Collins - các nhà phân tích từ Bloomberg Economics cho biết.

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn ghi nhận những dấu hiệu căng thẳng ngày càng tăng. Mức tiết kiệm dư thừa để hỗ trợ người Mỹ trong những năm gần đây đã cạn kiệt và tỷ lệ nợ quá hạn đang tăng lên. Tình trạng mất việc làm gia tăng có thể khiến người tiêu dùng Mỹ cắt giảm chi tiêu và làm chậm phát triển kinh tế.

Bức tranh kinh tế u ám đã làm gia tăng đồng quan điểm giữa các quan chức Fed trong việc lựa chọn lộ trình chính sách tốt nhất cho tương lai. Một số quan chức Fed lo ngại rằng việc cắt giảm lãi suất quá nhanh có thể làm tái bùng phát lạm phát và nhu cầu tăng vọt.

Fed cho biết họ sẽ vẫn duy trì tốc độ cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ hàng tháng, để rút thanh khoản dư thừa khỏi hệ thống tài chính.

Ông Powell cũng nói rõ rằng ông tin Fed có thể thu hẹp bảng cân đối kế toán - một quá trình được gọi là thắt chặt định lượng - và hạ lãi suất cùng một lúc.

"Chúng tôi không nghĩ đến việc dừng dòng tiền chảy ra vì điều này (giảm lãi suất - BTV)", Chủ tịch Fed nói. "Chúng tôi biết rằng hai điều này có thể xảy ra song song, theo nghĩa cả hai đều là một hình thức bình thường hóa".

Cần nhắc lại rằng Fed đã tiến hành cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ kể từ tháng 6/2022.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/suc-khoe-kinh-te-my-ra-sao-ma-khien-fed-phai-manh-tay-ha-lai-suat-d225324.html