Các ngành, địa phương phải có kịch bản ứng phó trước mọi khó khăn

Ngày 25-2, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch hội đồng, nhằm phân tích, đánh giá tình hình trong nước, quốc tế thời gian qua, nhất là tác động của dịch Covid-19 tới sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham dự phiên họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Ảnh: TTXVN

Về các mục tiêu Quốc hội giao trong năm nay, phát biểu tại cuộc họp, nhiều chuyên gia chung quan điểm trước mắt chưa nên điều chỉnh các mục tiêu này, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Muốn như vậy, thái độ quyết liệt trong chống dịch cần tiếp tục được phát huy, bởi khó khăn hiện nay chính là do Covid-19 gây nên. Các ý kiến cho rằng, cần hết sức lưu ý kiểm soát lạm phát trong bối cảnh dịch bệnh, dù muốn tăng trưởng đạt mục tiêu. Nhiều chuyên gia đề nghị không điều chỉnh gì nhiều đối với chính sách tiền tệ, thay vào đó cần triệt để tận dụng chính sách tài khóa còn nhiều dư địa. Cùng với đó là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đầu tư cho y tế, giáo dục, môi trường. Đối với thị trường nhập khẩu, cần tích cực xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) sau Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), thay vì tập trung vào một số thị trường. Việc đa dạng hóa thị trường cần thực hiện với cả hàng hóa nhập khẩu, bởi hiện nay tỷ lệ nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc của các doanh nghiệp khá lớn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các tổ chức, như: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá kinh tế nhiều nước sụt giảm, trong đó nhiều nước có quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với Việt Nam, khiến không ít chuỗi sản xuất, thương mại bị đứt gãy. Trước bối cảnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: Cần có loại vaccine chữa trị căn bệnh sụt giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam để đạt được mục tiêu kép, đó là ưu tiên ngăn ngừa Covid-19 lây lan, để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân, đồng thời giữ được nhịp độ phát triển của kinh tế Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao các chuyên gia nêu nhiều ý kiến tâm huyết, sắc sảo và có cơ sở khoa học. Thủ tướng cho rằng đây là dữ liệu đầu vào quan trọng để Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đưa ra các quyết sách điều hành kinh tế-xã hội trong bối cảnh đang có nhiều khó khăn, nhất là tác động của dịch Covid-19. Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tập trung các ý kiến, có báo cáo tóm tắt để đưa ra thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến, xây dựng chỉ thị của Thủ tướng về hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đang triển khai thực hiện mục tiêu kép là không để dịch Covid-19 lây lan, bảo đảm sức khỏe, tính mạng của người dân là quan trọng nhất, tiếp theo là thực hiện các mục tiêu Quốc hội giao. Trong khó khăn phải quyết liệt vượt qua, cải cách mạnh mẽ, đồng bộ, phải đồng tâm, hiệp lực, với một niềm tin Việt Nam, một sức mạnh Việt Nam để đưa đất nước tiến lên. Thủ tướng khẳng định, chưa có cơ sở để điều chỉnh tăng trưởng, chưa có cơ sở để điều chỉnh mục tiêu vĩ mô. Các ngành, địa phương phải có kịch bản triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh Covid-19; tăng cường phân tích, dự báo để ứng phó với các tác động từ bên ngoài.

TTXVN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/cac-nganh-dia-phuong-phai-co-kich-ban-ung-pho-truoc-moi-kho-khan-610849