Các Nghị quyết kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XV
Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XV, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 40 dự thảo nghị quyết tạo cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh nhanh, bền vững trong những năm tới. Từ số báo này, Báo Ninh Bình đăng tải một số Nghị quyết tại kỳ họp. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo
trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND
ngày 10/3/2023 của HĐND tỉnh Ninh Bình)
Ngày 10/3/2023, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XV, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND Ban hành Quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 20/3/2023. Sau đây là nội dung Quy định Chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025.
Theo đó, đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia hoặc có liên quan trong thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025.
Nguyên tắc hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ gia đình, đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, đúng đối tượng, đủ điều kiện theo quy định của nghị quyết này. Mỗi hộ gia đình chỉ được hỗ trợ một lần trong giai đoạn 2023-2025.
Kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân cùng làm theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện, đặc điểm, phong tục tập quán của địa phương.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, lãng phí và các vi phạm trong quá trình thực hiện.
Đối tượng hỗ trợ nhà ở: Hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở theo quy định của Nghị quyết này là hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/ NĐ-CP ngày 27 tháng 1 năm 2021 của Chính phủ về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, có tên trong danh sách hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý năm 2023, 2024, 2025 và là hộ độc lập có thời gian tách hộ trước thời điểm Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
Điều kiện hỗ trợ nhà ở: Hộ gia đình được hỗ trợ phải đảm bảo đủ các điều kiện sau đây: Chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở hư hỏng, dột nát, xuống cấp nghiêm trọng mà hộ gia đình không có khả năng tự xây dựng, sửa chữa. Trong đó: Tiêu chí để xác định nhà ở hư hỏng, dột nát, xuống cấp nghiêm trọng là không đảm bảo 2 tiêu chí trong tổng số 3 tiêu chí: nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng. "Cứng" được hiểu là xây dựng bằng vật liệu bền chắc như gạch, đá, cát, sỏi, xi măng, sắt thép, gỗ bền chắc, đang trong tình trạng sử dụng tốt.
Có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở hợp pháp theo quy định của pháp luật. Trường hợp thửa đất ở được tặng cho, thừa kế, giao, chuyển nhượng nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mà thửa đất đó ổn định, không có tranh chấp thì phải có giấy tờ tặng cho, thừa kế, giao, chuyển nhượng hợp pháp và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
Hộ gia đình được hỗ trợ cam kết sẽ sinh sống trong căn nhà được xây dựng, sửa chữa.
Đối tượng không được hỗ trợ nhà ở, gồm: Hộ nghèo là bố, mẹ đang ở chung căn nhà với con trên cùng thửa đất mà căn nhà đó đang trong tình trạng sử dụng tốt. Hộ nghèo là bố, mẹ mặc dù đang ở căn nhà đã xuống cấp nhưng có con có nhà xây kiên cố trên cùng một thửa đất.
Xếp loại thứ tự ưu tiên hỗ trợ: Thực hiện ưu tiên hỗ trợ cho các đối tượng theo thứ tự sau đây:
1. Hộ nghèo chưa có nhà ở, hoặc đã có nhà ở nhưng dột nát, xuống cấp nghiêm trọng nguy cơ sập đổ trong mùa mưa bão của năm xét duyệt mà hộ gia đình không có khả năng tự xây dựng, sửa chữa.
2. Hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng số 02/2020/ UBTVQH14 ngày 9 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3. Hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Hộ người cao tuổi cô đơn nghèo, hộ nghèo không có sức lao động, hộ nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. (Hộ người cao tuổi cô đơn nghèo là hộ nghèo có duy nhất 1 nhân khẩu, từ đủ 60 tuổi trở lên; không còn bố, mẹ; không có chồng (vợ); không có con hoặc có chồng (vợ), có con nhưng đã chết. Hộ nghèo không có sức lao động là hộ nghèo không có người trong độ tuổi lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 hoặc có người trong độ tuổi lao động nhưng bị khuyết tật nặng hoặc đặc biệt nặng hoặc bị bệnh hiểm nghèo làm mất khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định Y khoa cấp huyện trở lên).
4. Hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo do phụ nữ đứng chủ.
5. Các hộ nghèo còn lại.
Tiêu chuẩn, chất lượng nhà ở sau khi xây dựng, sửa chữa: Căn nhà được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa phải có diện tích tối thiểu bằng 30m2 (đối với những hộ độc thân không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18m2 ) với kết cấu móng bê tông hoặc xây gạch, đá; khung - tường xây gạch hoặc kết hợp khung bê tông, tường gạch; mái bê tông hoặc lợp tôn xốp, nền lát gạch men và có công trình phụ hợp vệ sinh; căn nhà sau khi xây mới hoặc sửa chữa có tuổi thọ từ 20 năm trở lên, nhà ở phải đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc. Mức hỗ trợ:
Mức hỗ trợ xây dựng: 100 triệu đồng/căn. Mức hỗ trợ sửa chữa: 50 triệu đồng/căn.
Nguồn vốn thực hiện được trích từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh.
Phương thức hỗ trợ: Hỗ trợ chia làm hai đợt: Đợt 1 hỗ trợ 50% kinh phí khi khởi công xây dựng, sửa chữa; đợt 2 hỗ trợ 50% kinh phí khi hoàn thành xây dựng, sửa chữa.
Đối với những hộ nghèo không có khả năng tự chủ trong việc xây dựng, sửa chữa nhà ở thì UBND cấp xã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã huy động các tổ chức, cá nhân giúp gia đình trong việc tiếp nhận kinh phí hỗ trợ và tổ chức thực hiện xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Về tổ chức thực hiện: UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch, hướng dẫn về trình tự, thủ tục và các nội dung cụ thể để thực hiện; phân công rõ nhiệm vụ cho các cấp, ngành, địa phương phù hợp với quy định hiện hành; đảm bảo kinh phí thực hiện chính sách theo tiến độ. Các đơn vị được giao quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ phải đúng đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, phương thức hỗ trợ tại Quy định này và trong phạm vi kinh phí được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Ngoài mức hỗ trợ theo quy định này, để nâng cao chất lượng nhà ở được xây dựng, sửa chữa, các địa phương có thể huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác ngoài Ngân sách nhà nước.
Khi Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở mà đối tượng thụ hưởng chính sách trùng với đối tượng thụ hưởng chính sách của Quy định này thì thực hiện theo chính sách của Chính phủ, đồng thời nếu chính sách của Trung ương thấp hơn chính sách của tỉnh thì ngân sách tỉnh cấp bù để đạt mức hỗ trợ theo Quy định này.