Hội đồng Bảo an LHQ kêu gọi tăng cường viện trợ cho Gaza

Ngày 18/11 (giờ New York), các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ đã kêu gọi tăng cường viện trợ cho những người dân đang gặp khó khăn ở Dải Gaza, đồng thời cảnh báo rằng tình hình ở khu vực này đang trở nên tồi tệ hơn.

Bữa ăn của người tị nạn Palestine tại trại tạm Jabalia ở phía Bắc Dải Gaza, ngày 5/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Bữa ăn của người tị nạn Palestine tại trại tạm Jabalia ở phía Bắc Dải Gaza, ngày 5/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoại trưởng Anh David Lammy cho biết cần phải có "sự gia tăng viện trợ rất lớn" cho Gaza, nơi mà hầu hết 2,3 triệu người dân đã phải rời bỏ nhà cửa và hàng chục nghìn người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield phát biểu trước Hội đồng Bảo an rằng Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các hành động của Israel nhằm cải thiện tình hình cho người Palestine và đang hợp tác với chính phủ Israel hàng ngày về vấn đề này.

Trước đó, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã kết luận trong tháng này rằng quốc gia đồng minh Israel hiện không cản trở việc viện trợ cho Gaza và do đó không vi phạm luật pháp Mỹ, ngay cả khi Washington thừa nhận tình hình nhân đạo vẫn rất tồi tệ ở vùng đất này.

Trong một phiên họp trước tại Hội đồng Bảo an, quyền Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách cứu trợ nhân đạo và viện trợ khẩn cấp, bà Joyce Msuya bày tỏ quan ngại khi cho biết hầu hết Gaza hiện là một bãi đất hoang tàn và đầy đống đổ nát.

Bà Joyce Msuya cũng cho rằng các cơ quan chức năng của Israel đang chặn viện trợ nhân đạo vào Bắc Gaza trong bối cảnh giao tranh vẫn tiếp diễn và khoảng 75.000 người vẫn còn thiếu nước và lương thực.

Tình hình nhân đạo tại Gaza đã trở nên nghiêm trọng kể từ khi Israel phát động chiến dịch quân sự quy mô lớn vào vùng lãnh thổ này sau cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel hồi tháng 10 năm ngoái. Theo số liệu cơ quan y tế tại Gaza do Hamas điều hành cho biết chiến dịch quân sự của Israel tại vùng lãnh thổ này đã khiến gần 44.000 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường.

Cùng ngày 18/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) gia tăng áp lực lên Hamas để buộc nhóm Hồi giáo vũ trang này ngừng bắn với Israel.

Lời kêu gọi trên được đưa ra khi ông Biden tuyên bố sẽ "tiếp tục thúc đẩy" đạt được một thỏa thuận trong những tuần cuối cùng trước khi ông Donald Trump của đảng Cộng hòa quay trở lại Nhà Trắng.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rio de Janeiro (Brazil), Tổng thống Biden đã đề nghị gia tăng áp lực lên Hamas, đồng thời ông nhắc lại lời kêu gọi Israel hạn chế thương vong cho dân thường trong cuộc xung đột ở Gaza mà nước này phát động sau các cuộc tấn công của Hamas vào Israel hôm 7/10/2023.

Ông khẳng định Washington sẽ tiếp tục thúc đẩy để đẩy nhanh một thỏa thuận ngừng bắn đảm bảo an ninh cho Israel và đưa các con tin trở về nhà, đồng thời chấm dứt những đau thương mà người dân và trẻ em Palestine đang phải gánh chịu.

Mặc dù Tổng thống Biden kiên định ủng hộ Israel trong khi khuyến cáo nước này kiềm chế trong hơn 1 năm qua, nhưng vẫn chưa rõ chính sách của Mỹ sẽ như thế nào sau khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025. Ông Trump đã chọn các quan chức ủng hộ Israel mạnh mẽ cho nội các của mình và chưa từng đưa ra cam kết về một Nhà nước Palestine độc lập.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ một đề xuất đình chỉ đối thoại chính trị với Israel sau khi nhận định quốc gia này đã có những vi phạm luật pháp quốc tế tại Dải Gaza.

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, đề xuất này được Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đưa ra nhưng đã vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên trong cuộc họp của các Bộ trưởng ngoại giao EU tổ chức tại Brussels hôm 18/11 (giờ địa phương).

Do yêu cầu phải có sự đồng thuận tuyệt đối từ tất cả các quốc gia thành viên, đề xuất của ông Borrell không thể được thực hiện vào thời điểm này.

Những quốc gia không ủng hộ đề xuất này bao gồm Đức, Áo, Cộng hòa Czech, Hungary và Hà Lan. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã bày tỏ sự sẵn sàng áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào các thành viên chính phủ Israel, đặc biệt là những người phủ nhận quyền tồn tại của người Palestine hoặc vi phạm các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, ông Borrell cũng đã đưa ra đề xuất áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir, sau những phát ngôn và hành động gây tranh cãi của họ.

Việc không đạt được sự đồng thuận về đề xuất đình chỉ đối thoại chính trị với Israel cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ EU về cách thức ứng phó với các vấn đề xung quanh xung đột tại Gaza và các vi phạm nhân quyền liên quan.

Mặc dù vậy, vấn đề này vẫn tiếp tục là một chủ đề nóng trong các cuộc thảo luận của EU, với nhiều ý kiến trái chiều về cách thức đối phó và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Israel.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/92/323060/hoi-dong-bao-an-lhq-keu-goi-tang-cuong-vien-tro-cho-gaza.html