Các nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy
Theo Luật Phòng cháy và chữa cháy (PC&CC), nguyên tắc PC&CC là những quan điểm và chỉ đạo xuyên suốt quá trình tổ chức hoạt động PC&CC.
I. Nguyên tắc PC&CC được quy định tại Điều 4, Luật PC&CC:
1. Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PC&CC.
Trong hoạt động PC&CC phải huy động sức mạnh tổng hợp vì: PC&CC là hoạt động mang tính xã hội rộng lớn, có liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Vì vậy phải coi đây là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở, gia đình và mỗi cá nhân. Lực lượng Cảnh sát PCCC là lực lượng nòng cốt trong quản lý nhà nước về PC&CC. Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ và phát huy vai trò của các cấp chính quyền, các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương; sự kết hợp giữa lực lượng chuyên nghiệp với lực lượng dân phòng, lực lượng PC& CC cơ sở và PCCC chuyên ngành.
2. Trong hoạt động PC&CC lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực và chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra. Nguyên tắc này là sự tổng kết kinh nghiệm và thực tiễn công tác PC&CC vì: Bản chất của hoạt động phòng cháy là phòng ngừa cháy, nổ, là áp dụng tổng hợp các giải pháp, biện pháp về tổ chức và kỹ thuật nhằm hạn chế, loại trừ các nguyên nhân, điều kiện gây cháy với mục đích cao nhất là chủ động loại trừ nguy cơ phát sinh cháy, nổ.
Phòng ngừa cháy, nổ còn có ý nghĩa bảo đảm các điều kiện cho công tác chữa cháy được chủ động, kịp thời cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan và nhanh chóng dập tắt đám cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Phòng ngừa cháy, nổ là yếu tố quyết định hiệu quả công tác PC&CC, vì nếu đế xảy ra cháy tức là đã gây ra thiệt hại, thậm chí thiệt hại lớn về người và tài sản.
3. Phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, có hiệu quả.
Đây là nguyên tắc thể hiện tính chủ động trong hoạt động chữa cháy. Để chữa cháy hiệu quả cần phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về lực lượng, phương tiện, phương án và việc tổ chức phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các lực lượng trong chữa cháy. Mỗi vụ cháy đều có những đặc điểm khác nhau, vì vậy phải chú trọng công tác tổ chức thường trực sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện thực tập các phương án chữa cháy thích hợp với từng loại hình cơ sở, KDC, đồng thời phải trang bị phương tiện chữa cháy cần thiết đáp ứng yêu cầu chữa cháy hiện nay.
4. Mọi hoạt động PC&CC trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.
PC&CC là hoạt động mang tính xã hội rộng lớn, vì cháy có thể xảy ra ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào mà ở đó có sự kết hợp trong những điều kiện nhất định các yếu tố: Chất cháy, nguồn nhiệt và chất oxi hóa.
Trên thực tế, giải pháp về phòng ngừa cháy, nổ luôn phải là giải pháp thực tế, gắn với yêu cầu thực tế của từng cơ sở, khu dân cư. Mặt khác, các vụ cháy, nổ xảy ra đều là những vụ, việc mang tính khẩn cấp, đòi hỏi phải giải quyết, khắc phục kịp thời. Tổng kết thực tiễn công tác PC&CC cho thấy, thực hiện PC&CC tại chỗ là vấn đề mang tính chiến lược trong công tác PC&CC. Phòng ngừa cháy có hiệu quả chính là phòng ngừa từ cơ sở; phát hiện cháy kịp thời, tổ chức chữa cháy khẩn trương cũng phải từ cơ sở, phải coi cơ sở là điểm xuất phát của các hoạt động PC&CC.
(Còn nữa)
Minh Phượng (TH)
(Sở Tư pháp)
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/180586/cac-nguyen-tac-phong-chay-va-chua-chay.htm