Các nhà báo có nên viết miễn phí không?
Sự nghiệp báo chí có sự khởi đầu khá khó khăn. Những sinh viên mới bước vào nghề thường chọn viết không lương để tích lũy kinh nghiệm, quan hệ và kiến thức. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Mạng lưới các Nhà báo Quốc tế (IJNET), các nhà báo trẻ nên cần sớm chấm dứt sự khởi đầu 'miễn phí' này.
Viết báo cần được trả công
Vào năm 2013, tờ The Atlantic đã liên hệ với nhà báo tự do Nate Thayer, người từng nổi tiếng với những bài phỏng vấn độc quyền Pol Pot và đã qua đời gần đây. Họ yêu cầu được sử dụng lại miễn phí một trong những bài viết của ông. “Thật không may, chúng tôi không thể trả tiền cho ông”, họ nói, “nhưng chúng tôi có 13 triệu độc giả mỗi tháng” - điều có lẽ nghe khá quen thuộc với các nhà báo và cây bút trên toàn cầu.
Ảnh minh họa: IJNET
Sau đó, Thayer quyết định công bố toàn bộ thông tin trao đổi giữa ông và biên tập viên của The Atlantic, điều này đã khơi lại một cuộc tranh luận không ngừng và thường xuyên trong cộng đồng báo chí: Bạn có bao giờ nên viết miễn phí không?
Không, theo câu trả lời của Thayer. Trong một email gửi tới The Atlantic, ông ấy nói: “Tôi là một nhà báo chuyên nghiệp đã kiếm sống bằng nghề viết báo trong 25 năm và không có thói quen cung cấp miễn phí dịch vụ của mình cho các hãng tin thương mại và để họ có thể kiếm tiền bằng cách đó, sử dụng công sức của tôi và từ chối thanh toán các hóa đơn và nuôi con của tôi”.
Nhiều người sẽ đồng ý với nhà báo Thayer về vấn đề tài chính này, khi nó tạo ra và duy trì một hệ thống lấy đi nhu cầu cơ bản của người viết.
Tuy nhiên, các vấn đề xung quanh việc viết miễn phí rất phức tạp, không chỉ được giải quyết với một câu trả lời là có hoặc không. Chẳng hạn, việc viết miễn phí đối với một sinh viên chưa có kinh nghiệm rõ ràng có ý nghĩa khác đối với một phóng viên có 25 năm kinh nghiệm.
Các nhà báo mới vào nghề có nên cân nhắc việc viết bài miễn phí không? Về vấn đề này, một số nhà báo thành công và dày dạn kinh nghiệm của Mạng lưới các Nhà báo Quốc tế đã chia sẻ những trải nghiệm trong khoảng thời gian mới vào nghề của mình.
“Tôi đã viết miễn phí khi bắt đầu sự nghiệp vì tôi không có kinh nghiệm, tôi cũng không học trường báo chí hay bất cứ thứ gì tương tự. Tôi chỉ thực sự nói rằng bạn nên viết miễn phí nếu bạn không có kiến thức và kinh nghiệm”, nhà báo Sirin Kale tại London, Anh cho biết.
Công việc viết lách miễn phí đó đã cho phép cô có thành tích để trình bày với các tòa soạn trong tương lai khi xin việc, do đó dẫn đến công việc được trả lương sau này. Tuy nhiên, cô tin rằng mọi người không nên tạo thói quen viết miễn phí.
“Tôi nghĩ rằng một khi bạn đã xây dựng một số danh mục bài viết để trình bày với người tuyển dụng tương lai, có thể là 5 hoặc 10 bài báo, thì bạn nên dừng lại. Bạn không nên tiếp tục để làm điều đó miễn phí, và mọi người cũng không nên yêu cầu bạn làm điều đó”, Kale, người từng viết cho hàng loạt tờ báo danh tiếng như Guardian, The Observer, BBC, Vogue, The Telegraph hay The Face, đưa ra lời khuyên.
Khi nào nên viết miễn phí?
Tuy nhiên, có một thực tế trên thế giới nói chung là rất nhiều blogger đã tự nguyện đầu tư thời gian và sự sáng tạo của họ vào việc viết lách không công như một bước đệm tiềm năng để đảm bảo công việc trong tương lai - điều được gọi với khái niệm “lao động hy vọng”.
“Lao động hy vọng” bao gồm những công việc không được trả lương hoặc được trả lương thấp, thường được thực hiện để đổi lấy kinh nghiệm và mối quan hệ với hy vọng rằng sẽ có được những công việc tốt hơn trong tương lai.
Đặt một chân vào cửa rõ ràng là một động lực rất lớn cho các nhà báo trẻ, đặc biệt ở các tờ báo chuyên ngành. Nhà báo chuyên về âm nhạc và giải trí Berth Kirkbride nói: “Báo chí âm nhạc đặc biệt nổi tiếng không trả tiền cho người viết. Tôi từng viết cho các trang web không trả tiền, nhưng thay vào đó tôi có cơ hội tiếp cận một số bản nhạc của nghệ sĩ yêu thích trước khi chúng ra mắt hoặc giúp tôi có thẻ báo chí”.
Nhìn lại trải nghiệm của mình, nhà báo Alex Moreland nói: “Khi tôi mới bắt đầu viết miễn phí, tôi còn là một sinh viên, đó là một phần lý do tại sao tôi cảm thấy mình có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, tôi sẽ không khuyến khích điều này cho bất kỳ ai không phải là sinh viên thực sự hoặc trong một số trường hợp tương tự”.
Các nhà báo đều đồng ý rằng nên từ chối các công việc không được trả lương do các ấn phẩm lớn cung cấp. Kale nói: “Tôi nghĩ bạn không bao giờ nên viết miễn phí cho một ấn phẩm có nhiều tiền để trả cho bạn. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó không sao với những đơn vị nhỏ. Ví dụ, tôi đã từng viết cho một số blog về nữ quyền. Họ không có ngân sách để trả cho mọi người bất kỳ khoản tiền nào, nhưng họ cũng không kiếm được đồng nào”.
Nhà báo Moreland, người từng viết cho Yahoo, Radio Times, Digital Spy hay Metro, giải thích rằng bất kể nền tảng của bạn là gì, nếu bạn chọn làm việc miễn phí, bạn cần phải lưu tâm đến điều đó. “Nếu bạn đang viết miễn phí, bạn nên viết với mục đích và mục tiêu cụ thể để có thể dừng lại đúng lúc”, anh nói.
Xét cho cùng, Kirkbride nói thêm: “Bạn chỉ cần một hoặc hai dòng giới thiệu về các bài viết của mình để giới thiệu mình với những tờ báo có ngân sách. Tôi thực sự nghĩ rằng sẽ có lúc mọi người nên ngừng viết miễn phí và tập trung vào việc được trả tiền cho công việc của họ”.
Báo chí là một công việc và bạn phải được trả công xứng đáng cho thời gian và công sức của mình, bất kể mức độ kinh nghiệm của bạn. Và cách duy nhất để tạo ra các bài viết tốt là thông qua việc thử và sai, bằng cách phạm sai lầm mà bạn có thể học hỏi từ đó. Tất cả các cây bút vĩ đại đều phải bắt đầu từ đâu đó. Bởi vậy, theo các chuyên gia, các cây bút trẻ cần sớm chấm dứt sự khởi đầu miễn phí và trở thành một nhà báo giỏi hơn.
Hoàng Hải (theo IJNET)
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-nha-bao-co-nen-viet-mien-phi-khong-post235958.html