Các nhà đầu tư đổ hàng tỷ USD vào các tài sản có tính bảo vệ cao trước lạm phát
Các nhà đầu tư đang đổ xô vào các tài sản có tính bảo vệ cao trước lạm phát với kỳ vọng chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng ngay cả khi các ngân hàng trung ương chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ sau gần hai năm thực hiện nhiều gói kích thích.
Trái phiếu kho bạc điều chỉnh theo lạm phát (TIPS), quỹ đầu tư hàng hóa và quỹ đầu tư bất động sản là một trong những kênh đang đang thu hút nhà đầu tư trước lạm phát tăng cao.
Sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, chi phí năng lượng cao hơn, chi tiêu của chính phủ cao và nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đã đẩy lạm phát trên toàn thế giới vào năm 2021.
Vào tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái - tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1982 - trong khi lạm phát ở khu vực EU tăng cao kỷ lục 4,9%. Hơn 3/4 số quốc gia được Pew Research phân tích có lạm phát trong quý III/2021 cao hơn so với cùng kỳ năm 2019.
Các ngân hàng trung ương bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã bày tỏ quan điểm sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến ban đầu, nhưng việc tăng lãi suất có thể sẽ diễn ra trong vài tháng tới.
Roger Aliaga-Diaz, nhà kinh tế cấp cao tại Vanguard cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm tới, vượt xa mục tiêu của Fed, đặc biệt là khi sự mất cân bằng cung cầu cần thời gian để tự giải quyết”.
Do đó, các nhà đầu tư đang cố gắng chuẩn bị danh mục đầu tư để đối phó với áp lực lạm phát tăng cao bằng cách mua các tài sản có thể thu được lợi nhuận hoặc phòng hộ chống lại lạm phát gia tăng.
Theo nhà cung cấp dữ liệu EPFR, con số kỷ lục 66,8 tỷ USD trong năm nay đã đổ vào TIPS - trái phiếu kho bạc điều chỉnh theo lạm phát để bảo vệ các nhà đầu tư khỏi những tác động tiêu cực của việc tăng giá.
Nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới BlackRock cho biết, họ dự báo lạm phát sẽ tiếp tục cao hơn so với trước đại dịch và sẽ tăng tỷ trọng nắm giữ TIPS.
Dòng vốn ròng vào các quỹ đầu tư TIPS
Ở Anh, nhu cầu bảo vệ lạm phát mạnh đến mức tháng trước, việc bán 1,1 tỷ bảng Anh trái phiếu chính phủ điều chỉnh lạm phát đáo hạn vào năm 2073 đã mang lại lợi suất thấp nhất và giá cao nhất từng có trong phiên đấu giá.
Sonal Desai, Giám đốc đầu tư tại Franklin Templeton cảnh báo rằng, trái phiếu điều chỉnh theo lạm phát có nguy cơ xảy ra “một số động thái khá lạ” do Fed tiếp tục can thiệp vào thị trường. Thay vào đó, ông ủng hộ một số hàng hóa hoặc tiền tệ dựa trên năng lượng như một biện pháp bảo vệ gián tiếp trước lạm phát.
“Tài sản thực” như hàng hóa hoặc bất động sản đã nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư chỉ sau TIPS. Quỹ ETF 4,5 tỷ USD của Invesco với lượng nắm giữ trong hợp đồng tương lai theo dõi hàng hóa bao gồm đồng, dầu thô và đậu nành đã có dòng vốn vào 2,4 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 11 năm nay. Tính đến tháng 10, dòng vốn vào đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã rút 400 triệu USD ra khỏi quỹ trong tháng này.
Trong khi đó, vàng - vốn được coi là thiên đường trong thời kỳ lạm phát - đã không thu hút các nhà đầu tư vào năm 2021. Theo ETF.com, quỹ ETF vàng hàng đầu đã có hơn 10 tỷ USD dòng vốn chảy ra trong năm nay. Trong khi đó, tiền điện tử đã thu hút một số nhà đầu tư tìm kiếm sự bảo vệ trước lạm phát nhưng giá bitcoin đã giảm mạnh kể từ đầu tháng 11.
Năng lượng và lạm phát có quan hệ mật thiết với nhau vì chi phí năng lượng đóng một vai trò quan trọng trong việc tính toán lạm phát. Giá dầu hoặc khí đốt tự nhiên tăng trực tiếp làm tăng chi phí tiêu dùng và gián tiếp bằng cách tăng chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa.
Theo EPFR, việc đặt cược rằng chi phí năng lượng sẽ tăng trong năm nay đã đẩy dòng chảy vào các quỹ đầu tư liên quan đến năng lượng lên mức cao nhất mọi thời đại.
Mike Sewell, Giám đốc danh mục đầu tư thu nhập cố định tại T Rowe Price cho biết: “Các mặt hàng như dầu mỏ nói chung có khả năng phòng ngừa rủi ro khá tốt nếu dự kiến lạm phát dài hạn hơn”.
Ủy thác đầu tư bất động sản (REIT) là một hình thức đầu tư phổ biến ở Mỹ vì kênh đầu tư này chủ yếu tạo ra dòng tiền đều thông qua tiền cho thuê, vốn có xu hướng tăng cùng với lạm phát. Dòng tiền vào quỹ US REIT ETF với quy mô 6,8 tỷ USD của Schwab đã giảm xuống mức thấp kỷ lục do việc đóng băng tiền thuê được áp dụng trong những tháng đầu của đại dịch, nhưng hiện tại đã phục hồi.
John Croke, Giám đốc quản lý tài sản của bộ phận quản lý sản phẩm thu nhập cố định cho biết, Vanguard đã nhận được dòng chảy mạnh mẽ đối với các sản phẩm TIPS và quỹ hàng hóa của mình. Nhưng ông cảnh báo: "Đừng phản ứng quá mức với lạm phát khi nó đã được đưa vào thị trường".
Các biện pháp phòng ngừa lạm phát tiêu chuẩn đã quá đắt. “Bảo vệ lạm phát không phải là nơi hấp dẫn như trước đây. Cơ hội đó đã bị vô hiệu hóa và chúng tôi đang săn lùng để đặt tiền ở những nơi khác nhau”, ông cho biết.