Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư hơn 4.000 dự án tại Việt Nam
Tính đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam với 4.032 dự án, vốn đăng ký trên 26 tỷ USD. Đây là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Theo Savills Việt Nam, 5 năm trở lại đây, Trung Quốc luôn là một trong 5 quốc gia có lượng đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Số liệu từ Bộ KH&ĐT cho thấy, 9 tháng năm nay, Trung Quốc đã đầu tư 2,92 tỷ USD vào Việt Nam và là quốc gia đứng thứ 2 sau Singapore (3.98 tỷ USD) về khối lượng đầu tư.
Cũng trong 9 tháng, có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc chiếm 14,5% tổng lượng vốn đầu tư, tăng 94,9% theo năm. Về số lượng dự án đăng ký mới, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu với 21,2%. Cùng kỳ năm 2022, Trung Quốc cũng là quốc gia đứng đầu về vốn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chiếm 22% tổng số lượng đầu tư sản xuất. Singapore và Hong Kong đứng thứ 2 và thứ 3 với lần lượt 21% và 17% thị phần.
Tính đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.032 dự án, tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD, đứng thứ 6 trên tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Về thương mại, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD. 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD.
Có thể kể đến một số nhà đầu tư lớn từ Trung Quốc vào lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam như: Shandong HaoHua Tire Co., Ltd đã đầu tư 500 triệu USD vào lĩnh vực chế phẩm cao su và nhựa với dự án 423.560 m2 ở tỉnh Bình Phước; Hainan Longi Green Energy đầu tư 140 triệu USD vào thiết bị điện tại tỉnh Bắc Giang; Xiamen Sunrise Group đầu tư 55 triệu USD vào lĩnh vực kim loại tại tỉnh Quảng Ninh;
Nice Elite International Ltd. đầu tư 42 triệu USD vào lĩnh vực da và các sản phẩm về da tại tỉnh Thanh Hóa; Taizhou Huali New Materials đầu tư 40 triệu USD vào lĩnh vực chế phẩm cao su và nhựa tại tỉnh Thái Nguyên; Lixvisions Innovation Technology đầu tư 29 triệu USD vào máy tinh, thiết bị điện và thiết bị quang học tại tỉnh Nghệ An; Thien Thi Industrial Co., Ltd đầu tư 28 triệu USD vào lĩnh vực gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại tỉnh Bắc Giang; Jiangsu Evertie Lighting Co., Ltd đầu tư 27 triệu USD vào thiết bị điện tại tỉnh Đồng Nai; KingKong Science & Technical Co. đầu tư 25 triệu USD vào thiết bị điện tại tỉnh Hải Phòng…
Nhu cầu lớn từ các nhà sản xuất năng lượng mặt trời
Theo Savills Việt Nam, trong những năm gần đây, các công ty năng lượng mặt trời hàng đầu của Trung Quốc đang mở rộng sản xuất tại Việt Nam, không chỉ nhằm thâm nhập thị trường Đông Nam Á mà còn lấy đó làm bàn đạp để tham gia vào thị trường châu Âu và Mỹ một cách dễ dàng hơn.
Ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam cho rằng, Việt Nam và vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực sản xuất năng lượng mặt trời. Bởi, vùng có vị trí địa lý gần với Trung Quốc, đi kèm lợi thế về giá đất công nghiệp cạnh tranh so với khu vực phía Nam, từ đó tạo sức hút riêng của các tỉnh trong khu vực đối với nhà đầu tư Trung Quốc.
Một yếu tố nữa là mức độ hội nhập kinh tế cao của Việt Nam là điều đáng chú ý. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại với khoảng 224 đối tác đến từ nhiều quốc gia và khu vực trên toàn thế giới. Điều này tạo cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam mở rộng sự hiện diện trên thị trường.
"Việt Nam cũng sở hữu lực lượng lao động dồi dào, bao gồm lực lượng lao động có tay nghề cao kèm chi phí lao động cạnh tranh. Đáng chú ý, Chính phủ trong thời gian qua đã đưa ra các ưu đãi về thuế và chiến lược năng lượng sạch để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo thêm hấp lực đầu tư tại Việt Nam trong tương quan với các thị trường lân cận", ông John Campbell đánh giá.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đơn vị sản xuất, ông John Campbell nhận định, các chủ đầu tư tại Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng xây dựng khu công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn. Các khu công nghiệp và nhà phát triển bất động sản xây sẵn nên tập trung vào các dịch vụ giá trị gia tăng cao và các ưu đãi ngoài giá thuê.
Đồng thời, Chính phủ cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động của Việt Nam để nâng cao năng suất và hiệu quả. Thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, tăng cường chuỗi cung ứng, đơn giản hóa thủ tục đầu tư và sử dụng đất, cũng như áp dụng số hóa đều là những lĩnh vực trọng tâm của ngành công nghiệp Việt Nam.
Theo Vũ Phạm/nhadautu.vn