Các nhà dự báo 'ông nói gà, bà nói vịt' về kinh tế Nga
Các tổ chức dự báo hàng đầu thế giới hiện không thể tìm được tiếng nói chung về việc nền kinh tế Nga có thể sẽ tăng trưởng hay suy giảm trong năm nay...
Theo Wall Street Journal, sự bất ổn do chiến tranh và sự mơ hồ của dữ liệu chính thức - do Moscow đã ngừng công bố sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra năm ngoái - khiến công tác dự báo trở nên phức tạp.
Một số ngân hàng toàn cầu và tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng dương trong năm nay, trong khi một số khác cho rằng nước này sẽ chứng kiến suy giảm mạnh hơn trước khi phục hồi.
Cụ thể, ngân hàng JPMorgan và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lần lượt dự báo kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1% và 0,7% trong năm 2023.
Ngược lại, Ngân hàng Thế giới (WB), ngân hàng Morgan Stanley, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) và ngân hàng Goldman Sachs dự báo tăng trưởng âm, lần lượt là -0,2%, -0,6%, -1,1% và -1,3%. Riêng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) bi quan hơn khi dự báo kinh tế tăng trưởng -2,5% trong năm nay.
Những dự báo trái chiều về năm 2023 được đưa ra sau khi Nga đã gây bất ngờ cho giới phân tích trong năm ngoái. Không lâu sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine”, một số nhà bình luận cho rằng nước có thể chứng kiến suy giảm kinh tế tới 15%. WB cũng dự báo kinh tế nước suy giảm tới 3,5%, còn OECD dự báo suy giảm 3,9%. Tuy nhiên, thực tế năm ngoái, mức suy giảm tăng trưởng kinh tế của Nga chỉ là 2,1%.
Trước khi xung đột nổ ra, dữ liệu kinh tế của Nga được các nhà kinh tế độc lập chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, điều nay đã thay đổi và trở thành chủ đề gây tranh cãi. Theo ông Jeffrey Sonnenfeld, giáo sư đại học Yale, các dự báo dự trên số liệu kinh tế chính thức của Nga có thể bị sai lệch vì các dữ liệu này thiếu độ tin cậy.
Đồng tình với quan điểm này, nhà kinh tế học Mikhhail Mamonov cảnh báo rằng không nên dùng GDP làm thước đo đối với quốc gia đang có xung đột, đặc biệt với một nước như Nga - nơi các dữ liệu chính thức có thể bị can thiệp. Nhà kinh tế này chỉ ra rằng chi tiêu bán lẻ giảm sâu có thể là một lý do để tin rằng nền kinh tế nước này đang suy thoái nghiêm trọng.
"Nga đang trải qua quá trình ‘công nghiệp hóa ngược’ vì chi phí chiến tranh buộc nước này phải rút lại các khoản đầu tư vào công nghệ. Nước này đang mắc kẹt trên con đường dẫn tới tăng trưởng suy giảm và một tương lai kinh tế ảm đạm".
Laura Solanko, cố vấn cấp cao của Ngân hàng Trung ương Phần Lan
Nhà kinh tế học độc lập Alexei Bayer cũng cho rằng giới quan sát không nên quá tin tưởng vào các con số trong dữ liệu chính thức mà Moscow công bố.
Về phía các tổ chức dự báo lớn, OECD dù đưa ra dự báo tiêu cực nhất về tăng trưởng kinh tế Nga (-2,5%) nhưng con số này đã được nâng lên từ mức dự báo -5,6% mà tổ chức đưa ra vào mùa thu năm ngoái. Theo OECD, tác động của các biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga có thể hạn chế hơn so với những dự báo ban đầu, khi Nga gần như vẫn duy trì được mức xuất khẩu nhờ mở rộng bán hàng cho cho các thị trường khác, dù phải giảm giá đáng kể.
Trong khi đó, JPMorgan và IMF giữ quan điểm báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Nga. IMF thậm chí nâng dự báo tăng trưởng của nước lên 0,7%, tăng từ mức dự báo 0,3% đưa ra hồi tháng 1.
“Nga có thể duy trì một số động lực của nền kinh tế nhờ thực hiện các biện pháp tài khóa mạnh tay”, ông Pierre-Olivier Gourinchas, giám đốc nghiên cứu của IMF nói. “Doanh thu từ xuất khẩu của Nga cũng sẽ đứng vững khi nước này tìm được khách hàng thay thế để xuất khẩu sản phẩm năng lượng, sau khi nhiều nước châu Âu áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga”.
Trong khi đó, bà Petya Koeva Brooks, phó giám đốc nghiên cứu của IMF, thừa nhận rằng dữ liệu về kinh tế Nga được công bố ít hơn nhiều so với giai đoạn trước khi xung đột nổ ra.
“Chúng tôi đang sử dụng những dữ liệu có sẵn từ các nguồn chính thức, cũng như các chỉ số khác do bên thức ba cung cấp, bao gồm xuất nhập khẩu, và những nơi mà các con số được xem xét trong bối cảnh lớn hơn”, bà chia sẻ.
Theo Wall Street Journal, do thiếu một số dữ liệu kinh tế truyền thống, các nhà kinh tế buộc phải điều chỉnh mô hình dự báo đối với kinh tế Nga, theo đó dựa vào các chỉ số như xuất khẩu và giá dầu thô, thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách liên bang. Những con số này cho thấy dường như kinh tế Nga đang suy thoái.
Dù đã nâng dự báo tăng trưởng của Nga trong năm 2023, IMF cho rằng tác động của xung đột ở Ukraine sẽ làm giảm dự báo tăng trưởng Nga của tổ chức này khoảng 7 điểm phần trăm vào năm 2027.
“Người Nga sẽ chịu thiệt hại lớn vì cuộc xung đột. Số liệu về GDP không cho thấy đầy đủ điều đó”, Chủ tịch WB David Malpass phát biểu hôm đầu tuần này. “Cuộc xung đột sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống, tiêu chuẩn sống và gây ra làn sóng rời khỏi đất nước của người trẻ Nga”.
Trong dài hạn, nhà kinh tế học Konstantin Sonin dự báo Nga sẽ đối mặt với những “cơn gió ngược” ngày càng lớn khi xung đột ở Ukraine kéo dài và lịch sử có thể lặp lại, kinh tế Nga có thể hướng tới sự sụp đổ hoàn toàn - theo trang tin Novaya Gazeta của Nga.
“Nga đang trải qua quá trình ‘công nghiệp hóa ngược’ vì chi phí chiến tranh buộc nước này phải rút lại các khoản đầu tư vào công nghệ”, bà Laura Solanko, cố vấn cấp cao của Ngân hàng Trung ương Phần Lan, nhận xét trong một bài đăng blog gần đây. “Nước này đang mắc kẹt trên con đường dẫn tới tăng trưởng suy giảm và một tương lai kinh tế ảm đạm”.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cac-nha-du-bao-ong-noi-ga-ba-noi-vit-ve-kinh-te-nga.htm