Các nhà khoa học góp ý cho dự án khu đô thị Cần Giờ
Ngày 22-10, gần 40 nhà khoa học từ các trường đại học, viện nghiên cứu đã tham dự hội thảo 'Đề xuất phương án nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ Dự án Khu đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ'.
Hội thảo do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức nhằm ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học để điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện đề cương nghiên cứu phương án khai thác vật liệu tại chỗ cho Dự án Khu đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ (gọi tắt là Dự án).
Tham dự và đóng góp ý kiến tại hội thảo là các chuyên gia uy tín như: GS. TSKH Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện KHCN và Quản lý Môi trường (Đại học Công nghiệp TP.HCM), PGS.TS Lương Văn Thanh - nguyên Viện trưởng Viện kỹ thuật biển, PGS.TS Phùng Chí Sỹ - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, GS Lê Mạnh Hùng - nguyên Giám đốc viện Khoa học thủy lợi Miền Nam; TS Đỗ Văn Lĩnh - Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Nam...
Tại Hội thảo, đa số các ý kiến đều cho rằng dự án Khu đô thị Du lịch lấn biển Cần Giờ sẽ tạo bước đột phá mới cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, ông ủng hộ dự án này vì đã khơi thông được một sức sáng tạo mới, tạo nên một bước đột phá cho Cần Giờ và cả TP.HCM. “Đánh giá chung của tôi là dự án khá đồ sộ, quy mô và có sự thuyết phục rất lớn, làm rất kỹ càng. Nhiều người làm khoa học cũng rất ủng hộ”, GS.TSKH Lê Huy Bá đánh giá.
Đối với việc nghiên cứu khai thác vật liệu san lấp tại chỗ phục vụ san lấp và cải tạo biển hồ, các nhà khoa học cũng nhận định, phương án này thực hiện tốt sẽ giải quyết được phần lớn nguồn vật liệu san lấp - vấn đề được dư luận quan tâm suốt thời gian qua.
Bên cạnh đó, phương án cải tạo biển hồ rộng có cảnh quan đẹp, độ sâu đủ lớn, nước trong với các bãi tắm nhân tạo độc đáo sẽ thu hút khách hàng trong và ngoài nước, mang lại nhiều lợi ích và tác động tích cực đến kinh tế - xã hội.
“Đề án khai thác vật liệu tại chỗ phục vụ san lấp và cải tạo hồ cho dự án là một đề xuất rất phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay, phù hợp với chủ trương của nhà nước về khuyến khích đầu tư, nghiên cứu nguồn vật liệu tại chỗ cho các dự án xây dựng", TS Lương Văn Thanh – nguyên Viện trưởng Viện Kỹ thuật biển nêu ý kiến.
Theo TS Thanh, việc cải tạo, thu hồi vật liệu san lấp sẽ hạn chế được việc sử dụng cát từ nơi khác đến, chưa kể sẽ hình thành một hồ nước trong, sạch quanh năm phục vụ người dân thành phố và khách du lịch nước ngoài.
Để phương án được thực hiện tối ưu, một số nhà khoa học cũng lưu ý các vấn đề như phải đánh giá tác động môi trường kỹ càng, độ sâu nạo vét lòng hồ, xử lý bùn hữu cơ, trầm tích, bề mặt cấu trúc địa chất, tốc độ bồi lắng, vật liệu trầm tích của 2 con sông Soài Rạp và Lòng Tàu….
Theo đại diện Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ, nhu cầu vật liệu san lấp cho khu đô thị của dự án cần khoảng 130 triệu m3 cát. Qua thăm dò địa chất, nếu khai thác vật liệu tại chỗ (trong lòng hồ với diện tích gần 800 ha) thì tổng khối lượng cát khai thác dự kiến đáp ứng được phần lớn khối lượng này.
Để nghiên cứu, đánh giá phương án đề xuất, chủ đầu tư đã cùng phối hợp với đội ngũ các đơn vị tư vấn có năng lực, uy tín trong nước và trên thế giới như: Viện nghiên cứu Deltares (Hà Lan), Viện Môi trường và Tài nguyên–ĐHQG Tp.HC, Phòng TNTĐQG về Động lực học sông biển thuộc Bộ NN&PTNT...
Dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ tại huyện Cần Giờ, TP.HCM do Công ty cổ phần Đô thị du lịch Cần Giờ làm chủ đầu tư, xây dựng trên toàn bộ bãi triều Cần Giờ với một biển hồ nhân tạo rộng gần 800 ha. Trước đó, tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng Dự án lấn biển Cần Giờ từ 600 ha lên 2.870 ha.
Dự án nằm ở vị trí cách vùng lõi khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ khoảng 18 km về phía Bắc, nằm ngoài ranh giới diện tích đất lâm nghiệp và rừng ngập mặn; cách luồng hàng hải sông Xoài Rạp khoảng 2,7 km và sông Lòng Tàu là 4,5 km.