Các nhà khoa học Mỹ thí nghiệm kim loại tự phục hồi

Các ý tưởng về kim loại tự phục hồi khỏi hư hại đã xuất hiện cách đây vài thập kỷ, tuy nhiên phần lớn vẫn chỉ là khoa học viễn tưởng cho tới 19/7 vừa qua khi các nhà khoa học Mỹ tiến hành một thí nghiệm chứng minh việc này là có thể.

Minh họa khả năng tự phục hồi ở cấp độ nano của kim loại trong thí nghiệm tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia của chính phủ Mỹ. Ảnh: Dan Thompson/Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia/Reuters

Minh họa khả năng tự phục hồi ở cấp độ nano của kim loại trong thí nghiệm tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia của chính phủ Mỹ. Ảnh: Dan Thompson/Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia/Reuters

Theo hãng tin Reuters, các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia của chính phủ Mỹ ở New Mexico ngày 19/7 đã tiến hành các thí nghiệm đặc biệt, trong đó các mảnh bạch kim và đồng nguyên chất tự chữa lành các vết nứt của mình gây ra bởi độ mỏi kim loại. Thí nghiệm này được tiến hành ở cấp độ nano và được thiết kế để nghiên cứu cách các vết nứt hình thành và lan rộng ở kim loại chịu áp lực.

Độ mỏi kim loại là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ hiện tượng các vết nứt cực nhỏ xuất hiện trên các bộ phận máy móc, phương tiện và kết cấu sau khi chúng chịu áp lực hoặc chuyển động lặp đi lặp lại và có xu hướng ngày càng trở nên hư hại theo thời gian. Hiện tượng này tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm do nó có thể gây ra những hư hại thảm khốc trong các lĩnh vực như hàng không khi động cơ phản lực hỏng hóc hay các cơ sở hạ tầng như cầu và các công trình khác.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia đã sử dụng một kỹ thuật được gọi là “hàn lạnh” nhằm kéo các mảnh kim loại nhỏ lại với nhau với tần suất khoảng 200 lần/giây. Từ vết nứt ban đầu, các mảnh kim loại dày khoảng 40 nanomet và rộng vài micromet cuối cùng hợp nhất lại sau khoảng thời gian 40 phút.

Theo giải thích của nhà khoa học vật liệu Brad Boyce thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia - người dẫn đầu nghiên cứu này - quy trình hàn nguội là một quy trình luyện kim xảy ra khi hai bề mặt kim loại tương đối nhẵn và sạch được kéo lại với nhau để cải tổ các liên kết nguyên tử.

Tuy nhiên không giống như các robot tự phục hồi như trong bộ phim Terminator 2: Judgement Day năm 1991, quá trình này chỉ diễn ra tại cấp độ nano và hiện các nhà khoa học “vẫn chưa thể kiểm soát nó”. Các thí nghiệm được quan sát trong một môi trường rất cụ thể bằng cách sử dụng một thiết bị gọi là kính hiển vi điện tử.

Một nhà nghiên cứu sử dụng kính hiển vi điện tử chuyên dụng để nghiên cứu các vết nứt do độ mỏi kim loại gây ra ở cấp độ nano. Ảnh: Craig Fritz/Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia/Reuters

Một nhà nghiên cứu sử dụng kính hiển vi điện tử chuyên dụng để nghiên cứu các vết nứt do độ mỏi kim loại gây ra ở cấp độ nano. Ảnh: Craig Fritz/Phòng thí nghiệm Quốc gia Sandia/Reuters

Trước mắt, quá trình tự phục hồi chỉ được ghi nhận trong các thí nghiệm với bạch kim và đồng. Tuy nhiên theo Reuters dẫn lời tiến sĩ Boyce, các mô phỏng chỉ ra rằng quá trình tự phục hồi có thể xảy ra ở các kim loại khác và các hợp kim như thép có thể biểu hiện tính chất này là việc “hoàn toàn hợp lý”. Ông khẳng định các vật liệu có thể được điều chỉnh “để tận dụng lợi thế” của hiện tượng này.

Ông cho biết một trong những câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ từ nghiên cứu là liệu quá trình này cũng xảy ra trong không khí chứ không chỉ môi trường chân không của kính hiển vi. Tuy nhiên kể cả khi nó chỉ xảy ra trong môi trường chân không, nó vẫn có những ảnh hưởng quan trọng đối với độ mỏi của kim loại trong các phương tiện vũ trụ, hoặc độ mỏi liên quan đến các vết nứt dưới bề mặt không tiếp xúc với không khí.

Nhận định về tác động của nghiên cứu, ông Boyce cho biết kiến thức mới này có thể giúp hình thành “các chiến lược thiết kế vật liệu thay thế hoặc các phương pháp tiếp cận kỹ thuật để giúp giảm thiểu sự cố gây ra bởi độ mỏi kim loại”. Ngoài ra, nó còn có thể làm rõ các hư hỏng do độ mỏi kim loại gây ra trong các cấu trúc hiện có cũng như cải thiện khả năng diễn giải và dự đoán những sự cố tương tự.

Khi dự đoán về mốc thời gian cụ thể công nghệ này có thể được ứng dụng vào thực tế, đồng tác giả nghiên cứu Michael Demkowicz, giáo sư khoa học vật liệu và kỹ thuật của Đại học Texas A&M, cho biết “các ứng dụng hữu hình của những phát hiện này sẽ mất thêm 10 năm nữa để phát triển”.

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/cac-nha-khoa-hoc-my-thi-nghiem-kim-loai-tu-phuc-hoi-post24444.html