Các nhà khoa học phát hiện dấu hiệu cảnh báo về sự sụp đổ của Dòng chảy Vịnh

Các nhà khoa học khí hậu đã phát hiện những dấu hiệu cảnh báo về sự sụp đổ của Dòng chảy Vịnh, một trong địa điểm quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của hành tinh.

Băng tan ở Greenland. Ảnh: AP

Bài liên quan

Nhân loại đang trải qua một giai đoạn mới, khủng khiếp của biến đổi khí hậu

Lũ quét sẽ phổ biến hơn khi khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn

Băng tan ở Bắc Cực đe dọa an ninh toàn cầu

Tốc độ băng tan đang nhanh hơn, đe dọa các thành phố ven biển

Nghiên cứu cho thấy "sự mất ổn định gần như hoàn toàn trong thế kỷ trước" của các dòng chảy Vịnh, còn được gọi là AMOC. Các dòng chảy đã ở điểm chậm nhất trong ít nhất 1.600 năm, nhưng phân tích mới cho thấy chúng có thể sắp ngừng hoạt động.

Một sự kiện như vậy sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc trên toàn thế giới, làm gián đoạn nghiêm trọng những trận mưa và gây ảnh hưởng tới an ninh lương thực toàn cầu, đồng thời làm gia tăng bão và hạ nhiệt độ ở châu Âu và đẩy mực nước biển lên ở phía đông Bắc Mỹ. Nó cũng sẽ gây nguy hiểm hơn nữa cho rừng nhiệt đới Amazon và các tảng băng ở Nam Cực.

Sự phức tạp của hệ thống AMOC và sự không chắc chắn về mức độ sưởi ấm toàn cầu trong tương lai khiến chúng ta không thể dự báo trước các thảm họa vào thời điểm này. Mọi thứ có thể xảy ra trong vòng một hoặc hai thập kỷ, hoặc trong vài thế kỷ nữa. Nhưng với tác động to lớn của sự việc, các nhà khoa học khuyến cáo điều này không bao giờ nên xảy ra.

Ông Niklas Boers, từ Viện Nghiên cứu Tác động Khí hậu Potsdam ở Đức, người đã thực hiện nghiên cứu, cho biết: “Những dấu hiệu bất ổn đã xuất hiện là điều mà tôi không ngờ tới và tôi thấy đáng sợ. Đó là điều mà chúng ta không thể cho phép xảy ra".

Ông cho biết vẫn chưa biết mức CO2 cụ thể có thể gây ra sự sụp đổ AMOC. “Vì vậy, điều duy nhất cần làm là giữ cho lượng khí thải ở mức thấp nhất có thể. Khả năng xảy ra sự kiện có tác động cực lớn này tăng lên theo mỗi gam CO2 mà chúng ta đưa vào bầu khí quyển”.

Các nhà khoa học ngày càng lo ngại về các điểm cực hạn, gây ra những hậu quả không thể đảo ngược đối với khí hậu. Ông Boers và các đồng nghiệp của ông đã báo cáo vào tháng 5 rằng một phần đáng kể của tảng băng Greenland đang trên bờ vực tan chảy hoàn toàn, đe dọa sự gia tăng lớn của mực nước biển toàn cầu.

Những nhà nghiên cứu khác gần đây đã chỉ ra rằng rừng nhiệt đới Amazon hiện đang thải ra nhiều CO2 hơn nó hấp thụ, và đợt nắng nóng ở Siberia năm 2020 đã dẫn đến việc giải phóng khí mê-tan một cách đáng lo ngại.

Theo một phân tích năm 2019, thế giới có thể đã vượt qua một loạt các điểm cực hạn, dẫn đến "một mối đe dọa hiện hữu đối với nền văn minh". Một báo cáo quan trọng từ Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, được công bố vào thứ Hai, dự kiến sẽ nêu ra tình trạng tồi tệ hơn của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Nước ngọt tan chảy từ tảng băng của Greenland đang làm chậm AMOC sớm hơn so với sự thay đổi khí hậu - Ảnh: Christine Zenino

Nghiên cứu của ông Boer, được công bố trên tạp chí Nature Climate Change, cho biết lõi băng và các dữ liệu khác từ 100.000 năm qua cho thấy AMOC có hai trạng thái: một trạng thái nhanh, mạnh như đã thấy trong nhiều thiên niên kỷ gần đây và một trạng thái chậm, yếu. Dữ liệu cho thấy nhiệt độ tăng có thể khiến AMOC chuyển đổi đột ngột giữa các trạng thái trong vòng từ một đến năm thập kỷ.

AMOC được thúc đẩy bởi nước biển mặn, nhưng sự tan chảy của nước ngọt từ tảng băng của Greenland đang làm chậm quá trình này sớm hơn so với các mô hình khí hậu đề xuất.

Tám tập dữ liệu được đo độc lập về nhiệt độ và độ mặn trong khoảng thời gian 150 năm cho phép ông Boers chứng minh rằng sự nóng lên toàn cầu thực sự đang làm tăng tính bất ổn định của các dòng chảy, chứ không chỉ thay đổi mô hình dòng chảy của chúng.

Phân tích kết luận: "Sự suy giảm này của AMOC trong những thập kỷ gần đây có thể liên quan đến sự mất ổn định gần như hoàn toàn trong suốt thế kỷ trước, và AMOC có thể sắp chuyển sang chế độ lưu thông yếu".

Ông Levke Caesar, tại Đại học Maynooth ở Ireland, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Phương pháp nghiên cứu không thể cung cấp cho chúng tôi thời điểm chính xác về khả năng sụp đổ, nhưng phân tích đưa ra bằng chứng cho thấy AMOC đã mất ổn định, như một lời cảnh báo rằng chúng ta có thể sắp tới thời điểm cực hạn sớm hơn tưởng tượng".

Trung Kiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cac-nha-khoa-hoc-phat-hien-dau-hieu-canh-bao-ve-su-sup-do-cua-dong-chay-vinh-post148727.html