Các nhà khoa học phát hiện những đặc tính độc đáo của tinh thể 4D

Các nhà khoa học Israel và Đức phát hiện ra những đặc tính độc đáo của tinh thể 4 chiều, mở ra khả năng ứng dụng mới trong điện toán lượng tử và truyền dữ liệu

Hình minh họa một một khối lập phương bốn chiều và "bóng" mà nó tạo ra trên một mặt phẳng. (Ảnh: Phys)

Hình minh họa một một khối lập phương bốn chiều và "bóng" mà nó tạo ra trên một mặt phẳng. (Ảnh: Phys)

Ngày 13/2, Viện Công nghệ Israel (Technion) cho biết các nhà nghiên cứu của nước này và Đức đã phát hiện ra những đặc tính độc đáo của tinh thể 4 chiều (4D).

Theo Technion, trong nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một mẫu sóng đặc biệt trên bề mặt bán tuần hoàn bằng các kỹ thuật tiên tiến như kính hiển vi quang học quét trường gần.

Nhà nghiên cứu Dan Shechtman của Technion là người đầu tiên phát hiện các tinh thể bán tuần hoàn, có trật tự vào năm 1982, giúp ông giành giải Nobel Hóa học năm 2011.

Trong nhiều năm, các nhà khoa học phát hiện tinh thể bán tuần hoàn tồn tại ở các chiều cao hơn ngoài 3 chiều thông thường. Cấu trúc chiều cao hơn này quyết định các đặc tính cơ học và tôpô của chúng.

Trong nghiên cứu mới nhất trên, các nhà khoa học phát hiện mặc dù có sự khác biệt về hình thái bên ngoài, nhưng hai mẫu bán tuần hoàn có cùng các đặc tính tôpô, chỉ có thể phân biệt được thông qua cấu trúc chiều cao hơn của chúng.

Bên cạnh đó, họ còn nhận thấy hai mẫu sóng bề mặt xuất hiện giống hệt nhau khi đo bằng atto giây.

Điều này có thể được giải thích bằng sự cân bằng giữa các đặc tính năng lượng và tôpô của tinh thể. Một atto giây là một khoảng thời gian rất ngắn và bằng 1/1.000 tỷ giây.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh phát hiện của họ có thể giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các tinh thể bán tuần hoàn, hữu ích cho việc phát triển các ứng dụng mới trong điện toán lượng tử và truyền dữ liệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/cac-nha-khoa-hoc-phat-hien-nhung-dac-tinh-doc-dao-cua-tinh-the-4d-post1012434.vnp