Các nhà khoa học Trung Quốc thực hiện thí nghiệm AI 'phá vỡ quy tắc' trong không gian

Trong 24 giờ, Qimingxing 1, một vệ tinh quan sát Trái đất nhỏ, được điều khiển bởi một AI trên mặt đất mà không có bất kỳ mệnh lệnh, phân công hay can thiệp nào của con người.

 Ảnh: SCMP

Ảnh: SCMP

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết một cỗ máy trí tuệ nhân tạo đã tạm thời được trao toàn quyền kiểm soát một vệ tinh trên quỹ đạo gần Trái đất, trong một thí nghiệm mang tính bước ngoặt để kiểm tra hoạt động của công nghệ này trong không gian.

Trong 24 giờ, Qimingxing 1, một vệ tinh quan sát Trái đất cỡ nhỏ, được điều khiển bởi một AI trên mặt đất mà không có bất kỳ mệnh lệnh, phân công hay can thiệp nào của con người, theo một bài báo đăng trên tạp chí Geomatics and Information Science của Đại học Vũ Hán.

Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi Wang Mi từ Phòng thí nghiệm kỹ thuật thông tin trọng điểm của trường đại học về khảo sát, lập bản đồ và viễn thám, cho biết mục đích của thử nghiệm là để xem AI sẽ làm gì theo cách riêng của nó.

Các nhà khoa học cho biết AI đã chọn một vài địa điểm trên Trái đất và ra lệnh cho Qimingxing 1 xem xét kỹ hơn. Không có lời giải thích nào được đưa ra về lý do tại sao AI lại chọn các địa điểm đó.

Một khu vực được nhắm đến là Patna, một thành phố cổ bên sông Hằng ở phía đông bắc Ấn Độ, cũng là nơi đóng quân của Trung đoàn Bihar – đơn vị Quân đội Ấn Độ đã gặp quân đội Trung Quốc trong một cuộc chạm trán ở Thung lũng Galwan.

Cùng với Patna, Osaka - một trong những cảng bận rộn nhất của Nhật Bản, nơi thỉnh thoảng có các tàu Hải quân Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương, cũng được xếp hạng cao trong danh sách các mối quan tâm của AI.

“Cách tiếp cận này phá vỡ các quy tắc hiện có trong việc thiết lập kế hoạch sứ mệnh,” Wang và các đồng nghiệp của ông cho biết trong bài báo xuất bản vào ngày 3 tháng 4.

Cho đến nay, hầu hết các vệ tinh đều cần có mệnh lệnh hoặc nhiệm vụ cụ thể trước khi hành động. Các nhiệm vụ có thể được đưa ra trong một số tình huống bất ngờ – chẳng hạn như chiến tranh hoặc động đất – hoặc một vệ tinh có thể được lên lịch để làm nhiệm vụ quan sát dài hạn về các mục tiêu cụ thể.

Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù công nghệ AI ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong các sứ mệnh không gian – bao gồm nhận dạng hình ảnh, vẽ đường bay và tránh va chạm – nhưng nó vẫn chưa được trao quyền kiểm soát vệ tinh, dẫn đến lãng phí thời gian và tài nguyên.

Theo bài báo, Trung Quốc có hơn 260 vệ tinh viễn thám trên quỹ đạo, nhưng chúng thường hoạt động không mấy hiệu quả, thường thu thập các dữ liệu có giá trị thấp, nhạy cảm.

Vệ tinh đắt tiền và có tuổi thọ hạn chế. Do đó, các nhà nghiên cứu cho biết việc tận dụng tối đa giá trị của chúng với các ứng dụng quỹ đạo mới là rất cấp bách.

Nhóm đề xuất rằng một vệ tinh do AI điều khiển có thể cảnh báo cho những người – bao gồm quân đội, cơ quan quản lý an ninh quốc gia và các cơ quan liên quan khác – nếu nó phát hiện ra các vật thể hoặc hoạt động bất thường.

Tuy nhiên, để đưa ra quyết định đúng đắn, AI cần có sự hiểu biết đầy đủ về Trái đất. Nhóm của Wang đã xây dựng một thư viện dữ liệu văn bản khổng lồ từ khắp nơi trên thế giới, tương tự như kho ngữ liệu được sử dụng để đào tạo các mô hình ngôn ngữ như ChatGPT. AI do các nhà nghiên cứu phát triển không thể trò chuyện – nhưng nó có thể chủ động dựa trên quá trình đào tạo và có hiểu biết ngày càng tăng về các hoạt động tự nhiên và con người.

Các nhà nghiên cứu cho biết quá trình ra quyết định của AI cực kỳ phức tạp. Máy tính cần xem xét nhiều yếu tố – chẳng hạn như điều kiện thời gian thực, góc camera, giá trị mục tiêu và giới hạn khả năng di chuyển của vệ tinh – khi lập kế hoạch cho một ngày làm việc.

Tập đoàn SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã phóng hơn 3.000 thiết bị Starlink, trong khi Trung Quốc đang lên kế hoạch phóng gần 13.000 vệ tinh liên lạc để cạnh tranh.

Quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đã đề xuất bổ sung các công cụ giám sát cho phép các tàu quỹ đạo nhỏ này làm được nhiều việc hơn là chỉ cung cấp dịch vụ internet.

Các nhà khoa học vũ trụ của Trung Quốc đã đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ AI trên quỹ đạo vào năm 2021, sử dụng một vệ tinh nhỏ thông minh vào năm 2021 để phát hiện và giám sát một cuộc tập trận hải quân không công khai của Hoa Kỳ ngoài khơi bờ biển New York.

Theo đó, vệ tinh đã xác định được một tàu sân bay và các tàu chiến khác, sau đó gửi lại hình ảnh sắc nét cho phép quân đội Trung Quốc giám sát cuộc tập trận gần như theo thời gian thực.

Một nhà khoa học vũ trụ ở Thượng Hải không tham gia nghiên cứu này cho biết: “Tôi tin rằng Bắc Kinh sẽ giám sát chặt chẽ. Nếu AI thử bất cứ điều gì lạ thường, nó sẽ bị người điều khiển dừng ngay lập tức”, nhà nghiên cứu giấu tên cho biết.

Tuy nhiên, một nhà khoa học vũ trụ khác ở Bắc Kinh, có kinh nghiệm về ChatGPT, lại bày tỏ lo lắng về điều gì có thể xảy ra nếu một mô hình ngôn ngữ lớn có quyền truy cập điều khiển chuyến bay và học cách vận hành vệ tinh.

“Vệ tinh là tai mắt của chúng ta trên bầu trời. Chúng ta có thực sự muốn AI quyết định những gì chúng ta thấy và nghe không?”, vị chuyên gia này chia sẻ.

Khi được hỏi sẽ làm gì nếu là nhà điều hành vệ tinh vào một ngày không có nhiệm vụ, ChatGPT cho biết nó sẽ tiến hành kiểm tra bảo trì, cập nhật phần mềm và chương trình cơ sở, thực hiện hiệu chuẩn và thử nghiệm, đồng thời “khám phá các lĩnh vực quan tâm mới”.

Chatbot, được phát triển bởi OpenAI do Microsoft hậu thuẫn, đã tiếp tục nêu tên một số địa điểm mà nó quan tâm nhất, bao gồm Rạn san hô Great Barrier của Úc, rừng nhiệt đới Amazon và dãy Himalaya, cũng như Sa mạc Sahara và Bán đảo Nam Cực.

Khi được hỏi tại sao lại chọn những khu vực này, ChatGPT cho biết đó là vì chúng “đang bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác do con người và biến đổi khí hậu”.

Theo SCMP

Tiến Dũng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/cac-nha-khoa-hoc-trung-quoc-thuc-hien-thi-nghiem-ai-pha-vo-quy-tac-trong-khong-gian-post165949.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi