Các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế bàn thảo về phát triển giáo dục đại học

Ngày 29/7 tại Hà Nội, hơn 200 nhà quản lý và nhà giáo dục của Đại học Quốc gia Hà Nội và các chuyên gia nước ngoài đến từ Đại học Indiana đã tham dự hoạt động học thuật đầu tiên được tổ chức tại ĐHQGHN ở Hòa Lạc.

Đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia Hội thảo quốc tế

Đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia Hội thảo quốc tế

Hội thảo mùa hè năm 2022 thuộc Dự án Đổi mới giáo dục Đại học (PHER) đánh dấu mốc khánh thành cho tổ hợp này, trước khi chính thức phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập của sinh viên ĐHQGHN vào tháng 9 năm nay.

Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề quốc tế của Đại học Indiana, Mỹ Hannah Buxbaum bày tỏ mong muốn hai cơ sở có thể kiến tạo nhiều cơ hội hợp tác lâu dài, bền vững và mang lại lợi ích chung cho hai bên trong tương lai bởi trong quá trình xây dựng một đại học đẳng cấp quốc tế, rất cần thiết phải có sự hỗ trợ, đối sánh của một đại học đồng cấp quốc tế. Indiana và ĐHQGHN có thể hỗ trợ một cách hiệu quả hơn trong khuôn khổ Dự án PHER.

Tham luận của các nhà khoa học quốc tế tại Hội thảo

Tham luận của các nhà khoa học quốc tế tại Hội thảo

Giám đốc Dự án PHER Arjan Koeslag đánh giá cao vai trò tiên phong của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục Việt Nam. “Thay đổi” và “đổi mới” cũng chính là những mục tiêu cốt lõi mà PHER hướng tới. Ngày hôm nay, Dự án đã quy tụ rất nhiều nhà quản lý, nhà giáo dục và các chuyên gia đầu ngành đến đây đóng góp cho sự phát triển chung của PHER. Việc sử dụng nguồn nhân lực đó như thế để tối ưu nhất thì cần phải cải thiện thêm và hy vọng PHER có thể giúp thực hiện điều này.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hiệu cho biết ĐHQGHN là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ với 35 đơn vị thành viên, hơn 2500 cán bộ khoa học và gần 55.500 người học. Dự án PHER được kỳ vọng là sự bổ trợ kỹ thuật cho dự án “Phát triển các đại học Việt Nam”, ĐHQGHN hy vọng có thể nâng cao năng lực quản trị, quản lý, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng lắng nghe các tham luận từ các giáo sư của Đại học Indiana, tập trung vào các vấn đề vai trò của các Đại học công lập trong thế kỷ 21, Tài chính và tự chủ trong các đại học, Chuyển đổi số, Quản trị chia sẻ.

Vai trò tiềm năng của quản trị chung cũng được xem xét trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay.

Vai trò tiềm năng của quản trị chung cũng được xem xét trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay.

Chia sẻ quan điểm về vai trò của đại học công lập, Giáo sư Lauren Robel từ đại học Indiana, Bloomington đưa ra quan điểm rằng để vượt trội trong thế giới hiện nay, “các trường đại học cần phải kết nối nhiều hơn và trở nên khác biệt hơn”. Bởi lẽ bản chất của nhiều khám phá khoa học đã thay đổi, giảng viên tại các trường đại học nghiên cứu hiện đại cần có kết nối với các nhóm quốc tế gồm các nhà nghiên cứu phù hợp và hợp tác với các cơ sở tiên tiến để liên tục có sự trao đổi và cập nhật.

GS. Dennis Cromwell định nghĩa chuyển đổi số là sự tích hợp công nghệ vào tất cả các lĩnh vực của một “doanh nghiệp” dẫn đến những thay đổi cơ bản về cách tổ chức vận hành và cung cấp dịch vụ cho các hợp phần của nó. Chuyển đổi số sẽ dẫn đến đổi mới phương pháp dạy và học, tăng cường trải nghiệm của sinh viên, tăng cường nghiên cứu và năng lực quản trị. Đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục bậc đại học, đề cập đến các yêu cầu về văn hóa, lực lượng lao động và kỹ thuật cần thiết cho sự chuyển đổi đó.

Trong phiên thảo luận về quản trị chia sẻ, GS. Terrence Mason từ ĐH Indiana đề cập đến cơ sở lý luận của thực tiễn quản trị chung trong trường đại học hiện đại, tập trung vào cách các yếu tố chính của mô hình quản trị chung có thể đóng góp vào một môi trường thể chế, trong đó tất cả các bên liên quan đều có cảm giác làm chủ và cam kết với các mục tiêu và ưu tiên của trường đại học. Vai trò tiềm năng của quản trị chung cũng được ông xem xét trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam hiện nay.

Hội thảo cũng mở phiên thảo luận để những đại biểu tham gia tự do đặt câu hỏi cho các chuyên gia từ Đại học Indiana. Trước đó, Hội thảo mùa hè 2022 thuộc Dự án Hợp tác Đổi mới giáo dục Đại học đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 25 – 26/7/2022 với sự tham gia của cả hai Đại học Quốc gia và Đại học Đà Nẵng.

Sau Chuỗi hội thảo này, ngày 1/08/2022, ĐHQGHN sẽ chủ trì sự kiện khai mạc chính thức của Dự án Hợp tác Đổi mới giáo dục Đại học với sự tham gia của các cơ quan, Bộ, ngành của Mỹ và Việt Nam.

Dự án PHER (Partnership for Higher Education Reform) nằm trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ phát triển giáo dục đại học của USAID, là sáng kiến kéo dài 5 năm từ 2022 đến 2026 nhằm nâng cao năng lực để 3 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Việt Nam phát triển bền vững và tự chủ hơn trong các lĩnh vực quản trị, đào tạo, nghiên cứu và kết nối với doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu về nhân lực phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Dự án sẽ bắt đầu triển khai từ tháng 1/2022. Theo lịch trình, trong năm thứ nhất, Dự án dự kiến sẽ tiến hành giai đoạn khảo sát, đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực quản trị của 3 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; tiếp theo đó sẽ là giai đoạn xây dựng chương trình và nội dung đào tạo diễn ra từ tháng 4 đến tháng 5 năm 2022; tháng 6 đến 8/2022, chương trình dự kiến sẽ bắt đầu giai đoạn triển khai đào tạo tại Việt Nam, ba tháng cuối năm 2022 sẽ là giai đoạn trao đổi học giả và đào tạo nhà lãnh đạo, quản lý tại Hoa Kỳ.

Hà An

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cac-nha-khoa-hoc-viet-nam-va-quoc-te-ban-thao-ve-phat-trien-giao-duc-dai-hoc-post602577.html