Các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới chia buồn trước sự ra đi của Đức Giáo hoàng Francis
Các nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc đối với vị Giáo hoàng được ngưỡng mộ vì lòng nhân ái, sự khiêm nhường và cam kết với công bằng xã hội.
Sự ra đi của Đức Giáo hoàng Francis ở tuổi 88 đã khiến cả thế giới xúc động. Từ châu Âu đến châu Á, châu Phi đến châu Mỹ, các nhà lãnh đạo quốc tế đã bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc đối với vị Giáo hoàng được ngưỡng mộ vì lòng nhân ái, sự khiêm nhường và cam kết với công bằng xã hội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người tiền nhiệm Joe Biden đã dẫn đầu đoàn đại biểu đến viếng Đức Giáo hoàng Francis.
Chia sẻ trên nền tảng Truth Social, ông Trump viết: “Hãy yên nghỉ Đức Giáo hoàng Francis! Cầu xin Chúa ban phước cho ngài và tất cả những ai yêu mến ngài!”

Chia sẻ trên nền tảng Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết: “Hãy yên nghỉ Đức Giáo hoàng Francis! Cầu xin Chúa ban phước cho ngài và tất cả những ai yêu mến ngài!” (Ảnh: THX/TTXVN)
Cựu Tổng thống Joe Biden đã ca ngợi Giáo hoàng là “một nhà lãnh đạo không giống bất kỳ ai trước ngài.”
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng chia sẻ: "Chúng tôi đoàn kết cầu nguyện với những người Công giáo trên toàn thế giới và cho giai đoạn chuyển tiếp này của Giáo hội Công giáo."
Nhiều lãnh đạo Quốc hội Mỹ như Thượng nghị sỹ Chuck Schumer và Hạ nghị sỹ Hakeem Jeffries cũng đều ca ngợi sự phục vụ khiêm nhường của Giáo hoàng đối với người nghèo, nhấn mạnh di sản tinh thần mà ngài để lại.
Từ quê hương Argentina của Đức Giáo hoàng Francis, Tổng thống Javier Milei - dù từng có những bất đồng công khai với Giáo hoàng - vẫn dành những lời ca ngợi đầy chân thành. Tổng thống Milei cho biết nước này cũng sẽ tổ chức quốc tang kéo dài 7 ngày.

Đức Giáo hoàng Francis
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva cũng đã ra sắc lệnh để tang 7 ngày trên toàn quốc, đồng thời bày tỏ rằng nhân loại đã mất đi một tiếng nói đầy tôn trọng và bao dung.
Cuba cũng dành sự tiếc thương đặc biệt. Bộ trưởng Ngoại giao Bruno Rodriguez thay mặt chính phủ gửi lời chia buồn tới cộng đồng Công giáo quốc tế, đồng thời nhấn mạnh rằng nhân dân Cuba luôn ghi nhớ những chuyến thăm của Giáo hoàng Francis và sự gần gũi mà ngài thể hiện.
Tại Tây Ban Nha, Bộ trưởng Tư pháp Felix Bolanos cho biết nước này sẽ tổ chức quốc tang trong 3 ngày.
Ông bày tỏ sự trân trọng đối với 12 năm cải cách của Giáo hoàng, cho rằng những nỗ lực đó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử của Giáo hội.
Ông cũng cho rằng Giáo hoàng Francis đã dành trọn cuộc đời để bảo vệ người yếu thế, cũng như không ngừng đấu tranh chống lại nhiều mặt tối của xã hội như bất công và biến đổi khí hậu.
Tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Keir Starmer gọi Đức Giáo hoàng là "người lãnh đạo dũng cảm," người "không bao giờ mất hy vọng vào một thế giới tốt đẹp hơn." Các cơ quan Chính phủ Anh treo cờ rủ trong 1 ngày để tưởng niệm.
Vua Charles III cũng gửi lời chia buồn, cho biết ông "vô cùng đau buồn" trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis và xúc động khi nhớ lại cuộc gặp gần đây với ngài tại Vatican. “Ngài đã chạm đến cuộc sống của rất nhiều người một cách sâu sắc,” Nhà vua phát biểu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ghi nhận sự ủng hộ của Đức Giáo hoàng trong các lời cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine.
“Chúng tôi đau buồn cùng với toàn thể cộng đồng Công giáo và tất cả những người theo đạo Thiên chúa,” ông viết trên mạng xã hội.
Tổng thống Hungary Viktor Orban cũng bày tỏ sự kính trọng bằng lời vĩnh biệt ngắn gọn: “Cảm ơn vì mọi thứ, Đức Thánh Cha. Chúng con xin vĩnh biệt ngài”. Chủ tịch Liên minh châu Phi Mahmoud Ali Youssouf, ca ngợi Giáo hoàng Francis là “tiếng nói đạo đức cao cả của thời đại,” người đã ủng hộ mạnh mẽ hòa bình và nhân phẩm, đặc biệt trên lục địa châu Phi.
Tại châu Á, nhiều chính trị gia Hàn Quốc từ các đảng phái khác nhau đã đồng loạt gửi lời chia buồn. Chủ tịch Quốc hội Woo Won Shik gọi Đức Giáo hoàng là “người bạn của người nghèo,” trong khi các lãnh đạo và cựu lãnh đạo từ đảng Dân chủ đối lập (DP) và đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) đều ca ngợi cuộc đời và thông điệp nhân ái của Giáo hoàng, đồng thời cam kết tiếp tục lan tỏa những giá trị về lòng trắc ẩn, công bằng và phục vụ người yếu thế trong xã hội.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr ca ngợi trái tim rộng mở khi ông bày tỏ nỗi buồn sâu sắc về sự ra đi của Giáo hoàng. Đây cũng là quốc gia duy nhất có đa số dân theo Công giáo ở Đông Nam Á.
Theo thông báo của Tòa Thượng phụ La tinh Jerusalem, Thánh lễ tưởng niệm Đức Giáo hoàng sẽ được tổ chức vào ngày 22/4 tại Nhà thờ Mộ Thánh.
Ngày 21/4, chuông tại Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp) đã ngân lên 88 hồi tưởng nhớ Đức Giáo hoàng Francis. Văn phòng báo chí Nhà thờ Đức Bà cho biết: "88 hồi chuông tượng trưng cho 88 năm cuộc đời (Giáo hoàng)."
Cùng ngày, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo cho biết các hoạt động chiếu sáng mang tính biểu tượng của Tháp Eiffel sẽ được tắt vào đêm 21/4 để tưởng nhớ Đức Giáo hoàng Francis. Tòa thị chính đang có kế hoạch đặt tên một địa điểm ở thủ đô nước Pháp theo tên Đức Giáo hoàng Francis, người mà bà cho biết đã ủng hộ "chào đón người tị nạn."
Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã gửi lời chia buồn trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis.
Trên nền tảng truyền thông xã hội X, bà von der Leyen viết: "Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến tất cả những ai cảm thấy mất mát to lớn này, hy vọng di sản của Đức Giáo hoàng sẽ tiếp tục hướng dẫn tất cả chúng ta đến một thế giới công bằng, hòa bình và nhân ái hơn."
Người đứng đầu EU cũng ca ngợi “sự khiêm nhường và tình yêu trong sáng của Đức Giáo hoàng dành cho những người kém may mắn."
Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz thì cho rằng Giáo hoàng Francis sẽ được nhớ đến vì sự tận tụy không mệt mỏi đối với những nhóm người yếu thế nhất của xã hội.
Tổng thống Thụy Sĩ ca ngợi Giáo hoàng Francis là một nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại, người ủng hộ không mệt mỏi cho hòa bình và di sản của Giáo hoàng sẽ còn mãi.
Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof cho biết Giáo hoàng Francis là "người của nhân dân về mọi mặt," người đã nhận ra những vấn đề cấp bách của thời đại chúng ta và kêu gọi sự chú ý đến chúng. Ông bày tỏ tưởng nhớ Giáo hoàng với lòng kính trọng sâu sắc, và Giáo hoàng là hình mẫu cho nhiều người - cả người Công giáo và người không theo Công giáo.
Thủ tướng Italy, bà Giorgia Meloni đã bày tỏ lòng thương tiếc Đức Giáo hoàng Francis.
Phát biểu trên đài truyền hình RAI, bà Meloni cho biết việc Giáo hoàng ra đi sau ngày lễ Phục Sinh cho thấy ông “muốn làm tròn nhiệm vụ của mình cho đến phút cuối cùng."
Tổng thống Ba Lan, ông Andrzej Duda cho biết Đức Giáo hoàng Francis là “một tông đồ vĩ đại của lòng thương xót,” người mà ông nhìn thấy câu trả lời cho những thách thức của thế giới hiện đại.
Từ Nga, Điện Kremlin ra thông báo, đánh giá rằng trong nhiệm kỳ Giáo hoàng, Đức Giáo hoàng Francis đã tích cực thúc đẩy đối thoại giữa các giáo hội chính thống của Nga và Công giáo La Mã, cũng như sự tương tác xây dựng giữa Nga và Tòa thánh Vatican. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng bày tỏ chia buồn.
Trong khi đó, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi chia sẻ sự ra đi của Đức Giáo hoàng Francis "là một mất mát sâu sắc cho toàn thế giới, vì ngài là tiếng nói của hòa bình, tình yêu và lòng trắc ẩn."
Ông là người "làm việc không biết mệt mỏi để thúc đẩy lòng khoan dung và xây dựng những cây cầu đối thoại ... và là người đấu tranh cho sự nghiệp của người Palestine, bảo vệ các quyền hợp pháp và kêu gọi chấm dứt xung đột."
Trong thông điệp chia buồn gửi tới thế giới Kitô giáo và các cộng đồng tại Đất Thánh, Tổng thống Israel Isaac Herzog cho biết Giáo hoàng Francis là người có đức tin sâu sắc, yêu chuộng hòa bình và lòng trắc ẩn, người đã vun đắp mối quan hệ với thế giới Do Thái.
Tổng thống Herzog nhấn mạnh: "Một người có đức tin sâu sắc và lòng trắc ẩn vô bờ bến, ông đã cống hiến cuộc đời mình để nâng đỡ người nghèo và kêu gọi hòa bình trong một thế giới đầy biến động. Tôi thực sự hy vọng rằng những lời cầu nguyện của ông cho hòa bình ở Trung Đông và cho sự trở về an toàn của các con tin (ở Gaza) sẽ sớm được đáp lại."
Cùng ngày, Iran đã gửi lời chia buồn tới Tòa thánh Vatican. Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmail Baqaei cho biết tại một cuộc họp báo "Các đồng nghiệp của tôi vừa thông báo cho tôi tin tức này... Tôi xin gửi lời chia buồn tới tất cả những người theo đạo Thiên chúa trên toàn thế giới."
Iran, một quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi, vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Vatican.
Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng bày tỏ vô cùng đau buồn trước sự ra đi của ví Giáo hoàng Francis, "ngọn hải đăng của lòng trắc ẩn," người đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người bằng lòng khiêm nhường và tình yêu thương trong sáng của ngài dành cho những người kém may mắn.
Giáo hoàng Francis, sinh ra tại Argentina với tên Jorge Mario Bergoglio, là Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ Latinh và nổi bật với tinh thần cải cách, cam kết bảo vệ người nghèo và môi trường, cùng tầm nhìn về một Giáo hội gần gũi hơn. Giáo hoàng Francis đã qua đời chỉ 1 ngày sau khi xuất hiện trước công chúng tại lễ Phục Sinh.
Các nghi thức về tổ chức tang lễ và bầu chọn Giáo hoàng mới
Ngày 21/4, sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, Giáo hội Công giáo sẽ khởi động giai đoạn “Sede Vacante" (Vacant See), trong đó một hồng y cấp cao sẽ tiếp quản các công việc hằng ngày cho đến khi Giáo hoàng mới được chọn.
Cụ thể trong trường hợp này, Hồng y người Mỹ gốc Ireland, ông Kevin Farrell, đã được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm vào vai trò này tháng 2/2019.
Theo truyền thống, vai trò chính của Hồng y Farrell là chứng nhận Giáo hoàng qua đời, được thực hiện bằng cách dùng một chiếc búa bạc đặc biệt gõ vào trán Giáo hoàng 3 lần bằng và gọi tên khai sinh của ông.
Hồng y cũng được giao nhiệm vụ phá hủy "Chiếc nhẫn của ngư dân," chiếc nhẫn có dấu ấn bằng vàng được đúc riêng cho mỗi Giáo hoàng mới, vốn được sử dụng để niêm phong tài liệu. Hành động này tượng trưng cho sự kết thúc của một triều đại Giáo hoàng.
Các Hồng y từ khắp nơi trên thế giới sẽ tổ chức một loạt các cuộc họp được gọi là "đại hội đồng" và quyết định ngày chôn cất, cũng như việc tổ chức "novemdiales," tức 9 ngày để tang. Ngày chôn cất phải diễn ra giữa ngày thứ Tư và ngày thứ Sáu sau khi Giáo hoàng mất.
Các Giáo hoàng tiền nhiệm đã được chôn cất tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican, nhưng Giáo hoàng Francis đã yêu cầu được chôn cất tại Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore ở Rome.
Thi hài của Giáo hoàng Francis sẽ được đặt bên trong một chiếc quan tài duy nhất bằng gỗ và kẽm, một lần nữa phá vỡ truyền thống. Các Giáo hoàng trước đều được chôn cất trong 3 chiếc quan tài bằng gỗ bách, chì và cây du.
Theo nhà chức trách Tòa thánh Vatican, sự thay đổi trong nghi lễ tang lễ phản ánh việc Giáo hoàng Francis khi sinh thời luôn cho rằng vai trò của Giáo hoàng là "một mục tử và môn đồ của Chúa Kitô, chứ không phải của một người quyền lực của thế giới này."
Bên cạnh đó, quan tài mở của Giáo hoàng Francis sẽ được đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Peter, thay vì trên một bệ cao, được chống đỡ bằng đệm theo truyền thống.
Các giáo đoàn sẽ ấn định ngày bắt đầu mật nghị không ít hơn 15 ngày và không quá 20 ngày sau khi Giáo hoàng qua đời.
Đây là cuộc họp kín, trong đó các Hồng y dưới 80 tuổi sẽ chọn Giáo hoàng tiếp theo trong số những người ngang hàng họ. Hiện tại có 135 Hồng y có quyền bỏ phiếu, trong đó có 108 người được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm. Trong số này, 53 người đến từ châu Âu, 20 người đến từ Bắc Mỹ, 18 người đến từ châu Phi, 23 người đến từ châu Á, 4 người đến từ châu Đại Dương và 17 người đến từ Nam Mỹ.
Các Hồng y phải ở lại Nhà nguyện Sistine cho đến khi tìm được một Giáo hoàng mới và giữ bí mật tuyệt đối trong quá trình bỏ phiếu.
Sau khi được bầu, tân Giáo hoàng sẽ được dẫn vào một phòng thánh nhỏ gần Nhà nguyện Sistine được gọi là "sala delle lacrime," hay Phòng Nước mắt. Sau đó, tân Giáo hoàng sẽ xuất hiện trên lô gia của Vương cung thánh đường Thánh Peter.
Hồng y cao cấp Renato Raffaele Martino sẽ tuyên bố “Chúng ta có một Giáo hoàng!” bằng cách đọc câu nói nổi tiếng bằng tiếng Latin: "Habemus Papam!".