Các nhà lãnh đạo thế giới đến Vatican tiễn biệt Giáo hoàng Francis

Nhiều nguyên thủ quốc gia, thủ tướng, chức sắc hoàng gia và tín hữu từ khắp nơi trên thế giới đến Quảng trường Thánh Peter tiễn biệt Giáo hoàng Francis.

Trong số đại biểu từ hơn 150 quốc gia có Tổng thống Mỹ Donald Trump, tổng thống các nước Argentina, Pháp, Gabon, Đức, Italia, Philippines, Ba Lan, Ukraine; thủ tướng Anh, New Zealand cùng nhiều thành viên hoàng gia châu Âu.

Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân cũng có mặt từ sớm.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân đến dự tang lễ Giáo hoàng. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân đến dự tang lễ Giáo hoàng. (Ảnh: Reuters)

Hàng chục nghìn người dân đổ về Vatican từ lúc rạng sáng, nhiều người thậm chí cắm trại suốt đêm để có chỗ đứng tốt nhất.

Maria Fierro, một người hành hương từ Tây Ban Nha xúc động chia sẻ: "Chúng tôi chờ đợi cả đêm để được tiễn biệt ngài".

Một nữ tu dòng Francisco, Mary James, cho biết: "Chúng tôi muốn nói lời tạm biệt, vì ngài là một vị thánh sống, khiêm nhường và giản dị".

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và phu nhân viếng Giáo hoàng Francis. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và phu nhân viếng Giáo hoàng Francis. (Ảnh: Reuters)

Giáo hoàng Francis, vị giáo hoàng không phải người châu Âu đầu tiên sau gần 13 thế kỷ, qua đời hôm 21/4 ở tuổi 88. Từ đó, Vatican bước vào giai đoạn chuyển giao theo nghi thức cổ truyền, trong không khí trang nghiêm và tiếc thương sâu sắc.

Khoảng 250.000 người tới viếng ông trong ba ngày qua, khi thi hài ông được đặt trong quan tài mở trước bàn thờ chính của Vương cung thánh đường Thánh Peter.

Dự kiến, theo giờ địa phương, quan tài sẽ được rước ra qua cửa chính để cử hành thánh lễ ngoài trời lúc 10 giờ sáng. Các nguyên thủ và đại biểu quốc tế sẽ ngồi đối diện hàng trăm hồng y trong khu vực được sắp xếp riêng.

Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân cũng có mặt tại tang lễ. (Ảnh: Reuters)

Cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden và phu nhân cũng có mặt tại tang lễ. (Ảnh: Reuters)

Thánh lễ do Hồng y Giovanni Battista Re, 91 tuổi, chủ tế, dự kiến kéo dài khoảng 90 phút,

Giáo hoàng Francis chọn Vương cung thánh đường Đức Bà Cả ở Rome, cách Vatican khoảng 5,5 km, làm nơi yên nghỉ cuối cùng. Ông trở thành vị giáo hoàng đầu tiên trong hơn một thế kỷ được chôn cất ngoài Tòa thánh.

Mộ phần của ông chỉ khắc đơn giản một chữ "Franciscus" (tên bằng tiếng Latinh) và phía trên là mô phỏng cây thánh giá sắt giản dị mà ông thường đeo.

Đoàn xe tang sẽ di chuyển qua các tuyến phố chính, để người dân Rome có thể tiễn biệt ông lần cuối. Italia triển khai một trong những chiến dịch an ninh lớn nhất kể từ sau tang lễ Giáo hoàng John Paul II cho sự kiện lần này, bao gồm đóng cửa không phận, bố trí tên lửa phòng không và thuyền tuần tra quanh khu vực Vatican.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân.

Giáo hoàng Francis, suốt 12 năm lãnh đạo Giáo hội Công giáo, nỗ lực làm mới Giáo hội, thúc đẩy bảo vệ người nghèo, người di cư và kêu gọi các quốc gia giàu có hành động vì biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, ông cũng đối mặt với nhiều chỉ trích từ các nhóm bảo thủ về những thay đổi so với truyền thống của Giáo hội.

Bản tổng kết nhiệm kỳ giáo hoàng của ông, được viết bằng tiếng Latinh và đặt cạnh thi hài, ca ngợi Francis là "một tấm gương nhân hậu, có đời sống thánh thiện và vai trò người cha chung cho toàn thế giới".

Ngay sau lễ tang, sự chú ý sẽ nhanh chóng chuyển sang việc chọn người kế nhiệm giáo hoàng. Mật nghị bầu giáo hoàng mới dự kiến sẽ không bắt đầu trước ngày 6/5, nhằm tạo điều kiện cho các hồng y tổ chức những cuộc họp nội bộ đánh giá tình hình Giáo hội – vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn tài chính và chia rẽ tư tưởng.

Phương Anh (Nguồn: Reuters )

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cac-nha-lanh-dao-the-gioi-den-vatican-tien-biet-giao-hoang-francis-ar940065.html