Tương quan sức mạnh Quân đội Ấn Độ - Pakistan khi nguy cơ chiến tranh bùng phát
Quân đội Ấn Độ và Pakistan đều có lực lượng đáng gờm, đặc biệt khi nắm trong tay vũ khí hạt nhân.

Những căng thẳng gần đây lại thổi bùng lên nguy cơ về một cuộc chiến tại khu vực Nam Á giữa Quân đội Ấn Độ và Pakistan, đây sẽ là kịch bản cực kỳ nguy hiểm cần cố gắng phòng tránh.

Sự leo thang của cuộc xung đột Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan lại bùng phát sau vụ đấu súng ngày 24/4/2025 dọc theo Đường kiểm soát, làm nổi bật sự mất cân bằng quân sự giữa hai cường quốc hạt nhân.

Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ ở mức 90 tỷ đô la Mỹ, gấp gần 9 lần so với mức 11 tỷ đô la của Pakistan. New Delhi có 1,45 triệu quân thường trực và 1,155 triệu quân dự bị, trong khi Islamabad có 654 nghìn quân thường trực và 550 nghìn quân dự bị.

Hải quân Ấn Độ có 294 tàu, bao gồm 2 tàu sân bay và 18 tàu ngầm, so với 114 tàu của Pakistan - quốc gia không có tàu sân bay nhưng cũng có tới 8 tàu ngầm.

Không quân Ấn Độ có 2.296 máy bay, bao gồm 606 tiêm kích và 869 trực thăng, trong khi đó Pakistan có 1.434 máy bay, trong đó 387 tiêm kích và 352 trực thăng.

Trên thực địa, Ấn Độ chiếm ưu thế với 4.614 xe tăng và 3.243 khẩu pháo so với 3.742 xe tăng và 3.228 khẩu pháo của Pakistan. Trong lĩnh vực vũ khí tên lửa, Pakistan dẫn đầu về tên lửa đạn đạo (90 so với 66), nhưng kém hơn về hệ thống tên lửa (602 so với 702).

Kho vũ khí hạt nhân của hai nước gần như ngang nhau khi Ấn Độ có 172 đầu đạn và Pakistan sở hữu 170 đầu đạn, tuy nhiên chưa rõ về tổng đương lượng nổ mà hai quốc gia đang dự trữ.

Theo tờ The Times of India, sự leo thang bắt đầu sau vụ tấn công khủng bố ngày 22/4 tại Pahalgam, khiến 26 người thiệt mạng.

Ấn Độ cáo buộc Cơ quan Tình báo Pakistan đứng sau hỗ trợ phiến quân, dẫn đến việc đóng cửa biên giới, đình chỉ Hiệp ước nước Indus và trục xuất các nhà ngoại giao Pakistan.

Ngay lập tức, Bộ Quốc phòng Pakistan đã tiến hành đáp trả bằng cách tăng cường quân đội dọc theo đường biên giới và thử nghiệm tên lửa, hãng thông tấn Al Jazeera đưa tin, cho thấy mức độ căng thẳng giữa hai bên.

Hãng tin Anh Reuters cho biết, Ấn Độ sau đó đã tổ chức các cuộc tập trận không quân với sự tham gia của máy bay chiến đấu Rafale, trong khi Pakistan điều động tiêm kích hạng nhẹ JF-17 và F-16.

Các chuyên gia của BBC nhấn mạnh rằng tiềm năng hạt nhân khiến cuộc xung đột trở nên cực kỳ nguy hiểm, mặc dù những hạn chế về kinh tế làm giảm khả năng xảy ra chiến tranh toàn diện giữa hai cường quốc quân sự tại khu vực Nam Á.