Các nhà lập pháp Mỹ tung loạt dự luật trừng phạt Nga; Hạ viện đồng ý xóa quy chế 'tối huệ quốc' cho Moscow, Belarus
Ngày 17/3, Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ đã thông qua 5 dự luật trừng phạt Nga và ủng hộ Ukraine trong bối cảnh chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow vẫn tiếp diễn tại Ukraine.
Các dự luật nói trên bao gồm cả dự luật nhằm tìm cách loại Nga ra khỏi các tổ chức tài chính quốc tế, cụ thể bao gồm:
Dự luật H.R. 7066 để các nghiệp đoàn của Mỹ thực thi các lệnh trừng phạt Nga và Belarus, nhằm ngăn chặn các công ty có trụ sở tại Mỹ né các lệnh trừng phạt thông qua các công ty con đặt trụ sở tại các nước không trừng phạt Moscow và Minsk.
Dự luật H.R. 6891, nhằm cấm các quan chức chính phủ Nga tham gia các tổ chức quốc tế, bao gồm cả Nhóm Các nền công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) và Ban ổn định tài chính (FSB).
Dự luật H.R. 7080 nhằm mở rộng khả năng theo dõi các giao dịch liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp.
Dự luật H.R. 7081 hướng dẫn các quan chức Mỹ tại các tổ chức tài chính quốc tế sử dụng lá phiếu và ảnh hưởng của Mỹ để vận động cho việc đình chỉ ngay lập tức tất cả các khoản thanh toán nợ của Ukraine.
Dự luật H.R. 6899 nhằm cấm Bộ trưởng Tài chính Mỹ tham gia vào các giao dịch liên quan đến việc trao đổi Quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do Nga hoặc Belarus nắm giữ.
Các dự luật này sẽ được đưa ra để được toàn thể Hạ viện xem xét.
Cùng ngày, với tỷ lệ áp đảo, 424 phiếu thuận và 8 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát đã ủng hộ xóa bỏ quy chế “Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn” (PNTR) dành cho Nga và Belarus.
Dự luật này được xem là nỗ lực mới nhất của Washington nhằm gây sức ép kinh tế với Moscow, qua đó mở đường cho chính sách áp thuế cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nga và Belarus.
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã cam kết hủy bỏ các mối quan hệ thương mại bình thường của Nga tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), một động thái cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ. Để trở thành luật, biện pháp này cần được Thượng viện Mỹ thông qua.
Các động thái trên diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky trình bày bài phát biểu trực tuyến trước Quốc hội Mỹ, trong đó kêu gọi sự ủng hộ nhiều hơn dành cho Ukraine.
(theo Reuters)