Các nhà nghiên cứu thuộc tìm ra nguồn gốc của mùi dưới cánh tay: một loại enzym

Các nhà khoa học đã vén màn bí ẩn đằng sau cơ chế tạo mùi hăng khó chịu ở nách.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học York đã truy tìm nguồn gốc của mùi dưới cánh tay và kết luận: nó đến từ một loại enzym trong một loại vi trùng sống trong khu vực nách con người. Để chứng minh loại enzym này chính là thủ phạm, các nhà khoa học đã chuyển nó tới một loại vi trùng khác cũng ở hoạt động ở vùng dưới cánh tay, và họ đã vui mừng khi phát hiện loại vi trùng này sau đó cũng bắt đầu tạo ra mùi khó ngửi.

Theo các nhà khoa học, nghiên cứu này sẽ dọn đường cho việc tạo ra các chất khử mùi và chống mồ hôi hiệu quả hơn. Và họ cũng cho rằng, chúng ta được “thừa kế” những loại vi trùng gây mùi này từ những tổ tiên linh trưởng của mình.

Giáo sư Gavin Thomas, nhà vi sinh học cao cấp trong dự án, cho biết: “Chúng tôi đã khám phá cách thức tạo ra mùi. Giờ đây, điều chúng tôi thực sự muốn tìm hiểu là tại sao.”. Con người không trực tiếp tạo ra thành phần khó chịu nhất trong các mùi cơ thể. Mùi hương hăng hắc này, được xác định đến từ một loại thioalcohol (rượu có gốc -SH), là một sản phẩm phụ sinh ra khi các loại vi trùng “ăn” các hợp chất khác trên da.

Nhóm các nhà khoa học tại ĐH York trước đó đã khám phá ra rằng hầu hết các vi trùng trên da không có khả năng tạo ra thioalcohol. Nhưng những thí nghiệm sau đó đã cho thấy rằng một loại vi trùng sống ở nách - Staphylococcus hominis - là một loài chính tạo ra chất này. Loại vi trùng này tạo ra chất có mùi hôi khi chúng “ăn” một hợp chất không mùi được thải ra bởi tuyến mồ hôi, với tên gọi Cys-Gly-3M3SH.

Con người có hai loại tuyến mồ hôi. Tuyến mồ hôi nội tiết bao phủ cả cơ thể và mở trực tiếp ra với lớp da, chúng là một phần tối quan trọng của hệ thống “làm mát” cơ thể. Khác với chúng, tuyến tiết mùi chỉ mở ra với các nang lông, và chỉ tồn tại ở vài khu vực trên cơ thể: hai nách, khu vực gần núm vú và bộ phận sinh dục. Vai trò của loại tuyến mồ hôi này là không rõ ràng.

Cys-Gly-3M3SH bị chuyển hóa thành 3M3SH - thioalcohol gây mùi khó chịu

Trong báo cáo trên tạp chí Scientific Reports, các nhà khoa học từ York đã mô tả cách họ đào sâu bên trong vi khuẩn Staphylococcus hominis để tìm hiểu cách chúng tạo ra thioalcohol. Họ đã phát hiện ra một loại enzym chuyển hóa Cys-Gly-3M3SH thải ra từ tuyến tiết mùi thành một loại thioalcohol có mùi hắc - 3M3SH. Giáo sư Thomas cho biết: “Vi khuẩn này sẽ tiếp cận với phân tử và ăn một phần của nó, nhưng nhổ ra phần còn lại, và đó là một trong những phân tử chủ yếu tạo ra mùi cơ thể.”.

Sau khi phát hiện ra loại “enzym tạo mùi cơ thể”, các nhà nghiên cứu đã xác định vai trò của nó bằng cách chuyển enzym này vào Staphylococcus aureus, một vi khuẩn khác cùng họ, mà không có vai trò gì trong việc tạo mùi cơ thể. “Chỉ bằng việc chuyển phần gen vào, chúng tôi đã có loại vi khuẩn Staphylococcus aureus mà lại tạo ra mùi cơ thể,”, Giáo sư Thomas tuyên bố. Ông tiếp: “Mũi của chúng ta đặc biệt giỏi trong việc phát hiện các thioalcohols dù ở ngưỡng cực nhỏ. Đó là vì sao chúng rất quan trọng với mùi cơ thể. Chúng có mùi hương pha trộn giữa pho mát và hàng mà bạn sẽ dễ dàng nhận biết. Mùi của chúng cực kì hăng.”

Được thực hiện cùng với Unilever, nghiên cứu này đã mở ra nhiều khả năng mới trong việc tạo ra những chất khử mùi với tính chất tập trung vào các loại vi trùng sản sinh ra mùi cơ thể trong khi không tác động gì tới môi trường vi sinh của vùng dưới cánh tay. Nói như Giáo sư Thomas thì: “Nếu bạn có thể tiếp cận theo hướng có chủ đích hơn, chỉ nhắm tới Staphylococcus hominis, thì (tác dụng của chất khử mùi) có thể kéo dài hơn.”

Trong nghiên cứu, sau đó các thành viên của nhóm đã tìm hiểu về mối quan hệ di truyền giữa các thành viên của loài Staphylococcus. Theo thống kê thì, chỉ có vài loại là thừa hưởng enzym tạo mùi cơ thể từ một tổ tiên vi sinh từ khoảng 60 triệu năm về trước.

Do tuyến tiết mùi chỉ sản xuất các hợp chất tạo mùi từ lúc một người bắt dầu dậy thì, các mùi này có thể đã đóng vai trò nào đó trong việc định hình nhân loại. Theo Giáo sư Thomas: “Tất cả những gì chúng tôi có thể nói là đây không phải quy trình gì mới. Mùi cơ thể chắc chắn đã có ở đó khi con người còn đang tiến hóa. Không phải là không thể khi cho rằng chúng đã có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hóa của loài người. Trước khi chúng ta sử dụng chất khử mùi và chất chống mồ hôi trong 50 - 100 năm trở lại đây, mọi người chắc chắn là đều … có mùi.”

Steve

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cac-nha-nghien-cuu-thuoc-tim-ra-nguon-goc-cua-mui-duoi-canh-tay-mot-loai-enzym-72020248100236.htm