Các nhà phân tích Trung Quốc bị yêu cầu tránh bình luận tiêu cực về kinh tế

Giới chức trách Trung Quốc yêu cầu các nhà phân tích và các nhà nghiên cứu tránh bình luận tiêu cực về các vấn đề kinh tế của đất nước như giảm phát, rủi ro dòng vốn tháo chạy. Bắc Kinh đang nỗ lực vực dậy nền kinh tế và không muốn niềm tin của người dân và doanh nghiệp giảm sút hơn nữa.

Trụ sở của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Trụ sở của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Nhiều nhà phân tích ở các công ty môi giới chứng khoán trong nước và nhà nghiên cứu ở các trường đại học hàng đầu cũng như các tổ chức tư vấn của nhà nước ở Trung Quốc xác nhận thông tin trên. Họ nói rằng, các cơ quan quản lý, công ty chủ quản và thậm chí cả các phương tiện truyền thông trong nước đều kêu gọi họ tránh phát biểu tiêu cực về các chủ đề kinh tế.

Bảy nhà kinh tế ở Trung Quốc nói với Financial Times rằng, công ty của họ cấm họ thảo luận công khai một số chủ đề kinh tế. Ủy ban Quản lý chứng khoán Trung Quốc, chỉ trích giới phân tích ở các công ty môi giới đã thổi phòng các rủi ro kinh tế khi đất nước chứng kiến nhu cầu tiêu dùng yếu, xuất khẩu giảm và lĩnh vực bất động sản trì trệ.

Theo hai nhà nghiên cứu cùng hai nhà kinh tế ở công ty môi giới chứng khoán, tất cả đều là cố vấn của chính phủ, họ chịu áp lực phải trình bày tin tức kinh tế tích cực để tăng niềm tin của công chúng.

“Cơ quan quản lý không muốn nghe những bình luận tiêu cực về nền kinh tế trước công chúng. Họ muốn chúng tôi diễn giải những tin xấu theo hướng tích cực”, một cố vấn kinh tế của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiết lộ.

Các nhà phân tích cho biết, sự tự kiểm duyệt ngày càng tăng giữa các chuyên gia nghiên cứu kinh tế, những người mà nhà đầu tư thường dựa vào trong một thị trường khó có được dữ liệu đáng tin cậy, cho thấy Bắc Kinh gia tăng kiểm soát dòng chảy thông tin.

Andrew Collier, CEO của Công ty tư vấn Orient Capital Research ở Hồng Kông, nói: “Bạn chứng kiến nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, khiến bất kỳ nước nào cũng lo lắng, cùng với một Trung Quốc luôn tỏ ra không nao núng trước thế giới và giới lãnh đạo đặc biệt có ý thức về hình ảnh. Đặt ba yếu tố đó lại với nhau sẽ tạo ra công thức cho một nền kinh tế rất không minh bạch”.

Việc siết chặt bình luận kinh tế diễn ra sau hàng loạt dữ liệu đáng thất vọng, làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư và cản trở nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy kinh tế phục hồi ở thời kỳ hậu Covid-19. GDP quí 2 của Trung Quốc chỉ tăng 0,8% so với quí 1. Tháng trước, Bộ Chính trị Trung Quốc thừa nhận quá trình phục hồi đang đạt được “tiến bộ nhọc nhằn”.

Nhưng khi Bắc Kinh tìm cách khôi phục niềm tin bằng các biện pháp kích thích ở mức hạn chế, một số chủ đề là điều cấm kỵ, chẳng hạn như giảm phát.

Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc đã giảm 10 tháng liên tiếp, trong khi, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xác nhận đất nước rơi vào tình trạng giảm phát.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao ở các cơ quan kinh tế từ Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho đến PBoC, đã bác bỏ rủi ro giảm phát.

“Giảm phát không và sẽ không tồn tại ở Trung Quốc”, Fu Linghui, người phát ngôn của NBS, cho biết vào tháng trước.

Một nhà kinh tế của một tổ chức tài chính lớn, có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết các mạng truyền hình địa phương đã tuyên bố rõ rằng, chỉ những bình luận tích cực mới được chấp nhận. Nhà kinh tế này nói: “Chúng tôi không gặp vấn đề gì khi nói về giảm phát hoặc các rủi ro kinh tế khác hồi năm ngoái. Giờ đây, những bình luận như vậy hoàn toàn không xuất hiện trên truyền hình, ngay cả khi tôi đã đề cập các cuộc phỏng vấn được ghi hình trước”.

Một số nhà phân tích nhận định, Bắc Kinh đang tìm cách thắt chặt kiểm soát đối với các bình luận tiêu cực trong nỗ lực củng cố niềm tin. Đó là điều rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế phục hồi.

“Niềm tin đóng một vai trò lớn hơn các biện kích thích của chính phủ trong việc giải cứu nền kinh tế”, Dan Wang, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Hang Seng Bank China, nhận xét.

Hồi tháng 6, Cục quản lý chứng khoán Thâm Quyến đã gửi thư cảnh báo China Merchants Securities, một công ty môi giới có trụ sở tại Thâm Quyến. Công này bị cáo cáo buộc đã không tiến hành “phân tích nghiêm ngặt” trong một báo cáo hồi tháng 2, trong đó, dự báo thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ mất động lực tăng trưởng trong những năm tới.

Áp lực đã khiến nhiều nhà kinh tế kiềm chế các chủ đề nhạy cảm hoặc sử dụng cách nói uyển chuyển hơn trong các báo cáo phân tích hoặc trò chuyện với các nhà đầu tư. Chẳng hạn, thay vì sử dụng từ “giảm phát”, họ sẽ nói rằng “lạm phát suy yếu”.

“Như toàn bộ thị trường đều biết, không có thứ gọi là ‘giảm phát’ ở Trung Quốc”, một nhà kinh tế nổi tiếng phát biểu tại một hội nghị kín ở Bắc Kinh khi trả lời câu hỏi về rủi ro giảm phát.

“Tuy nhiên, chúng ta có thể nói về rủi ro lạm phát thấp. Thật tệ nếu bạn không gặp tôi vào ngày mai”, ông nói tiếp và yêu cầu mọi người thận trọng trong việc lựa chọn phần nào trong bài phát biểu của ông để viết báo cáo.

Về mặt riêng tư, nhiều nhà kinh tế tiếp tục hoài nghi về triển vọng nền kinh tế.

Ngay sau khi Bắc Kinh công bố số liệu tăng trưởng kinh tế quí 2, Fan Jianping, cựu nhà kinh tế trưởng của Trung tâm thông tin nhà nước, một cơ quan cố vấn hàng đầu của chính phủ, cho biết, ông không tin vào số liệu thống kê chính thức. Ông cảnh báo rằng Trung Quốc đang hướng tới giảm phát. Theo hai nguồn thạo tin, ông phát biểu những điều này tại một cuộc họp kín.

“Chúng tôi hơi sốc, nhưng ông ấy nói rất rõ”, một nguồn tin nói.

Theo Financial Times

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cac-nha-phan-tich-trung-quoc-bi-yeu-cau-tranh-binh-luan-tieu-cuc-ve-kinh-te/