Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đứng trước nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh toàn cầu
Các nhà sản xuất chip Hàn Quốc có khả năng bị mất lợi thế trong thời điểm các nền kinh tế lớn đang đẩy mạnh hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chủ chốt, bao gồm chất bán dẫn và pin cho xe điện (EV).
Theo bình luận của Tờ Thời báo Hàn Quốc (The Korea Times), dư luận ngày càng quan tâm đến việc các nhà sản xuất chip Hàn Quốc sẽ bị mất lợi thế trong thời điểm các nền kinh tế lớn đang đẩy mạnh hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chủ chốt, bao gồm chất bán dẫn và pin cho xe điện (EV).
Vấn đề này càng trở nên khốc liệt hơn khi cuộc cạnh tranh giành "quyền bá chủ toàn cầu" về chip đã trở thành một cuộc đua giữa các quốc gia chứ không chỉ đơn thuần là giữa các công ty sản xuất chất bán dẫn.
Chính phủ Hàn Quốc mới đây đã được khuyến nghị cần tăng tốc cung cấp các hỗ trợ cần thiết trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như đầu tư vào các cơ sở sản xuất để giúp các công ty bán dẫn trong nước không bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh lớn.
Trong khi đó, Quốc hội Mỹ được cho là đang tìm cách thông qua đạo luật phát triển ngành chip bán dẫn mang tên “Chips for America”, với việc cung cấp 52 tỷ USD cho các nhà sản xuất chip để hỗ trợ sản xuất chất bán dẫn, R&D và bảo mật chuỗi cung ứng.
Dự luật sẽ cho phép doanh nghiệp Mỹ được giảm thuế nếu hoạt động đầu tư thiết bị chip và cơ sở sản xuất đến năm 2026. Đạo luật này được coi là một trong những gói tài chính lớn nhất do Chính phủ Mỹ cung cấp và sự can thiệp thị trường như vậy hiếm khi xảy ra.
Chính phủ Mỹ hiện đang tăng cường hỗ trợ cho các nhà sản xuất chip trong nước sau khi trải qua sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, vốn phụ thuộc phần lớn vào hoạt động sản xuất của các công ty châu Á như TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung của Hàn Quốc. Chính phủ Mỹ đã xác định việc tăng cường năng lực và khả năng sản xuất chip của mình là cách duy nhất để giảm thiểu việc nảy sinh các rủi ro về kinh tế và an ninh quốc gia.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định phân bổ khoảng 600 tỷ yen (tương đương 5,2 tỷ USD) trong ngân sách bổ sung cho năm tài chính 2021, để hỗ trợ các nhà sản xuất chất bán dẫn tiên tiến xây dựng cơ sở sản xuất mới và nâng cấp hạ tầng hiện có.
Trong đó, Chính phủ Nhật Bản sẽ đầu tư khoảng 400 tỷ yen vào một nhà máy mới do TSMC thành lập tại Kumamoto phía Tây Nam Nhật Bản (liên doanh với Sony), 200 tỷ yen còn lại dành cho việc thiết lập các nhà máy mới khác, bao gồm dự án đang được xem xét của nhà sản xuất chip nhớ Micron Technology (Mỹ) và Kioxia Holdings (Nhật Bản).
Về phần mình, Trung Quốc được cho là tham gia muộn hơn vào thị trường bán dẫn toàn cầu song chính phủ nước này cũng đã đầu tư rất nhiều trong vài thập kỷ qua để xây dựng khả năng cạnh tranh.
Tại Hàn Quốc, các nhà lập pháp từ tháng Năm vừa qua đã bắt đầu thảo luận về một gói hỗ trợ tài chính cho lĩnh vực sản xuất chip, pin và sinh học song vẫn chưa đạt được tiến bộ do vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng giữa các nghị sĩ của đảng Dân chủ cầm quyền và đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) đối lập chính. Các nhà lập pháp của PPP cho rằng không cần thiết phải cung cấp các khoản hỗ trợ quá mức cho các tập đoàn như Samsung và SK hynix.
Giáo sư Quản trị Kinh doanh Kim Dae-jong của Đại học Sejong (Hàn Quốc) cho biết: "Các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc hiện đã chiếm 70% thị trường chip nhớ toàn cầu. Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài phía trước để giành được vị thế thống trị trong lĩnh vực chip bán dẫn". Ông nhấn mạnh thêm rằng: "Đây là lúc cần hỗ trợ cho R&D".
Ahn Ki-hyun, Giám đốc điều hành cấp cao của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hàn Quốc (KSIA) thì nhận định: "Dự luật sẽ được thông qua vào cuối năm nay. Điều quan trọng là dự luật phải được thông qua kịp thời, trong bối cảnh cuộc đua hiện tại là về số lượng và mức độ đầu tư nhanh chóng của các nhà sản xuất chip". Samsung và SK hynix hiện đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung chưa có hồi kết.
Do đó, việc chính phủ hỗ trợ các nhà sản xuất chip trong nước là rất cần thiết bởi các công ty như Samsung và SK hynix có thể gặp nhiều bất lợi khi Mỹ luôn cố tìm mọi cách để kiềm chế Trung Quốc. Mỹ được cho là đang vận động các chính phủ và nhà sản xuất chip trên thế giới không đưa thiết bị sản xuất chip tiên tiến vào Trung Quốc, trong bối cảnh lo ngại rằng sức mạnh công nghệ ngày càng tăng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể vượt qua các đối thủ cạnh tranh toàn cầu.
Mối quan tâm trên càng trở nên hiện hữu hơn sau khi một báo cáo cho biết Chính phủ Mỹ đang tìm cách ngăn SK hynix lắp đặt các máy chế tạo chip in thạch bản cực tím (EUV) do nhà sản xuất thiết bị ASML (Hà Lan) sản xuất vào nhà máy của họ ở Vô Tích (Trung Quốc). Đây là một trong những nỗ lực của SK hynix nhằm nâng cấp cơ sở sản xuất chip hàng loạt ở nước ngoài. Mỹ trước đây đã phản đối điều này với lý do Trung Quốc có thể dùng các công cụ tiên tiến đó để tăng cường sức mạnh quân sự.
Chính phủ Mỹ từ nhiều năm trước cũng đã vận động Hà Lan hạn chế xuất khẩu thiết bị EUV (thiết bị rất cần thiết để sản xuất chip tiên tiến) sang thị trường Trung Quốc. Những bất ổn xuất hiện đã khiến Washington khó có khả năng thay đổi lập trường kiềm chế Trung Quốc trong tương lai gần.
SK hynix cho biết họ chưa có kế hoạch đưa ngay các thiết bị sản xuất chip của EUV vào nhà máy của mình ở Trung Quốc. Nhà máy Vô Tích vốn được xem là có vai trò quan trọng đối với ngành công nghiệp điện tử toàn cầu khi sản xuất khoảng một nửa số chip DRAM của SK hynix, chiếm 15% tổng số chip trên thế giới./.