Các nhà sản xuất ô tô tiếp tục vật lộn với tình trạng thiếu chip bán dẫn
Báo cáo mới của Công ty Tư vấn toàn cầu AlixPartners dự đoán việc thiếu hụt chip bán dẫn sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu thiệt hại khoảng 110 tỷ USD trong năm nay.
“Đại dịch” thiếu chip bán dẫn tiếp tục ám ảnh các nhà sản xuất ô tô với những dự báo đầy bi quan về mức thiệt hại.
Con số này cao hơn mức dự đoán được đưa ra hồi tháng 1-2021, ở mức 61 tỷ USD. Theo AlixPartners, sản lượng ô tô trên toàn cầu sẽ giảm 3,9 triệu chiếc do thiếu chất bán dẫn, chiếm hơn 4,5% số xe mà các nhà sản xuất ô tô dự kiến sản xuất trong năm nay.
Dự báo mới được đưa ra trong bối cảnh hầu hết các nhà sản xuất đều bi quan về kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm nay. Trong công bố mới nhất, Ford dự kiến sản lượng của hãng trong năm nay sẽ suy giảm khoảng 1,1 triệu xe so với kế hoạch ban đầu.
Trong khi đó, General Motors (GM) dự đoán lợi nhuận năm 2021 sẽ suy giảm khoảng 2 tỷ USD vì thiếu chip bán dẫn. Về phần mình, Stellantis NV - doanh nghiệp sau hợp nhất của Fiat Chrysler Automobiles và PSA Group - đã bị giảm 11% sản lượng ô tô so với kế hoạch của quý I-2021, tương đương khoảng 190.000 xe.
Những dự báo đầy bi quan được đưa ra trong bối cảnh các nhà sản xuất ô tô tiếp tục vật lộn với tình trạng thiếu chip bán dẫn. Cuối tuần này, Ford cho biết, sẽ phải thiết kế lại nhiều linh kiện của ô tô, nhằm sử dụng được các loại chip vẫn còn đủ nguồn cung.
Trong khi đó, Nissan sẽ đóng cửa tạm thời các nhà máy ở Mỹ tại Smyrna (bang Tennessee) và Canton (bang Mississippi), cùng nhà máy Aguascalientes tại Mexico. Về phần mình, GM đã tạm dừng 2 trong số 3 nhà máy tại Hàn Quốc vì không còn chip trong kho.
Các hãng xe Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu chịu tác động lớn hơn đồng nghiệp Nhật Bản từ tình trạng thiếu chip bán dẫn.
Tại Hàn Quốc, Hyundai cho biết, sẽ kéo dài thời gian tạm ngừng sản xuất tại Nhà máy Asan - nơi sản xuất sedan Sonata và Grandeur sang tuần tới. Hãng cũng tiếp tục việc luân phiên tạm ngừng các nhà máy: Ulsan số 5 - nơi sản xuất Tucson và xe điện IONIQ 5, Ulsan số 3 - nơi sản xuất Avante và Venue, và Ulsan số 1 - nơi sản xuất crossover Kona.
Tương tự, KIA cũng ngừng hoạt động tại Nhà máy Sohari số 2, nơi sản xuất dòng xe Stonic. Bên cạnh đối mặt tình trạng kéo dài thời gian giao xe (có thể lên tới 6 tháng với các mẫu ăn khách như Tucson hay Sorento), hai hãng xe Hàn Quốc đang rất lo ngại về kịch bản xấu nhất có thể xảy đến - khi họ hết sạch chip để sản xuất xe mới trong tháng 5.
Bên cạnh những dự báo bi quan về kết quả kinh doanh, các chuyên gia cũng cảnh báo chuỗi cung ứng cần cảnh giác về tình trạng nhiều nhà sản xuất xe sẽ đẩy mạnh tốc độ sản xuất một khi nguồn cung chip được phục hồi, dẫn tới nhu cầu đột biến và khan hiếm các loại phụ tùng, linh kiện khác.