Các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Nhật Bản hướng sang Trung Quốc
Các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn Nhật Bản đang hướng sang Trung Quốc, một phần do các biện pháp kiểm soát thương mại do Mỹ áp đặt trong khi Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy ngành chip nội địa.
Các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Nhật Bản đang hướng sang thị trường sôi động của Trung Quốc, một phần do các biện pháp kiểm soát thương mại do Mỹ áp đặt trong khi Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực thúc đẩy ngành chip nội địa.
Trao đổi với Nikkei Asia, Chủ tịch của Screen Semiconductor Solutions, Masato Goto, cho biết: “Trung Quốc đang có nhu cầu mua hàng loạt chip thế hệ cũ vì chip tiên tiến không thể được xuất khẩu sang nước này”.
Công ty này là một đơn vị thuộc Screen Holdings Nhật Bản, nhà cung cấp chính các loại máy móc được sử dụng để làm sạch các mảnh kim loại cực nhỏ khỏi các tấm chip, chỉ đạt kích cỡ 0,1 micromet, hoặc 1/10.000 mm.
Tỷ trọng doanh số bán hàng tại Trung Quốc trong tổng doanh số của doanh nghiệp này dự kiến sẽ đạt 44% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024, cao hơn 19% so với năm tài chính trước đó.
Ông Goto cho biết: “Doanh số bán hàng (sang Trung Quốc) chủ yếu đến từ lĩnh vực ô tô và điện tử tiêu dùng, thường sử dụng chip kích thước 45 nm hoặc 28 nm”. Nanomet (nm) là đơn vị để đo khoảng cách giữa các bóng bán dẫn.
Con số càng nhỏ thì càng có thể ép được nhiều bóng bán dẫn vào cùng một khu vực, tạo ra những con chip hiệu quả và mạnh mẽ hơn. Các chip tiên tiến hiện nay thường có kích thước nm chỉ một chữ số, nghĩa là nhu cầu của Trung Quốc chủ yếu là chip công nghệ cũ.
Theo ông, máy móc thế hệ cũ thường mang lại ít lợi nhuận hơn so với máy móc được sử dụng trong sản xuất chip tiên tiến, nhưng vẫn có thể “tạo ra lợi nhuận kha khá” vì chúng bao phủ nhiều phân khúc thị trường hơn và do đó có tiềm năng bán với số lượng lớn hơn.
Tokyo Electron, nhà cung cấp máy phủ wafer hàng đầu toàn cầu, cho biết, doanh số bán hàng tại Trung Quốc chiếm 46,9% tổng doanh số trong ba tháng kết thúc vào tháng 12/2023, mức cao nhất từ trước đến nay của công ty Nhật Bản.
Trong cuộc họp báo vào đầu tháng này, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty Toshiki Kawai đánh giá: “Đầu tư (của các nhà sản xuất chip Trung Quốc) dự kiến sẽ tiếp tục trong năm tài chính tiếp theo (bắt đầu từ tháng 4/2024), khi Trung Quốc cố gắng tăng cường khả năng tự cung tự cấp của mình”.
Đối mặt với khó khăn ngày càng tăng trong việc tìm nguồn cung ứng chip và nguyên liệu, các nhà sản xuất chip Trung Quốc đang tích cực đầu tư vào chuỗi cung ứng trong nước, chính phủ nước này cũng đưa ra nhiều khoản tài trợ.
Trước đó, vào tháng 7/2023, Nhật Bản đã tiếp bước Mỹ trong việc hạn chế xuất khẩu một số thiết bị có thể được sử dụng để sản xuất chip tiên tiến.
Theo phía Mỹ, cần phải có giấy phép để vận chuyển những máy công cụ như vậy đến các quốc gia không nằm trong danh sách các quốc gia thân thiện. Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản vẫn được tự do bán các sản phẩm thế hệ cũ.