Các nhà thầu sai phạm gì tại dự án mở rộng QL1 qua Bình Định - Phú Yên?
Chỉ sau 3 năm đưa vào sử dụng sau mở rộng, đoạn Quốc lộ 1 (QL1) qua tỉnh Bình Định và Phú Yên đã hư hỏng, xuống cấp tới nay vẫn thể khắc phục triệt để. Tình trạng này xảy ra do một số nhà thầu đã thi công không đúng thiết kế và đã được Thanh tra Chính phủ dẫn ra tại Thông báo kết luận Thanh tra số 2256 ngày 11/12/2019.
Theo đó, đoạn QL1 qua Bình Định – Phú Yên dài 118 km, được chia thành 3 đoạn dự án, gồm 2 đoạn dự án BOT (Bắc và Nam Bình Định) và 1 đoạn sử dụng vốn đầu tư công từ Trái phiếu Chính phủ. Được thực hiện theo hình thức chỉ định thầu.
Dự án đưa vào khai thác năm 2015, nhưng chỉ sau 3 năm sau đã bắt đầu xuống cấp, hư hỏng từ đó tới nay vẫn chưa thể xử lý triệt để. Cuối năm 2019, Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà thầu phải thảm lại hầu hết mặt đường.
Đây được xem là một trong những bài học cho việc triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam đang thực hiện.
Về nguyên nhân, Thanh tra Chính phủ chỉ ra, có cả từ lỗi thiết kế của Bộ GTVT lẫn thi công của các nhà thầu.
Về phía nhà thầu, tại dự án BOT Bắc Bình Định: Cty TNHH Xây dựng tổng hợp Minh Thảo thi công 4 gói thầu, tại gói thầu 01 thành phần bê tông nhựa chưa theo tiêu chuẩn, ảnh hưởng chất lượng công trình; không có phiếu kiểm tra từng mẻ trộn bê tông nhựa.
Trong đó, nhà thầu Cienco4 thực hiện khói thầu xây lắp 4A thực hiện chưa đúng quy định, dẫn tới chiều cao rãnh thoát nước giảm 15cm so với thiết kế bản vẽ thi công, làm hạn chế khả năng thoát nước. Điều này gây hậu quả khi mưa lũ, nước tràn lên mặt đường, khi xe lưu thông gây hư hỏng, giảm chất lượng và tuổi thọ công trình.
Nhà thầu trên còn sử dụng vật liệu đá dăm từ nhiều mở có tính chất cơ lý khác nhau nên chất lượng bê tông nhựa thiếu sự đồng nhất, thiếu ổn định, khi gặp điều kiện bất lợi bê tông nhựa dễ bị phá vỡ; sử dụng vật liệu tưới dính bám của mặt đường chưa dúng quy định; áp dụng chưa đúng tiêu chuẩn để phối trộn thành phần cấp phối hỗ hợp cốt liệu; thiết bị thi công thiếu chứng chỉ kiểm định; không có phiếu kiểm tra từng mẻ trộn… Do đó, sau gần 2 năm đưa vào khai thác mặt đường đã hư hỏng cục bộ.
Tại dự án BOT Nam Bình Định: Cty Nhật Minh thi công một số đoạn đã sử dụng nhũ tương chưa phù hợp với thiết kế được duyệt, dẫn tới độ kế dính giữa các lớp bê tông nhựa chưa đảm bảo ảnh hưởng tới chất lượng và tuổi thọ công trình. Còn 2 nhà thầu là Liên danh Cty CP 116 - Cienco1 và Cty CP Đầu tư Năng lượng Xây dựng Thương mại Hoàng Sơn đã thay đổi vật liệu đá dăm từ mỏ đá khác với phê duyệt của Bộ GTVT nhưng chưa báo cáo bộ.
Cùng với đó, công tác giám sát, nghiệm thu thực hiện chưa đúng quy định, để xảy ra việc thầu sử dụng vật liệu chưa đúng hồ sơ thiết kế.
Trong khâu kiểm định, 2 đơn vị kiểm định của Bộ GTVT thiếu trách nhiệm khi không đưa ra kiến nghị, cảnh báo về chất lượng công trình khi kết quả kiểm định đã phát hiện không đạt tiêu chuẩn.
Với dự án sử dụng Trái phiếu Chính phủ, kết quả kiểm định của Liên danh Trung tâm Kỹ thuật đường bộ 3 - Cty TNHH Tư vấn Công nghệ thiết bị và Kiểm định cho kết quả đạt yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau Viện Khoa học và Công nghệ GTVT kiểm định lại thì một số mẫu chưa đạt yêu cầu kỹ thuật của dự án.
Rút kinh nghiệm từ dự án trên, các chuyên gia đều cho rằng, với dự án cao tốc Bắc – Nam, nên thực hiện đấu thầu thay vì chỉ định thầu. Trường hợp chỉ định thầu, cần thực hiện chặt chẽ hơn, với các quy định riêng có thể đưa trực tiếp vào nghị quyết của Quốc hội nếu được đồng ý chuyển đổi từ đầu tư BOT sang đầu tư công.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, cần sử dụng cả tiêu chí về uy tín nhà thầu, những doanh nghiệp nào từng để xảy ra sai phạm, kém năng lực trong các công trình đã triển khai 5-10 năm trước đây không nên ưu tiên lựa chọn.
Đầu tháng 1/2020, cử tri tỉnh Bình Định tiếp tục có văn bản chất vấn Bộ GTVT về chất lượng QL1 đoạn qua tỉnh này, với cả phần dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và 2 dự án BOT.
Với phần dự án sử dụng vốn Trái phiếu, Bộ GTVT cho biết, đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh (đại diện chủ đầu tư), các nhà thầu khắc phục, đảm bảo an toàn giao thông. Một số đoạn tăng cường mặt đường đã thực hiện xong và nghiệm thu đưa vào sử dụng từ tháng 6/2019, tới nay vẫn đảm bảo đi lại an toàn, .
Đối với 2 dự án BOT Bắc và Nam Bình Định, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh, nhà đầu tư sửa chữa hư hỏng cục bộ mặt đường. Tổng cục Đường bộ cũng thường xuyên kiểm tra hiện trường dự án, nếu các hư hỏng không được nhà đầu tư sửa chữa, khắc phục kịp thời có thể dừng thu phí.
Vào tháng 11/2018, Bộ GTVT từng phải quyết định dừng thu phí BOT Bắc Bình Định vì nhà đầu tư chậm trễ trong việc khắc phục hư hỏng tuyến đường.