Các nhà văn châu Á viết gì về tuổi trẻ?
Những năm tháng đôi mươi hiện lên trong văn chương của các cây bút châu Á với những màu sắc riêng. Ở đó, bạn đọc thấy nụ cười, nước mắt và cả sự nuối tiếc khôn nguôi.
Thanh xuân luôn là quãng thời gian tươi đẹp nhất của đời người. Sự bướng bỉnh, đôi lúc có chút ngông cuồng của tuổi trẻ lại chính là nguồn sức mạnh để kẻ yếu đuối cũng có thể làm nên kỳ tích.
Chỉ có những năm tháng hoa niên tươi đẹp ấy, con người mới dám sống hết mình cho tình yêu và lý tưởng của bản thân, dám liều lĩnh mà không hề sợ hãi.
Đó cũng là lý do khiến bao thăng trầm của tuổi trẻ trở thành đề tài giành được sự quan tâm đặc biệt của các nhà văn trên thế giới nói chung và ở châu Á nói riêng.
Rừng Na Uy - Haruki Murakami
Hơn ba thập kỷ qua, Rừng Na Uy vẫn là cuốn tiểu thuyết được nhắc đến nhiều nhất của Haruki Murakami. Dù gia tài sáng tác của nhà văn người Nhật Bản vẫn dày lên theo năm tháng, nhưng mỗi khi nhắc tới ông, người đọc liền nhớ về câu chuyện đầy khắc khoải của anh chàng Toru Watanbe. Nỗi buồn, sự cô độc và chán chường của tuổi trẻ đã được nhà văn xứ phù tang khắc họa thật tinh tế.
Ba nhân vật Toru, Naoko và Midori đều khát khao yêu thương. Ái tình giống như ngọn lửa, giúp họ xua tan bóng tối của sự cô đơn đang ngự trị nơi tâm hồn.
Trong Rừng Na Uy, tình dục được sử dụng như một thứ ngôn ngữ để biểu đạt tình yêu. Haruki Murakami đã có một cái nhìn thẳng thắn khi viết về người trẻ. Những con người đang bế tắc và luôn muốn tìm cho mình một lối thoát.
Bên cạnh đó, Rừng Na Uy cũng chứng minh được khả năng làm chủ và kiểm soát ngôn từ một cách tinh tế của nhà văn người Nhật Bản. Tác phẩm cho độc giả được thưởng thức sự biến hóa kỳ ảo của ngôn từ, trần trụi, đôi khi có phần sắc lạnh, nhưng có lúc, lại dịu dàng và đẹp như một bài thơ. Không chỉ nổi tiếng ở Nhật, cuốn tiểu thuyết này đã gây tiếng vang trên toàn châu Á.
Ba chàng ngốc - Chetan Bhagat
Tiểu thuyết Ba chàng ngốc đã mang cái tên Chetan Bhagat đến gần hơn với độc giả châu Á. Cuốn tiểu thuyết là câu chuyện dí dỏm và hài hước về ba anh chàng: Hari, Ryan và Alok.
Vừa thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật Ấn Độ (IIT), các tân sinh viên vô cùng hào hứng với cuộc sống mới. Họ cho rằng đây chính là quãng thời gian tươi đẹp để tận hưởng tuổi trẻ. Thế nhưng, cuộc đời vốn không đẹp như những giấc mơ.
Kết quả học tập thảm hại, chuyện tình yêu không như mong muốn, cùng những rắc rối ập đến một cách bất ngờ khiến ba chàng trai hiểu ra rằng không thể nhìn cuộc đời một cách đơn giản.
Tuổi trẻ là quãng thời gian để rèn luyện cho bản thân thật kiên cường. Nhưng quan trọng hơn hết vẫn là việc được sống cuộc đời mình mơ ước.
Khác với văn phong trầm lắng và dịu dàng của Haruki Murakami, Chetan Bhagat luôn mang tới cho độc giả cuốn tiểu thuyết hài hước và dí dỏm, với lối dẫn truyện đầy tự nhiên. Thưởng thức tác phẩm của anh, người đọc có cảm giác như được nghe một anh chàng vui tính kể câu chuyện đời mình.
Chai thời gian - Prabhassorn Sevikul
Cùng Nghiệt duyên của Thommayanti, Chai thời gian là một trong số ít những cuốn tiểu thuyết được nhiều thế hệ thanh thiếu niên Thái Lan yêu thích. Tác phẩm này đã được tái bản hơn 20 lần trong 10 năm.
Bối cảnh của câu chuyện là những năm 1970, nhiều thanh niên Thái Lan đã phải trưởng thành trong bất ổn khôn lường của thời cuộc.
Nhân vật chính của tác phẩm là Nat, thiếu niên lớn lên trong gia đình không hạnh phúc. Cậu hiểu rằng bản thân mình phải trở thành chỗ dựa cho em gái tội nghiệp. Tình bạn đã trở thành điểm tựa cho những chàng trai, cô gái trước giông bão của cuộc đời. Họ học cách kiên cường vượt qua những thử thách của số phận.
Trong Chai thời gian, niềm vui và nỗi buồn đan xen được một cách hài hòa. Nụ cười và những giọt nước mắt của các nhân vật trong tác phẩm giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp đa sắc của tuổi trẻ.
Cá thu - Gong Ji Yong
Cá thu là bức tranh sống động về cuộc sống, lý tưởng và tình yêu của lớp thanh niên Hàn Quốc những năm 80 của thế kỷ trước. Khi đó, các tập đoàn tư bản bắt đầu bành trướng nền kinh tế và tạo ảnh hưởng đến chính trị.
Những cuộc đình công, bãi công và các phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên Hàn Quốc diễn ra ở khắp nơi. Đấu tranh hay thỏa hiệp, hai con đường đó khiến số phận của bao người thay đổi.
Nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết là No Eun Rim, cô gái thông minh nhưng yếu đuối. Giữa thời kỳ đầy biến động, Eun Rim chỉ biết sống một cách bản năng và đấu tranh hết mình cho lý tưởng mà cô đã chọn.
Dù đã có gia đình, cô lại đem lòng yêu Myeong Woo. Tình yêu lầm lạc ấy được cô gái trẻ tôn thờ, nhưng cuối cùng, thứ mà cô nhận được chỉ là sự phản bội.
Gong Ji Yong là tác giả đương đại, được yêu thích ở Hàn Quốc. Bà biến những cuốn tiểu thuyết của mình thành tiếng nói phản biện xã hội cảm động và sâu sắc.
Cá thu không chỉ là cuốn tiểu thuyết, mà còn là một phần ký ức tuổi trẻ của Gong Ji Young. Vào những năm 80, nhà văn này đã tham gia nhiều phong trào sinh viên của trường Đại học Yonsei, nơi bà từng theo học.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-nha-van-chau-a-viet-gi-ve-tuoi-tre-post1126430.html