Các nhận định về thuốc lá điện tử

1. Thuốc lá điện tử và các dạng thuốc lá mới đang mở đầu cho xu hướng lạm dụng và nghiện các hóa chất nhân tạo tổng hợp, bao gồm nicotin, các loại ma túy thế hệ mới và rất nhiều hóa chất khác, không chỉ gây nên gánh nặng khổng lồ mới về y tế, kinh tế, ANTT mà ảnh hưởng đến giống nòi và nhiều lĩnh vực khác. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, do khả năng gây nghiện cao và lan nhanh trong cộng đồng sẽ tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotin và các chất gây nghiện khác như ma túy.

2. Thuốc lá điện tử sẽ tiếp tục gây gánh nặng bệnh tật và chi phí bệnh tật lớn tại Việt Nam. Tại Việt Nam, WHO ước tính sử dụng thuốc lá gây ra ít nhất 40.000 ca tử vong mỗi năm. Chi tiêu cho hút thuốc lá 49.000 tỉ đồng/năm (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020). Chi phí điều trị mới chỉ 5/25 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) trên tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra tại Việt Nam khoảng 1% GDP, tương đương với 3 tỉ USD (67.000 tỉ đồng). Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng không làm giảm đi các vấn đề này mà thậm chí sẽ làm tăng các chi phí hơn nữa.

3. Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của Việt Nam, các nguyên tắc của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá mà Việt Nam là thành viên đều thể hiện quan điểm nhất quán chính sách của Nhà nước ta là từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá.

Việc cho phép các sản phẩm thuốc lá mới sẽ làm tăng tỉ lệ sử dụng thuốc lá trở lại, gây khó khăn cho công tác phòng chống tác hại của thuốc lá và nỗ lực của công tác cai nghiện thuốc lá, trái với nguyên tắc giảm nguồn cung và giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn, tốn kém nhân lực và tài chính hơn nữa trong việc giảm tỉ lệ hút thuốc lá, giải quyết những gánh nặng bệnh tật và tử vong do thuốc lá cũng như các hệ lụy về xã hội, môi trường, kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển bền vững đất nước.

Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá với thành tựu là giảm được tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành trung bình 0,5% mỗi năm (từ 47,4% năm 2010 (điều tra GATS 2010) xuống còn 38,9% năm 2023 (PGATS 2023).

Tỉ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (GYTS 2014) xuống còn 1,9% (GYTS 2022).

Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỉ lệ sử dụng thuốc lá mới (chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng), đặc biệt là trong giới trẻ.

Cụ thể, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong khi đó, tỉ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7%. So sánh với các nghiên cứu khác theo thời gian cho thấy, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.

Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030, trong đó có mục tiêu ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

QUỐC HỘI

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/79/316625/cac-nhan-dinh-ve-thuoc-la-dien-tu.html