Các nhân tố khiến Nga, Trung Quốc tăng cường quan hệ
Các chuyên gia đánh giá mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đang ở mức thân thiết nhất từ trước đến nay. Kênh Al Jazeera đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo ngày 23-11 đã bày tỏ quan ngại về việc chiến đấu cơ Trung Quốc và Nga bay qua vùng biển giữa đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản vào đầu tháng này. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Các chuyên gia đánh giá mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga đang ở mức thân thiết nhất từ trước đến nay.
Kênh Al Jazeera đưa tin Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo ngày 23-11 đã bày tỏ quan ngại về việc chiến đấu cơ Trung Quốc và Nga bay qua vùng biển giữa đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản vào đầu tháng này. Khi Bộ trưởng Kishi Nobuo phát biểu, những người đồng cấp Nga và Trung Quốc của ông lại đang tổ chức đối thoại trực tuyến và thống nhất về thỏa thuận mới tăng cường quan hệ quốc phòng hai bên.
Lộ trình do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Ngụy Phượng Hòa ký kết đánh dấu một năm phát triển chưa từng có tiền lệ trong hợp tác quốc phòng giữa hai bên. Trong đó, có cuộc tập trận quy mô lớn tại Ninh Hạ (Trung Quốc) trong tháng 8 khi quân đội Nga là lực lượng vũ trang nước ngoài đầu tiên tham gia một cuộc tập trận thường niên của Trung Quốc. Moskva và Bắc Kinh cũng thông báo về việc phối hợp phát triển trực thăng quân sự, hệ thống cảnh báo tên lửa tấn công và cả trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng.
Ông Nigel Gould-Davies tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đánh giá: “Đây là mối quan hệ mạnh mẽ, thân thiết nhất mà Nga và Trung Quốc có được từ giữa những năm 1950”. Ông Nigel Gould-Davies đề cập rằng mối quan hệ Trung Quốc và Nga về mặt lịch sử từng tồn tại tâm lý cảnh giác lẫn nhau. Ông nhận xét tình hình như hiện tại là “hiếm có” với mối quan hệ “phát triển nhanh chóng, đặc biệt trong 10 năm qua”, được tăng cường sau việc phương Tây trừng phạt Nga vì việc sáp nhập Crimea năm 2014.
Việc hợp tác quốc phòng giữa Nga và Trung Quốc tạo điều kiện để Moskva tăng ảnh hưởng trên trường quốc tế, còn Bắc Kinh tiếp cận được với công nghệ quân sự tiên tiến của Nga.
Không chỉ dừng lại ở quốc phòng, Nga và Trung Quốc còn xích lại gần nhau ở lĩnh vực ngoại giao và kinh tế. Về chính sách ngoại giao, Bắc Kinh cùng Moskva có quan điểm tương tự đối với Iran, Syria và Venezuela, đồng thời gần đây đều khuyến khích nới lỏng trừng phạt áp đặt lên Triều Tiên.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng gặp gỡ trên 30 lần kể từ năm 2013. Nhà lãnh đạo Trung Quốc còn gọi Tổng thống Putin là “người bạn tốt”. Đối với Trung Quốc, Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất và nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai. Về phía Nga, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu và nguồn đầu tư then chốt cho các dự án năng lượng. Ông Gould-Davies cho rằng động lực chính dẫn đến điều này là Trung Quốc và Nga đều không thiện cảm với phương Tây.
Việc Nga và Trung Quốc thân thiết khiến phương Tây lo ngại. Cơ quan tình báo Mỹ đã xếp Moskva và Bắc Kinh là mối đe dọa an ninh lớn nhất đối với Washington cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ông Alexander Gabuev tại Trung tâm Moskva Carnegie nhấn mạnh mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc chịu tác động bởi các nhân tố nền tảng nằm ngoài tầm kiểm soát của phương Tây. Theo ông Alexander Gabuev, sau cuộc đụng độ tại biên giới năm 1969, cả Nga và Trung Quốc đều hiểu về “sự nguy hiểm và tốn kém nếu trở thành kẻ thù”. Ngoài ra, Mỹ cũng tạo lập liên minh mà Bắc Kinh và Moskva cho là có chủ ý đối đầu. Một ví dụ là “bộ tứ kim cương” (còn gọi là QUAD) bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản cùng Mỹ và Australia. Trung Quốc gọi QUAD là “NATO châu Á”. Hải quân 4 quốc gia này còn mở rộng tập trận hai giai đoạn ở Biển Philippines và Vịnh Bengal.
Vào tháng 9, liên minh 3 bên AUKUS gồm Australia, Anh và Mỹ được thành lập. Anh và Mỹ sẽ hỗ trợ Australia sở hữu tàu ngầm năng lượng hạt nhân. Trung Quốc đã chỉ trích AUKUS là mối đe dọa với ổn định khu vực. Trong khi đó, Nga gọi liên minh 3 bên này là “thách thức đối với nỗ lực hạn chế vũ khí hủy diệt hàng loạt”./.