Các nhân tố tác động đến lựa chọn chính sách kế toán ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp tại Thành phố Cần Thơ

TĂNG TRÍ HÙNG (Khoa Kế toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) - TRẦN QUỐC DŨNG (Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ) - LÂM HỒ PHƯƠNG UYÊN (Công ty Cổ phần Phát triển Đào tạo Kimi)

TÓM TẮT:

Bài viết tập trung nghiên cứu các nhân tố tác động đến lựa chọn chính sách kế toán ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp tại Thành phố Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhân tố Thuế; Hợp đồng nợ; và Quy mô doanh nghiệp tác động đến lựa chọn chính sách kế toán của các doanh nghiệp tại Thành phố Cần Thơ. Trong đó, Quy mô doanh nghiệp và thuế có tác động ngược chiều và nhân tố Hợp đồng nợ có tác động ngược chiều đến hành vi lựa chọn chính sách kế toán nhằm làm giảm lợi nhuận.

Từ khóa: chính sách kế toán; lợi nhuận doanh nghiệp; lựa chọn chính sách kế toán.

1. Đặt vấn đề

Lựa chọn chính sách kế toán (CSKT) là một trong những vấn đề quan trọng nhất của doanh nghiệp. Chúng tạo ra cơ sở để phản ánh tình hình tài chính dưới góc độ trung thực và hợp lý thông qua Báo cáo tài chính (BCTC) (Popa, 2011). Vì thế, có nhiều động cơ thôi thúc các nhà quản trị điều chỉnh lợi nhuận mà các đối tượng sử dụng thông tin không thể nhận ra. Do vậy, việc tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến lựa chọn chính sách kế toán có liên quan đến lợi nhuận trở nên vô cùng cấp thiết.

2. Lý thuyết 2.1. Tổng quan về chính sách kế toán

Theo chuẩn mực kế toán (CMKT) quốc tế số 8 (IAS 8) và CMKT Việt Nam số 29 (VAS 29), chính sách kế toán là các nguyên tắc, cơ sở và phương pháp kế toán cụ thể được doanh nghiệp áp dụng trong việc lập và trình bày BCTC.

Đặc điểm của CSKT bao gồm: (1) những nguyên tắc chung phải áp dụng như: cơ sở dồn tích, nguyên tắc thận trọng, nguyên tắc phù hợp, nguyên tắc giá gốc…; (2) những lựa chọn về phương pháp kế toán trong khuôn khổ phạm vi từng chuẩn mực cho phép, tùy thuộc vào đặc điểm của giao dịch, điều kiện và khả năng vận dụng như: phương pháp tính giá hàng tồn kho, khấu hao tài sản cố định…; và (3) những phương pháp mà doanh nghiệp tự xây dựng và phát triển do bản thân chuẩn mực không thể bao quát hết mọi vấn đề trong thực tiễn.

Có 3 nhóm CSKT tồn tại với mục tiêu khác nhau (Mariana Gurău, 2014) gồm (1) điều chỉnh lợi nhuận để đạt được mục tiêu quản trị lợi nhuận của nhà quản trị; (2) bảo toàn vốn bằng cách giảm thiểu chi phí; (3) tuân thủ các quy định của luật thuế. Trong nghiên cứu này, tác giả chỉ nghiên cứu đến các nhân tố tác động đến lựa chọn CSKT ảnh hưởng đến lợi nhuận.

2.2. Nội dung các chính sách kế toán ảnh hưởng đến lợi nhuận

CSKT về hàng tồn kho theo CMKT quốc tế (IAS 02) và CMKT Việt Nam (VAS 02), các nguyên tắc và phương pháp kế toán hàng tồn kho gồm: xác định giá trị hàng tồn kho; ghi giảm giá hàng tồn kho cho phù hợp với giá trị thuần có thể thực hiện được và phương pháp tính giá trị hàng tồn kho.

CSKT về tài sản cố định hữu hình (theo CMKT quốc tế IAS 16 và CMKT Việt Nam VAS 03) gồm các quy định về cách ghi nhận, xác định giá trị ban đầu của tài sản cố định, xử lý chênh lệch đánh giá lại, ghi giảm tài sản,… Các phương pháp khấu hao gồm: đường thẳng, số dư giảm dần và khấu hao theo số lượng sản phẩm.

CSKT về tài sản cố định vô hình (theo CMKT quốc tế IAS 38) cho phép kế toán ghi nhận giá trị ban đầu theo mô hình giá gốc hoặc đánh giá lại theo giá trị hợp lý. CMKT Việt Nam VAS 04 chỉ cho phép ghi nhận theo giá gốc.

CSKT về phúc lợi cho người lao động (theo CMKT quốc tế IAS 19) cho phép doanh nghiệp có thể lựa chọn thiết lập một khoản dự phòng được ghi nhận khoản chi phí vào các quỹ để hỗ trợ cho lợi ích của người lao động. Tại Việt Nam, hiện tại chưa có CMKT quy định về phúc lợi cho người lao động.

CSKT về lợi thế thương mại (goodwill) (theo CMKT quốc tế IAS 38 và được cập nhật trong IFRS 3) cho phép ghi nhận giá trị ban đầu theo mô hình giá gốc hoặc theo mô hình đánh giá lại tài sản. Trong khi đó, CMKT Việt Nam VAS 04 chỉ cho phép ghi nhận theo giá gốc.

CSKT về thuê tài sản (theo CMKT quốc tế IAS 17) cho phép các doanh nghiệp lựa chọn 2 phương pháp để phân bổ số tiền phải trả hàng kỳ là “Actuarial method” và “Sum of digit”. Và CMKT Việt Nam VAS 06 quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp kế toán đối với bên thuê và bên cho thuê tài sản.

CSKT về bất động sản đầu tư (theo CMKT quốc tế IAS 40) quy định ghi nhận giá trị ban đầu được đo lường theo mô hình giá gốc hoặc mô hình chi phí hợp lý. Và CMKT Việt Nam VAS 05 chỉ cho phép áp dụng theo mô hình giá gốc.

CSKT về chi phí nghiên cứu và phát triển (theo CMKT quốc tế IAS 38 và CMKT Việt Nam VAS 04) được ghi trực tiếp vào chi phí hoặc vốn hóa chi phí.

2.3. Lý thuyết nền

Lý thuyết ủy nhiệm: (Jensen và Meckling, 1976) bàn về mâu thuẫn giữa đại diện bên trong (do chủ sở hữu không phải là nhà quản lý) và bên ngoài doanh nghiệp (giữa doanh nghiệp với bên ngoài). Do đó, khi lựa chọn CSKT ảnh hưởng đến lợi nhuận thường xem xét các nhân tố tài chính nội bộ, quy mô doanh nghiệp,…

Lý thuyết thông tin bất cân xứng: Được phát triển bởi G.A. Akerlof (1970) và bàn về vấn đề thông tin bất cân xứng xảy ra khi một bên giao dịch có ít thông tin hơn bên đối tác hoặc có thông tin nhưng thông tin không chính xác và các nhân tố ảnh hưởng đến lựa chọn CSKT như nhân tố hợp đồng nợ, thuế, quy mô...

Lý thuyết thông tin hữu ích: Dựa trên các giả thiết: Luôn tồn tại sự mất cân đối thông tin giữa người lập BCTC và người sử dụng thông tin; Việc đáp ứng thông tin của người sử dụng thông qua các bên có lợi ích liên quan; Tính hữu ích của thông tin cần được đánh giá trên cơ sở lợi ích - chi phí. Do vậy, lựa chọn CSKT liên quan đến các nhân tố như: thuế, thâm dụng vốn, thâm dụng lao động,…

3. Phương pháp nghiên cứu 3.1. Giả thuyết nghiên cứu

Theo Watts and Zimmerman (1986), khi một doanh nghiệp lớn công bố BCTC, nó thu hút sự chú ý của nhiều bên liên quan và kết quả là các nhà quản lý sẽ nghiêng về việc lựa chọn các CSKT để giảm lợi nhuận, trì hoãn việc báo cáo thu nhập để giảm các chi phí chính trị (Missonier, 2004).

Giả thuyết H1: Doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng có xu hướng lựa chọn những chính sách kế toán theo hướng giảm lợi nhuận

Inoue and Thomas (1996) cho thấy, trong trường hợp khó khăn, chủ sở hữu công ty có xu hướng tẩu tán tài sản. Theo các nghiên cứu trước, mối quan hệ giữa nợ và CSKT liên quan quyết định cho vay hoặc các giao ước kèm theo thường phụ thuộc vào số liệu BCTC. Do vậy, các nhà quản lý thường cố gắng cải thiện sự linh hoạt của BCTC, đặc biệt là trong trường hợp công ty đang cần vay nợ (Easton, 1993).

Giả thuyết H2: Doanh nghiệp có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu càng cao thì càng có xu hướng lựa chọn chính sách kế toán theo hướng tăng lợi nhuận

Waweru (2009) cho biết cổ phiếu thị trường kinh tế đang phát triển sẽ có nhiều rủi ro hơn các thị trường phát triển. Vì điều này, các cổ đông có xu hướng thích nhận cổ tức hơn tại thị trường đang phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài có xu hướng sử dụng phương pháp kế toán để làm tăng lợi nhuận, khẳng định khả năng trả lãi vay và thu hút thêm nhà đầu tư tiềm năng.

Giả thuyết H3: Tỷ lệ tài chính nội bộ càng cao thì nhà quản trị càng có xu hướng lựa chọn những chính sách kế toán theo hướng giảm lợi nhuận

Theo Bosnyák (2003) và Christos Tzovas (2006), thuế là một nhân tố quan trọng đối với doanh nghiệp khi lựa chọn CSKT, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ. Các nghiên cứu cho thấy doanh nghiệp nhỏ thường lập BCTC để sử dụng cho mục đích thuế hơn và có xu hướng lựa chọn CSKT sao cho mức thuế nộp được thấp nhất.

Giả thuyết H4: Tỷ lệ của thuế TNDN mà doanh nghiệp phải nộp càng cao thì doanh nghiệp càng chọn lựa chính sách kế toán theo hướng giảm lợi nhuận

Theo Hagerman và Zmijewski, các doanh nghiệp thâm dụng vốn thường có tỷ lệ đòn bẩy cao, nhưng các khoản nợ này thường được thế chấp bởi tài sản. Điều này cho phép các doanh nghiệp tốn rất ít chi phí cũng như có xu hướng để một lượng lớn chi phí từ doanh thu để trích khấu hao và sử dụng CSKT để giảm lợi nhuận.

Giả thuyết H5: Các doanh nghiệp có tỷ lệ thâm dụng vốn càng cao thì càng có xu hướng lựa chọn các chính sách kế toán theo hướng giảm lợi nhuận

Nếu tỷ lệ sở hữu của chính phủ công ty càng lớn, nhà quản trị có xu hướng sử dụng CSKT làm giảm lợi nhuận. Tại Việt Nam, sự tham gia của Nhà nước trong các hoạt động kinh tế tương đối phổ biến qua các hình thức góp vốn, liên doanh. Do đó, đây sẽ là một nhân tố có ảnh hưởng đáng kể đến lựa chọn CSKT của doanh nghiệp.

Giả thuyết H6: Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước càng cao thì doanh nghiệp càng có xu hướng lựa chọn các chính sách kế toán theo hướng giảm lợi nhuận

3.2. Mô hình nghiên cứu và thu thập dữ liệu

Trên cơ sở các giả thuyết được xây dựng, mô hình nghiên cứu đề xuất như sau:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu

(Nguồn: Đề xuất của các tác giả)

(Nguồn: Đề xuất của các tác giả)

Từ mô hình nghiên cứu, phương trình hồi quy có dạng như sau:

LCCSKT = β0 + β1QMCT+ β2HDN + β3TCNB + β4THUE + β5TDV + β6SHNN + εi

Trong đó: LCCSKT là biến phụ thuộc: Lựa chọn chính sách kế toán của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; QMCT: Quy mô doanh nghiệp; HDN: Hợp đồng nợ; TCNB: Tài chính nội bộ; THUE: Thuế; TDV: Thâm dụng vốn; SHNN: Tỷ lệ sở hữu của nhà nước; β1, β2, β3, β4, β5, β6: các hệ số hồi quy và εi là sai số.

Trong quá trình thu thập số liệu, tác giả thu thập được 170 báo cáo tài chính năm 2015 của các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, tuy nhiên tác giả loại bỏ 17 báo cáo tài chính của các doanh nghiệp không có hoạt động năm 2015. Cuối cùng, mẫu nghiên cứu còn 153 doanh nghiệp.

4. Kết quả nghiên cứu và bàn luận

Bảng 1. Thống kê mô tả biến phụ thuộc lựa chọn CSKT

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu)

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu)

Bảng 1 cho thấy sự lựa CSKT theo hướng tăng lợi nhuận của doanh nghiệp có sự thay đổi không nhiều với giá trị trung bình là 0,596 với độ lệch chuẩn là 0,2; nghĩa là trong các CSKT của doanh nghiệp lựa chọn thì có gần 60% CSKT theo hướng tăng lợi nhuận. Giá trị nhỏ nhất là 0 tức là có xuất hiện doanh nghiệp chỉ lựa chọn các CSKT theo hướng giảm lợi nhuận, giá trị cao nhất là 1 nghĩa là có xuất hiện doanh nghiệp chỉ lựa chọn các CSKT theo hướng tăng lợi nhuận.

Bảng 2. Phân loại mức độ lựa chọn CSKT theo hướng tăng lợi nhuận

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu)

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu)

Kết quả từ Bảng 2 cho thấy, số lượng doanh nghiệp lựa chọn 3 CSKT chiếm tỷ lệ cao nhất trong số doanh nghiệp được khảo sát với tỷ lệ 32%, doanh nghiệp chỉ chọn những CSKT theo hướng giảm lợi nhuận chiếm tỷ lệ thấp nhất với 1 doanh nghiệp chiếm tỷ lệ 1%, doanh nghiệp lựa chọn từ 4 CSKT theo hướng tăng lợi nhuận chiếm 51% tổng số doanh nghiệp được khảo sát. Qua đây, có thể thấy, có nhiều doanh nghiệp lựa chọn những CSKT theo hướng tăng lợi nhuận.

Xét về lựa chọn chính sách khấu hao, gần 80% các doanh nghiệp lựa chọn phương pháp đường thẳng đại diện cho lựa chọn phương pháp kế toán theo hướng tăng lợi nhuận. Về lựa chọn chính sách hàng tồn kho, có gần 65% doanh nghiệp lựa chọn phương pháp FIFO, khoảng 35% các doanh nghiệp lựa chọn các phương pháp xuất kho khác. Đối với phương pháp phân bổ, có trên 65% doanh nghiệp lựa chọn CSKT theo hướng tăng lợi nhuận, tức là lựa chọn phương pháp khấu hao nhiều lần để đưa vào chi phí dần. Về các khoản dự phòng, số doanh nghiệp lựa chọn lập hoặc không lập dự phòng có sự chênh lệch không nhiều, trong đó, số lượng doanh nghiệp có lập dự phòng nhiều hơn đại diện cho số lượng doanh nghiệp lựa chọn CSKT theo hướng giảm lợi nhuận nhiều hơn. Về dự phòng nợ phải thu khó đòi và dự phòng phải trả, có trên 50% doanh nghiệp không lập dự phòng, đại diện cho lựa chọn chính sách theo hướng tăng lợi nhuận.

Bảng 3. Phân loại sự lựa chọn CSKT theo hướng tăng lợi nhuận theo từng loại

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu)

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu)

Bảng 4. Kết quả tương quan và hồi quy

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu)

(Nguồn: Tổng hợp từ kết quả phân tích dữ liệu)

Kết quả từ Bảng 4 cho thấy có 3 biến độc lập ảnh hưởng đến Lựa chọn CSKT, là: “Quy mô doanh nghiệp”, “Hợp đồng nợ” và “Thuế” với hệ số Sig. < 0,05. Các biến còn lại là Tài chính nội bộ, thâm dụng vốn và tỷ lệ sở hữu nhà nước bị loại ra khỏi mô hình. Đồng thời, biến “quy mô doanh nghiệp” và “thuế” có quan hệ ngược chiều với lựa chọn CSKT với hệ số lần lượt là -0,001 và -0,971; “Hợp đồng nợ” có quan hệ cùng chiều với việc lựa chọn CSKT. Và, mô hình hồi quy như sau:

LCCSKT = 0,469 – 0,001*QMDN + 0,035*HDN – 0,971*THUE + ε

Bên cạnh đó, kết quả kiểm định bằng ANOVA có giá trị Sig. = 0,000 < 0,05; hệ số VIF của 5 nhân tố đều < 2; và đồ thị phần dư chuẩn hóa và P-Plot đều cho thấy các giả thuyết của mô hình hồi quy không bị vi phạm. Như vậy, kết quả nghiên cứu cho thấy có 3 nhân tố tác động đến việc lựa chọn CSKT ảnh hưởng đến lợi nhuận:

Nhân tố Thuế, kết quả nghiên cứu có tác động rất mạnh và ngược chiều đến việc lựa chọn CSKT, điều này phù hợp với thực trạng kế toán trên địa bàn khi kết quả công tác kế toán dùng để phục vụ cho thuế hơn là phục vụ cho doanh nghiệp và bên ngoài. Việc lựa chọn CSKT này của doanh nghiệp thường theo hướng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hợp lý và tiết kiệm nhất. Kết quả này cũng phù hợp với các nghiên cứu của Inoue và Wayne (1996), Christos (2006), …

Nhân tố Hợp đồng nợ có tác động cùng chiều với việc lựa chọn CSKT của doanh nghiệp, điều này cho thấy doanh nghiệp vay nợ càng nhiều thì càng có xu hướng lựa chọn CSKT làm tăng lợi nhuận. Kết quả này cũng phù hợp khi các doanh nghiệp đi vay thường có xu hướng làm cho số liệu trên BCTC mình đẹp hơn nhằm tăng khả năng vay nợ. Kết quả này cũng phù hợp với giả thuyết hợp đồng nợ của Watts và Zimmerman (1990) và nghiên cứu Inoue và Wayne (1996),…

Nhân tố Quy mô doanh nghiệp có tác động ngược chiều đối với lựa chọn CSKT, kết quả phù hợp với các nghiên cứu của Inoue (1996); Missonier (2004),… Điều này có nghĩa các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng có xu hướng lựa chọn CSKT theo hướng giảm lợi nhuận để tránh sự quan tâm quá mức từ bên ngoài.

5. Kết luận

Nhìn chung, kết quả sau khi khảo sát BCTC cho thấy 3 nhân tố tác động đến sự lựa chọn CSKT ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp tại Thành phố Cần Thơ gồm: Thuế, Hợp đồng nợ và Quy mô doanh nghiệp, trong đó, nhân tố thuế và quy mô doanh nghiệp có tác động ngược chiều với sự lựa chọn CSKT.

Từ kết quả trên, tác giả đề xuất một số kiến nghị: (1) cơ quan ban hành luật nên rà soát lại các quy định, bổ sung những hướng dẫn về CSKT phù hợp với đặc thù doanh nghiệp để có thể áp dụng trong thực tế; (2) các doanh nghiệp cần xây dựng một CSKT riêng, rõ ràng và chi tiết trước khi bắt đầu kỳ kế toán để có thông tin kịp thời và nhất quán với nhau, hạn chế chi phí phát sinh; (3) các ngân hàng cần tham khảo thêm nhiều nguồn thông tin khác ngoài BCTC của khách hàng trong quá trình thẩm định tín dụng; (4) các nhà đầu tư cần tự trang bị cho mình kiến thức về kế toán để có thể đọc và hiểu BCTC; (5) cơ quan thuế nên tập trung kiểm tra nhiều hơn những công ty có động cơ khai giảm thu nhập chịu thuế.

Tóm lại, nghiên cứu này góp phần mở rộng hiểu biết lựa chọn CSKT đến lợi nhuận doanh nghiệp. Tuy nhiên, đề tài cũng có hạn chế như có những biến độc lập và thang đo biến phụ thuộc vẫn chưa được đưa vào mô hình như: Tình trạng niêm yết của doanh nghiệp, chính sách về ngoại tệ, chính sách về đầu tư tài chính, bất động sản cho thuê,… Do vậy, các nghiên cứu tương lai có thể hướng đến khám phá các nhân tố mới cũng như mở rộng phạm vi nghiên cứu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bosnyák, J., (2003).

Számviteli értékelési eljárások hatása a vállalkozások vagyoni, jưvedelmi és pénzgyi helyzetére [The effect of evaluation methods on the financial position, performance and cash flows of entites]

. Doctoral thesis, Budapest Corvinus University, Hungary.

Christos Tzovas, (2006). Factors influencing a firm’s accounting policy decisions when tax accounting and financial accounting coincide.

Managerial Auditing Journal,

21(4), 372-386.

Easton, P.D., Eddey, P.H. and Trevor, H.S. (1993), An investigation of revaluation of tangible long-lived assets.

Journal of Accounting Research,

31 (Supplement), 1-38.

Inoue, T. and Thomas, W. B., (1996). The Choice of Accounting Policy In Japan.

Journal of International Financial Management & Accounting

, 7, 1-23.

Mariana Gurău, (2014). Three types of accounting policies reflected in financial statements: case study for Romania.

Global Economic Observer,

2(1), 209-221.

Missonier-Piera, F. (2004), Economic Determinants of Multiple Accounting Method Choices in a Swiss Context.

Journal of International Financial Management & Accounting,

15, 118-144.

Watts, R. L. and Zimmerman, J. L., (1990). Positive Accounting Theory: A Ten Year Perspective.

The Accounting Review,

65(1), 131-156.

Waweru, N.M., Gelinas, P. and Uliana, E. (2009), Executive compensation schemes in the banking industry: Acomparative study between a developed country and an emerging economy.

Academy of Accounting, and Finance Studies Journal

, 13(1), 13-28.

FACTORS AFFECTING THE CHOICE OF ACCOUNTING

POLICIES AND THEIR IMPACTS ON THE PROFITS

OF ENTERPRISES IN CAN THO CITY

• Ph.D TANG TRI HUNG

Faculty of Accounting, Ton Duc Thang University

• TRAN QUOC DUNG

Can Tho University of Technology

• LAM HO PHUONG UYEN

Kimi Training Development Joint Stock Company

ABSTRACT:

This study examines the impacts of the choice of accounting policies on the profits of enterprises in Can Tho City. The study’s findings show that the factors of taxation, loan and firm size affect the choice of accounting policies of enterprises in Can Tho City. In which, the taxation and the firm size factors have negative impacts on the choice of accounting policies.

Keywords: accounting policy, enterprise’s profits, choosing accounting policies.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 2 năm 2021]

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cac-nhan-to-tac-dong-den-lua-chon-chinh-sach-ke-toan-anh-huong-den-loi-nhuan-doanh-nghiep-tai-thanh-pho-can-tho-79782.htm