Các nội dung sửa đổi Hiến pháp phù hợp với thực tiễn của đất nước

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh Kiên Giang đang triển khai việc lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Đây là dịp để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với tương lai và sự phát triển bền vững của đất nước.

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trương Thanh Thúy:

TIẾP TỤC KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ QUAN TRỌNG CỦA CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

Tôi thống nhất với các nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013. Trong đó, tôi tâm đắc nhất việc bổ sung nội dung “Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn” vào Hiến pháp vì nội dung này phù hợp với chủ chương và tình hình thực tế.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam. Trên thực tế hiện tại một số địa phương xuất hiện tình trạng có những tổ chức mượn danh đại diện cho người lao động để lôi kéo người lao động với mục đích, ý đồ xấu, làm mất ổn định chính trị, xã hội, chống phá Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn. Do đó cần sửa đổi, bổ sung để ghi nhận vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn để khẳng định vị trí quan trọng, không thể thay thế của Công đoàn Việt Nam trong quan hệ lao động, đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động.

Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lý Anh Thư:

CÁC NỘI DUNG ĐÃ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG PHÙ HỢP CHỦ TRƯƠNG, NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VỀ SẮP XẾP TỔ CHỨC TINH GỌN BỘ MÁY

Các nội dung trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng về sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, tạo hành lang pháp lý quan trọng để phục vụ công cuộc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy chính quyền Nhà nước cũng như yêu cầu phát triển của đất nước.

Tôi đề nghị bổ sung cụm từ: “Các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ” vào điểm 3, khoản 1, Điều 1 và viết lại như sau: “3. MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Điều lệ MTTQ Việt Nam, điều lệ của mỗi tổ chức. Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”. Bổ sung cụm từ: “Các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ” để thống nhất với điểm 3, khoản 1, Điều 1 của dự thảo và vẫn giữ tính độc lập của mỗi tổ chức theo định hướng của Trung ương.

Phó trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lữ Kiều Dung:

ĐẢM BẢO CƠ CHẾ PHỐI HỢP TRONG GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN, XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT

Các nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp cũng như nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Việc bổ sung nội dung MTTQ thực hiện giám sát, phản biện xã hội; phản ảnh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến cơ quan nhà nước là cần thiết và phù hợp thực tiễn đổi mới vai trò của Mặt trận trong hệ thống chính trị nên cần có cơ chế pháp lý cụ thể để đảm bảo các nội dung này được thực thi hiệu quả, tránh hình thức; cần làm rõ cơ chế phối hợp giữa MTTQ và các cơ quan nhà nước trong các hoạt động giám sát, phản biện, xây dựng chính sách, pháp luật, tránh chồng chéo.

Quy định các tổ chức chính trị - xã hội là tổ chức trực thuộc Mặt trận là điểm mới quan trọng. Việc sắp xếp tổ chức, thể hiện sự thay đổi căn bản về mô hình Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức được sắp xếp phù hợp với yêu cầu tình hình mới đồng thời cần làm rõ tính “trực thuộc” là về mặt chính trị, định hướng hoạt động. Vì các tổ chức này đều có hệ thống tổ chức độc lập, hoạt động theo luật, điều lệ của mỗi tổ chức, có con dấu, tài khoản riêng… nên cần quy định thống nhất cơ chế phối hợp, cơ cấu tổ chức bên trong của Ủy ban MTTQ Việt Nam. Về vai trò lập pháp của MTTQ Việt Nam sửa đổi Điều 84 đã nâng cao vai trò của MTTQ trong việc thể chế hóa ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Rạch Giá Bùi Văn Hòa:

CÁC NỘI DUNG SỬA ĐỔI PHÙ HỢP TÌNH HÌNH THỰC TIỄN CỦA ĐẤT NƯỚC

Tôi thống nhất cao với các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trong đó có Điều 9 của Hiến pháp. Theo đó, khẳng định MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân...

Cùng với đó, quy định khái quát về các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng khẳng định vị trí của các tổ chức này trực thuộc MTTQ Việt Nam; bổ sung, làm rõ nguyên tắc hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam.

Điều 9 Hiến pháp năm 2013 được sửa đổi phù hợp chủ trương, tình hình thực tiễn của đất nước, làm rõ hơn vai trò cốt lõi của MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh vị trí của MTTQ Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp lại các tổ chức thành viên, giảm sự trùng lặp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm thống nhất và đồng bộ với cơ cấu tổ chức đảng, phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp, tinh gọn các tổ chức chính trị - xã hội vào MTTQ Việt Nam.

Anh Sơn Nươl, ngụ xã An Minh Bắc (U Minh Thượng):

CẦN THỂ HIỆN RÕ VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG, NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA MTTQ

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, thực hiện chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Tuy nhiên, Hiến pháp cần làm rõ vị trí, chức năng, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới sau khi sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam. Theo tôi, cần duy trì quyền chất vấn của đại biểu hội đồng nhân dân đối với chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân trong Hiến pháp để bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp; điều chỉnh, bổ sung các cụm từ ở một số điều khoản cho phù hợp với thực tiễn và hiệu quả khi thực hiện.

Anh Nguyễn Hoàng Quân, ngụ xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc (Gò Quao):

TẠO NỀN TẢNG PHÁP LÝ CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 vào thời điểm này rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, nhất là trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy.

Việc thực hiện chính quyền 2 cấp (tỉnh, xã) giúp tinh gọn bộ máy, giảm bớt gánh nặng chi tiêu ngân sách, tạo thêm nguồn lực cho nhà nước đầu tư vào an sinh xã hội. Để việc thực hiện chính quyền 2 cấp hiệu quả, theo tôi cần tăng cường cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho cấp xã hơn nữa để xã quyết, xã làm và xã chịu trách nhiệm trong công việc được giao, không ỷ lại vào sự chỉ đạo của tỉnh và Trung ương; bổ sung một điều riêng trong Hiến pháp lần này về chính quyền địa phương cấp xã.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tại Điều 9, Điều 10 Hiến pháp năm 2013, tôi kiến nghị cần cụ thể hóa quyền của MTTQ Việt Nam như quyền trình dự án trước Quốc hội, quyền trình dự án pháp lệnh trước Thường vụ Quốc hội. Điều này rất khả quan vì MTTQ là nơi tập hợp trí tuệ, nguyện vọng, ý kiến đa chiều từ nhân dân, các tầng lớp xã hội.

NHÓM PHÓNG VIÊN thực hiện

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chinh-tri/cac-noi-dung-sua-doi-hien-phap-phu-hop-voi-thuc-tien-cua-dat-nuoc-26417.html