Các nước ASEAN thống nhất hợp tác phát triển vận tải xuyên biên giới
Tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN lần thứ 29 (ATM) được tổ chức tại Lào, các nước thành viên ASEAN đã thống nhất hợp tác thúc đẩy vận tải xuyên biên giới trên mọi lĩnh vực như đường bộ, hàng không, hàng hải.
Hội nghị ATM lần thứ 29 được tổ chức trong các ngày 9-10/11/2023 sau Hội nghị Quan chức cấp cao Giao thông Vận tải (GTVT) ASEAN lần thứ 56 (STOM 56) và các cuộc tham vấn với các đối tác đối thoại được tổ chức vào ngày 8/11.
Tại hội nghị, Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN đã thống nhất ra tuyên bố chung trong các lĩnh vực đường bộ, hàng không, hàng hải xe điện.
Cụ thể, để đẩy mạnh thị trường hàng không chung ASEAN, hội nghị thông qua Kế hoạch tổng thể về cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động ASEAN (ấn bản thứ ba) quản lý không lưu thông suốt, bao gồm các nội dung: Mục tiêu an toàn, khả năng tương tác, tính hài hòa, môi trường, năng lực và hiệu quả cũng như tăng cường bầu trời ASEAN thông suốt làm tiền đề cho việc hình thành thị trường hàng không chung ASEAN.
Hội nghị kêu gọi các nước thành viên ASEAN hợp tác chặt chẽ để triển khai thành công Kế hoạch Tổng thể về cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động ASEAN (ấn bản thứ ba).
Trong lĩnh vực xe điện, để cải thiện cơ sở hạ tầng xe điện trong khu vực, hội nghị đã thông qua Khuyến nghị chính sách cải thiện cơ sở hạ tầng và trạm sạc xe điện (EV) ASEAN, trong đó đưa ra hướng dẫn phát triển cơ sở hạ tầng sạc cho xe điện và cơ sở hạ tầng phụ trợ, bao gồm các thiết bị sạc điện và thiết bị cung ứng cho xe điện.
Đối với tăng cường kết nối phương tiện đường bộ, các trưởng đoàn hội nghị ATM đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) về Phát triển mạng đường bộ ASEAN (AHN), trong đó cập nhật các tuyến đường bộ ASEAN và tạo điều kiện cho việc sửa đổi các tuyến đường cũng như tiêu chuẩn thiết kế đường bộ cho các nước thành viên ASEAN trong tương lai.
Trong lĩnh vực vận tải, nhằm tăng cường tạo thuận lợi cho vận tải xuyên biên giới và đa phương thức đối với hàng hóa, hội nghị hoan nghênh việc phê chuẩn Nghị định thư số 6 (về đường sắt biên giới và nhà ga trung chuyển) của Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh (AFAFGIT). Theo đó, hoàn tất việc phê chuẩn các nghị định thư trong AFAFGIT vốn đã có hiệu lực đối với tất cả các quốc gia thành viên ASEAN.
Để thúc đẩy năng lực chuỗi cung ứng hàng hải, hội nghị đã thông qua Hướng dẫn về cảng thông minh, được xây dựng để đo lường và phân tích chỉ số hiệu suất cảng thông minh (SPPI) cho 14 cảng mạng lưới ASEAN.
Cùng với đó, thông qua các Bộ trưởng GTVT, các nước đều đưa ra khuyến nghị tăng cường khả năng sẵn sàng của khu vực cho khủng hoảng trong tương lai, để thúc đẩy khả năng hoạt động liên tục của các cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thay thế thuyền viên và hồi hương.
Tuyên bố chung của hội nghị cũng nêu kết quả và tiến trình hợp tác với các đối tác đối thoại như New Zealand, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ và thống nhất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng GTVT (ATM) lần thứ 30 tại Malaysia vào năm 2024.
Về phía Việt Nam, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, Việt Nam thống nhất với 7 đề xuất của cấp STOM đã nêu ra trước đó và cam kết sẽ phối hợp với các quốc gia và Ban Thư ký ASEAN để triển khai hiệu quả các hoạt động này.
"Đối với Biên bản ghi nhớ về Phát triển mạng lưới đường bộ ASEAN, Việt Nam đang khẩn trương triển khai các thủ tục nội bộ để có thể ký kết trong thời gian sớm nhất, dự kiến trong tháng 11/2023", Thứ trưởng cho hay.
Bên lề hội nghị ATM29, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm đã có các cuộc gặp song phương, làm việc với các đối tác trong lĩnh vực GTVT của Việt Nam.
Tại cuộc gặp song phương với Bộ Công chính và Vận tải Lào, hai bên đã thống nhất rà soát lại các nội dung của Hiệp định và Nghị định thư về vận tải đường bộ Việt Nam - Lào để bổ sung, sửa đổi nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Lào.
Hai bên cũng bàn về các dự án mà Chính phủ hai nước ưu tiên quan tâm nhằm thúc đẩy triển khai dự án như: Tuyến cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn; dự án hợp tác đầu tư tại bến 1, 2, 3 cảng Vũng Áng; dự án đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng...
Tại cuộc gặp song phương với Thứ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông & Du lịch Hàn Quốc (MOLIT), ông Kang Hee-up, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ triển khai một số dự án giao thông tại Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1; Dự án xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; Xem xét tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại Việt Nam sử dụng nguồn vốn Quỹ xúc tiến hợp tác kinh tế (EDPF).
Hai bên cũng bàn thảo những lĩnh vực có thể hợp tác trong thời gian tới như việc giảm phát thải khí carbon trong lĩnh vực GTVT và hợp tác trên nhiều lĩnh vực bao gồm xe điện, cơ sở hạ tầng trạm sạc; kết nối hàng không...
Trong cuộc làm việc với ông Brian Mc Feeters, Phó Đại sứ, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), đại diện Việt Nam đề nghị các doanh nghiệp USABC tiếp tục mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực GTVT, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu.