Các nước bắt đầu chạy đua đặt hàng thuốc điều trị COVID-19
Nhiều nước đã vào cuộc đàm phán đặt mua thuốc kháng virus dạng uống Molnupiravir của hãng Merck & Co dù thuốc chưa được cấp phép.
Gần đây, nỗ lực đẩy lùi đại dịch toàn cầu có bước tiến triển mới đầy tích cực với việc hãng dược Mỹ Merck & Co thông báo đã phát triển thành công một loại thuốc đặc trị COVID-19 dạng uống, có thể làm giảm một nửa nguy cơ trở nặng nhập viện và tử vong. Molnupiravir là một loại thuốc kháng virus dạng viên uống, hiện vừa hoàn tất giai đoạn thử nghiệm thứ ba.
Molnupiravir - niềm hy vọng vượt đại dịch
Đài CNBC dẫn phân tích sơ bộ về kết quả nghiên cứu thử nghiệm giai đoạn 3 với 775 bệnh nhân COVID-19 do Merck & Co công bố ngày 1-10 cho thấy chỉ có 7,3% số người được dùng thuốc Molnupiravir phải nhập viện trong vòng 29 ngày, trong khi con số này ở những người dùng giả dược là 14,1%. Không có ca tử vong nào được ghi nhận ở những bệnh nhân dùng Molnupiravir trong vòng 29 ngày, trong khi ở những người dùng giả dược là tám ca.
Theo trang tin Business Insider, các tin tức về hiệu quả thử nghiệm thuốc kháng virus dạng uống Molnupiravir của Merck & Co vừa qua đã giúp giá cổ phiếu nhà sản xuất tăng vọt. Cụ thể, cổ phiếu của Merck & Co tăng 12,3% trong phiên giao dịch ngày 4-10, mức cao nhất kể từ tháng 2-2020. Trong khi đó, cổ phiếu của các hãng sản xuất vaccine như Moderna, BioNTech hay Pfizer giảm mạnh với mức giảm trung bình 5%-16%.
Thử nghiệm nói trên được tiến hành tại hơn 170 địa điểm ở một loạt quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Mỹ, Brazil, Ý, Nhật, Nam Phi, Guatemala và Đài Loan. Những người tham gia đều chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và mắc ít nhất một bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim mạch hoặc béo phì.
“Đây là những kết quả rất khả quan, vượt xa mong đợi của giới nghiên cứu. Thuốc Molnupiravir thực sự là điều mà cả thế giới nên trông đợi và hy vọng sau nhiều tháng chìm trong cuộc chiến chống đại dịch. Nó mở ra cánh cửa hy vọng về phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả cho bệnh nhân và giờ là lúc các bên cần phối hợp với nhau để giúp người dân tại các nước đang phát triển cũng có điều kiện tiếp cận loại thuốc này” - theo Giám đốc tổ chức Sức khỏe toàn cầu (UNITAID) Philippe Duneton.
Trong ngày 1-10, Merck & Co cũng cho biết có kế hoạch xin các cơ quan thẩm quyền y tế ở Mỹ cấp phép đưa thuốc vào sử dụng khẩn cấp ở Mỹ càng sớm càng tốt. Nếu được cấp phép, Molnupiravir có thể là loại thuốc đặc trị COVID-19 dạng uống đầu tiên.
Dù chưa được cấp phép nhưng Merck & Co đã bắt đầu sản xuất thuốc Molnupiravir. Hãng dự kiến sẽ sản xuất khoảng 10 triệu liệu trình điều trị vào cuối năm 2021, mà số lượng sẽ nhiều hơn trong năm 2022.
Cuộc đua đặt trước thuốc Molnupiravir
Khả năng tới tháng 12 các cơ quan có thẩm quyền y tế Mỹ mới phê duyệt lưu hành thuốc Molnupiravir, tuy nhiên cuộc đua đặt trước đã bắt đầu. Chính phủ Mỹ đã đặt mua 1,7 triệu liệu trình điều trị với giá 700 USD/liệu trình và hãng đã đồng ý sẽ cung cấp một khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đồng ý cấp phép khẩn cấp hay cấp phép chính thức.
Merck & Co cũng đã bắt đầu đàm phán bán thuốc với chính phủ nhiều nước. Ủy ban châu Âu đang tính đặt mua cho cả khối. Úc sẽ đặt mua 300.000 liều thuốc Molnupiravir để bổ sung vào kho thuốc điều trị COVID-19 của nước này, theo đài ABC ngày 5-10. Trước Molnupiravir, Úc đã cấp phép sử dụng hai loại thuốc trị COVID-19 khác là Sotrovimab của hãng dược Anh GlaxoSmithKline và Remdesivir của hãng dược Mỹ Gilead Sciences. Tuy nhiên, hai loại thuốc này đều được bào chế dưới dạng dung dịch nên cần phải truyền tĩnh mạch, vì thế không thuận tiện như Molnupiravir dạng uống.
Một ngày trước, hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Thái Lan cho biết chính phủ nước này vừa đàm phán với Merck & Co để mua 200.000 liệu trình điều trị bằng thuốc Molnupiravir, dự kiến sẽ được giao trước tháng 12 năm nay. Ngoài Thái Lan, các quốc gia và vùng lãnh thổ khác ở châu Á như Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan cũng đang đàm phán để đặt mua. Trong khi đó, Philippines - quốc gia đã bắt đầu cho dùng thử nghiệm Molnupiravir cũng kỳ vọng kết quả thử nghiệm khả quan để giúp họ sớm đưa loại thuốc này vào sử dụng chính thức. Dù vậy, tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ này đều từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về quá trình đàm phán với Merck & Co.
Giám đốc tổ chức Sức khỏe toàn cầu Duneton cho biết UNITAID đang phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế khác để hoàn tất thỏa thuận cung cấp nhiều lô thuốc Molnupiravir cho các nước đang phát triển, cũng như đàm phán về khả năng nới lỏng vấn đề bản quyền thuốc để rộng đường tiếp cận hơn nữa.
Ngoài ra, theo trang tin Livemint, Merck & Co hồi đầu năm nay cũng đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ cho năm nhà sản xuất thuốc gốc tại Ấn Độ. Động thái này được cho là sẽ giúp hơn 100 quốc gia thu nhập trung bình và thấp dễ mua được Molnupiravir mà không lo ngại phải tranh giành nguồn cung như với vaccine. Ngoài ra, Merck & Co cũng dự kiến sẽ điều chỉnh giá bán phù hợp ở từng quốc gia theo các tiêu chí đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB).
Thử nghiệm lâm sàng cho kết quả khả quan
Tại Việt Nam, Molnupiravir và Remdesivir đang được Bộ Y tế cho phép sử dụng điều trị thử nghiệm cho bệnh nhân COVID-19. Trong đó, thuốc Remdesivir được sử dụng cho bệnh nhân nặng; còn thuốc Molnupiravir là thuốc viên được phát điều trị tại nhà cho các ca F0 có triệu chứng nhẹ.
Thông tin từ cổng thông tin chính thức của Bộ Y tế cũng khẳng định các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc Molnupiravir trong điều trị COVID-19 đã công bố tại một số quốc gia cho kết quả khả quan về tính an toàn, khả năng dung nạp. Thuốc giảm tải lượng virus rõ rệt và làm sạch virus ở bệnh nhân nhẹ và vừa sau năm ngày điều trị, đồng thời giảm tỉ lệ nhập viện và giảm tử vong.