Các nước BRICS khó đồng thuận về kết nạp thành viên mới
Các nhà lãnh đạo của khối BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, ngày 22/8 có mặt tại Johannesburg (Nam Phi) để dự hội nghị thượng đỉnh, dự kiến thống nhất nhiều nội dung quan trọng.
Căng thẳng toàn cầu gia tăng do cuộc chiến Ukraine gây ra và sự cạnh tranh ngày khốc liệt giữa Trung Quốc và Mỹ được coi là những động lực để khối này củng cố đoàn kết, mặc dù trong nội bộ vẫn còn nhiều chia rẽ.
Lãnh đạo nước chủ nhà Nam Phi đã đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng 22/8, người cũng đang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Nam Phi ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc khẳng định hai nước “chung quan điểm” trong việc tiếp tục mở rộng khối. “Chúng tôi chia sẻ quan điểm với Chủ tịch Tập rằng BRICS là một diễn đàn cực kỳ quan trọng, đóng vai trò quan trọng trong việc cải cách quản trị toàn cầu và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác trên toàn thế giới”, ông Ramaphosa nhấn mạnh.
“Tôi tin tưởng rằng hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của cơ chế BRICS”, ông Tập phát biểu ngay sau khi đến Nam Phi.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh từ ngày 22 đến 24/8.
Tổng thống Nga Vladimir Putin là lãnh đạo duy nhất không tới Nam Phi và thay vào đó, ông tham gia trực tuyến.
Ngoài vấn đề mở rộng hợp tác trong khối, việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh lần này. Tuy nhiên, các nhà tổ chức tại Nam Phi cho biết sẽ không có cuộc thảo luận nào về đồng tiền chung BRICS, một ý tưởng được Brazil đưa ra hồi đầu năm nay như một giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc vào đồng USD.
BRICS vẫn còn tồn tại nhiều khác biệt trong nội bộ, khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang vật lộn với suy thoái, hay Nam Phi, nước chủ nhà năm nay là một nền kinh tế nhỏ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện dẫn đến mất điện triền miên.
Ấn Độ đang ngày càng vươn ra phương Tây, trong khi Brazil có nhiều thay đổi dưới thời nhà lãnh đạo mới, đặc biệt, Nga đang bị phương Tây trừng phạt nặng nề vì cuộc chiến ở Ukraine.
Hai thành viên - Ấn Độ và Trung Quốc - thường xuyên xung đột dọc biên giới tranh chấp, làm tăng thêm thách thức trong việc đồng thuận đưa ra các nghị quyết.
Trung Quốc đặt mục tiêu rằng số lượng thành viên đông đảo hơn sẽ mang lại ảnh hưởng cho BRICS, một khối vốn đã có khoảng 40% dân số thế giới và chiếm 1/4 GDP toàn cầu.
Các nhà lãnh đạo BRICS sẽ tổ chức một cuộc họp nhỏ và dùng bữa tối chung trong ngày 22/8, tại đây, có thể thảo luận về khuôn khổ và tiêu chí để kết nạp các quốc gia mới.
Dù vậy, việc mở rộng khối đã trở thành một điểm gây tranh cãi.
Nga mong muốn có thêm các thành viên mới để chống lại sự cô lập về mặt ngoại giao sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra ngày 21/8 lại cảnh báo không nên mở rộng nhanh chóng. Trong khi đó, Brazil lo ngại rằng việc mở rộng BRICS sẽ làm giảm ảnh hưởng của nước này.