Các nước châu Á đua nhau mua tàu ngầm tấn công – Vũ khí răn đe hiệu quả?
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), số lượng tàu ngầm ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã tăng lên 31% chỉ trong 21 năm qua.
Cụ thể, theo báo cáo của IISS, trong giai đoạn 2000-2021, số lượng tàu ngầm có trong biên chế hải quân các nước thuộc khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã tăng 31%, xu hướng mua sắm tàu ngầm tấn công của khu vực này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong suốt thế kỷ 21.
Lý giải cho việc các nước châu Á nói chung và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nói riêng đầu tư nhiều hơn cho lực lượng tàu ngầm ít nhiều có liên quan đến việc khu vực này trở thành “trung tâm” của sự cạnh tranh giữa các cường quốc
Trung Quốc đang tìm cách thế chỗ Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương bằng cách áp dụng chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD), sử dụng khí tài tầm xa có thể đe dọa và gây tổn hại lớn cho lực lượng Mỹ và đồng minh khi xung đột nổ ra.
Để đáp trả, Mỹ và các đồng minh ngày càng triển khai nhiều tàu ngầm trong khu vực. Chúng có thể bí mật tiến vào những vùng biển do đối phương kiểm soát để tung đòn tấn công, mang tới lợi ích chiến lược thông qua khả năng ẩn mình và công kích bất ngờ bằng hỏa lực vượt trội.
Tuy nhiên, không ít các quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương muốn xây dựng lực lượng tàu ngầm nhằm tự phòng vệ trước các mối đe dọa an ninh đến từ sự cạnh tranh của các cường quốc.
Lực lượng tàu ngầm mạnh nhất châu Á
Cũng theo thống kê của IISS, Trung Quốc hiện là quốc gia sở hữu lực lượng tàu ngầm tấn công mạnh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, với khoảng 60 tàu ngầm các loại, gồm tàu ngầm tấn công thông thường, tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN) và tàu ngầm hạt nhân mang theo tên lửa đạn đạo (SSBN).
Vào năm 1993, Trung Quốc sở hữu 47 tàu ngầm, bao gồm 1 chiếc mang tên lửa đạn đạo lớp Hạ (Type 092), 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Hán (Type 091), 34 tàu ngầm dùng nhiên liệu diesel lớp Romeo (thời Liên Xô) từ thập niên 1950 cùng 6 tàu ngầm lớp Romeo thế hệ cũ hơn.
Điều này cho thấy Trung Quốc không thực sự sở hữu đội tàu ngầm hữu dụng và tốt nhất, theo Popular Mechanics. Tuy nhiên, sau 27 năm tăng cường chi tiêu quốc phòng, đội tàu ngầm Trung Quốc hoàn toàn “lột xác”.
Theo báo cáo mới đây của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS), đến năm 2019, Hải quân Trung Quốc sở hữu 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (Type 094, Type 092), 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (Type 093 và Type 091) và 50 tàu ngầm tấn công (dùng điện-diesel). Tất cả 4 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và 6 tàu ngầm tấn công hạt nhân đều là loại mới. Bên cạnh đó, 42 trong số 50 tàu ngầm điện diesel cũng là loại mới Type 39A và Type 039.
Chưa dừng ở đó, Hải quân Trung Quốc tiếp tục mở rộng đội tàu ngầm. Văn phòng Tình báo Hải quân của Hải quân Mỹ dự đoán hải quân Trung Quốc sẽ tăng số tàu ngầm có trong biên chế lên 76 chiếc vào năm 2030.
Đáng chú ý là 2 trong số các tàu ngầm sẽ được trang bị tên lửa hạt nhân tầm xa, theo báo cáo về sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2020 của Lầu Năm Góc. Báo cáo lưu ý 2 tàu ngầm Type 094 đang trong quá trình nâng cấp để trang bị tên lửa hạt nhân tầm xa, điều này giúp tăng cường năng lực răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc lên 6 tàu ngầm.
Cuộc đua tàu ngầm ở châu Á – Thái Bình Dương
Không giống như các loại tàu chiến mặt nước, tàu ngầm là thứ vũ khí phức tạp, đòi hỏi nhiều yêu cầu kỹ thuật khác nhau, kèm với đó là chi phí vận hành đắt đỏ. Tuy nhiên những trở ngại này không ngăn được các nước châu Á đầu tư ngày một nhiều hơn cho lực lượng tàu ngầm.
Trong một bài phân tích đăng gần đây trên tờ Forbes, cây bút HI Sutton đánh giá hầu hết mọi lực lượng hải quân ở châu Á đều muốn sở hữu lực lượng tàu ngầm, bởi chúng phép các nước có quy mô hải quân nhỏ có đủ sức mạnh để gây áp lực với những kẻ thù lớn hơn.
Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc là quốc gia sở hữu lực lượng tàu ngầm mạnh nhất, các nước có khả năng cạnh tranh như Nhật Bản, Ấn Độ hay Hàn Quốc dù có trong biên chế số lượng tàu ngầm đông đảo và hiện đại nhưng về năng lực tấn công lại kém xa Bắc Kinh khi họ thiếu đi nhóm tàu ngầm hạt nhân.
Cũng cần phải nói thêm rằng Trung Quốc không phải quốc gia châu Á duy nhất sở hữu tàu ngầm hạt nhân, một nước khác cũng sở hữu loại vũ khí tấn công chiến lược này là Ấn Độ. Dù vậy New Delhi lại không đạt được những thành tựu như Bắc Kinh trong việc phát triển tàu ngầm hạt nhân.
Ấn Độ bắt đầu xây dựng kế hoạch phát triển tàu ngầm hạt nhân từ đầu những năm 1990, thế nhưng phải đến năm 2016 họ mới đưa vào biên chế tàu ngầm hạt nhân nội địa đầu tiên là INS Arihant thuộc lớp tàu ngầm Arihant (SSBN). Trước đó, hải quân Ấn Độ phải đi thuê tàu ngầm hạt nhân từ Nga (INS Chakra).
Hải quân Ấn Độ có kế hoạch đóng mới 4 tàu lớp Arihant, ngoài INS Arihant, một tàu khác là INS Arighat đã được hạ thủy vào đầu năm 2021 và đang trong quá trình thử nghiệm trên biển.
Ngoài INS Chakra, hải quân Ấn Độ còn có kế hoạch thuê thêm một tàu ngầm tấn công hạt nhân khác từ Nga.
Một quốc gia khác ở châu Á – Thái Bình Dương cũng ấp ủ kế hoạch phát triển tàu ngầm hạt nhân là Australia, sau khi nước này ký liên minh an ninh AUKUS với Mỹ và Anh. Vì liên minh này, cùng công nghệ chế tạo tàu ngầm hạt nhân, Australia sẵn sàng hủy hợp đồng chế tạo tàu ngầm trị giá hơn 66 tỷ USD với Pháp.
Đổi lại Australia sẽ có công nghệ chế tạo 8 tàu ngầm tấn công hạt nhân từ Anh hoặc Mỹ, với tầm tác chiến và khả năng triển khai vũ khí mạnh hơn nhiều so với các lớp tàu ngầm thông thường.
Còn về Nhật Bản, số tàu ngầm tấn công của nước này là 19 chiếc, với ba lớp tàu khác nhau. Nhật Bản đang có kế hoạch mở rộng số tàu ngầm của họ lên 22 chiếc trong vài năm tới khi đưa vào trang bị lớp tàu ngầm diesel-điện Taigei.
Hàn Quốc cũng không hề kém cạnh khi sở hữu lực lượng tàu ngầm lên đến 18 chiếc, thậm chí nước này còn vừa mới gia nhập các nước sở hữu tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa đạn đạo sau khi thử nghiệm thành công tàu ngầm Dosan Ahn Changho vào giữa tháng 9 vừa qua.
Dù không phải là tàu ngầm hạt nhân nhưng lớp Dosan Ahn Changho có thể mang theo từ 6-10 tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hành trình.
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc hiện vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể cho việc phát triển tàu ngầm tấn công hạt nhân do nhiều nguyên nhân khác nhau, sự ràng buộc của các hiệp ước an ninh với Mỹ là một trong những nguyên nhân chính.
Một quốc gia có số lượng đông đảo không kém ở châu Á là Triều Tiên với số lượng lên đến 70 tàu ngầm các loại, hầu hết trong số đó là các tàu cỡ nhỏ hoặc tầm trung có tầm tác chiến hạn chế và đã lạc hậu. Thế nhưng Triều Tiên lại sở hữu tàu ngầm có khả năng mang theo tên lửa đạn đạo trước Hàn Quốc.
Lớp tàu ngầm này có tên là Sinpo, dù chỉ là tàu ngầm diesel-điện nhưng nó lại có khả năng mang theo tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân, Triều Tiên cũng đã nhiều lần thử nghiệm thành công loại tên lửa này.
Cũng theo HI Sutton, ngoài các cường quốc hải quân ở châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ, trong 10 năm trở lại gần đây các nước Đông Nam Á cũng đầu tư nhiều hơn cho lực lượng hải quân nói chung và tàu ngầm nói riêng.
Theo số liệu do HI Sutton thu thập, tính đến tháng 2/2020, đã có năm trên 11 nước Đông Nam Á đã và đang hoàn tất việc xây dựng lực lượng tàu ngầm và hai quốc gia khác đang lên kế hoạch. Dù vậy, hầu hết số tàu ngầm này đều do phương Tây hoặc Nga chế tạo.
HI Sutton nhận định khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành thị trường xuất khẩu nóng đối với các nhà chế tạo tàu ngầm trong vài năm tới khi nhu cầu tăng mạnh. Không những thế một số quốc gia trong khu vực còn ấp ủ cả kế hoạch tự chế tạo tàu ngầm tấn công.