Các nước châu Á nhập khẩu khí đốt thắc mắc về yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp Nga
Hôm qua (24/3), các nước châu Á nhập khẩu khí đốt 'điêu đứng' sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng các nước 'thiếu thân thiện' phải mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp. Động thái này làm nên cú sốc mới nhất đối với thị trường năng lượng toàn cầu.
"Thiếu thân thiện" thì phải mua khí đốt bằng đồng rúp
Được biết, Nhật Bản và Hàn Quốc nằm trong danh sách các quốc gia bị coi là ‘thiếu thân thiện’. Hai nước này cũng như Đài Loan đều nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ các dự án Sakhalin-2 và Yamal LNG ở miền đông nước Nga.
Mô hình đường ống dẫn khí đốt tự nhiên được đặt trên tờ tiền Rúp của Nga và một lá cờ. Ảnh: Reuters/Dado Ruvic.
Trước đó, ngày 23/3, ông Putin tuyên bố rằng Nga vốn coi các hành động của họ ở Ukraine là một "chiến dịch quân sự đặc biệt", sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt với khối lượng và giá theo hợp đồng nhưng sẽ yêu cầu các nước nhập khẩu phải thanh toán bằng đồng rúp của Nga.
Trong khi đó, Nhật Bản - nhà nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga lớn nhất ở châu Á, phân vân rằng Nga sẽ thực thi yêu cầu đó như thế nào.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki phát biểu trước quốc hội: "Chúng tôi hiện đang xem xét tình hình cùng với các bộ liên quan vì chúng tôi không hiểu ý định của Nga là gì và họ sẽ thực hiện điều này như thế nào".
Theo dữ liệu thương mại của Refinitiv, Nhật Bản đã nhập khẩu 6,84 triệu tấn LNG từ Nga vào năm 2021, chiếm gần 9% lượng LNG nhập khẩu của nước này.
Theo người phát ngôn của công ty JERA - công ty mua LNG lớn nhất tại Nhật Bản, đã không nhận được bất kỳ thông báo nào từ công ty Sakhalin Energy 0 liên doanh vận hành Sakhalin-2, Nga về việc thay đổi đơn vị tiền tệ thanh toán từ đô la Mỹ sang đơn vị đồng rúp. Người phát ngôn nói thêm rằng nhà sản xuất điện lớn nhất nước này sẽ tiếp tục thu thập dữ liệu.
Theo dữ liệu của Tổng công ty Quốc gia Dầu khí và Kim loại Nhật Bản (JOGMEC), công ty JERA - một liên doanh nhiệt điện và nhiên liệu giữa Tokyo Electric Power Company Holdings và Chubu Electric Power, mua khoảng 2 triệu tấn LNG mỗi năm (tpy) từ Dự án Sakhalin-2 (Nga) theo hợp đồng dài hạn.
Cùng lúc, hai nhà cung cấp khí đốt địa phương lớn nhất của nước này là Tokyo Gas và Osaka Gas cũng đang kiểm tra chi tiết về yêu cầu đồng rúp của Nga.
Tokyo Gas, một trong những khách hàng tiềm năng mua LNG lớn nhất Nhật Bản, đã từ chối bình luận về bất kỳ chi tiết nào trong hợp đồng dài hạn trị giá 1,1 triệu tpy với Sakhalin Energy, bao gồm cả loại tiền tệ mà công ty có thể sử dụng để thanh toán.
Công ty năng lượng khổng lồ Sakhalin Energy do Gazprom của Nga sở hữu 50% cổ phần, và Shell chiếm tới 27,5%, phần còn lại thuộc các công ty thương mại Nhật Bản Mitsui &Co và Mitsubishi Corp. Hiện tại, gã năng lượng khổng lồ Shell tuyên bố rút khỏi dự án vào ngày 28 tháng 2 và chính phủ Nhật Bản tuyên bố rằng việc rút lui của Shell là không có tác động đến nhập khẩu năng lượng của Nhật Bản.
Hiện tại, tập đoàn Nhật bản Mitsui và Mitsubishi đang kiểm tra chi tiết về thông báo mới nhất này của Nga để đưa ra những bước tiến phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.
Một số nhà nhập khẩu khí đốt châu Á khác
Quốc gia nhập khẩu LNG của Nga lớn thứ ba châu Á Hàn Quốc dự kiến có thể tiếp tục nhập khẩu, theo Ủy ban Dịch vụ Tài chính của nước này, cam kết làm bất cứ điều gì có thể để tạo thuận lợi cho sự phát triển của nền thương mại.
Tập đoàn Khí đốt Hàn Quốc (KOGAS) nhận định họ nhập khẩu khoảng 2 triệu tấn LNG của Nga, chiếm khoảng 6% lượng nhập khẩu của toàn công ty. Tuy nhiên, KOGAS không giao dịch trực tiếp với Nga vì hợp đồng mua bán của họ kí kết với Sakhalin Energy và các khoản thanh toán cho khí đốt sẽ được chuyển vào một ngân hàng Nhật Bản ở Singapore.
Một quan chức của KOGAS cho biết: “Vì chúng tôi đang thực hiện thanh toán cho ngân hàng Nhật Bản đó nên hiện tại chúng tôi chưa thấy một động thái mới nào, nhưng hiện tại chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ những tiến triển mới”.
Theo Bộ Kinh tế Đài Loan, CPC thuộc sở hữu nhà nước sẽ nhận một lô hàng khí đốt từ Nga vào cuối tháng này. Tuyên bố rằng họ "không có tin tức gì về việc hệ thống thanh toán sẽ được điều chỉnh."
Lê Na (Theo CNA)