Các nước châu Á tăng cường bảo vệ đồng nội tệ khi đồng USD mạnh lên

Chính phủ các nước châu Á đang tăng cường hành động để ngăn chặn sự giảm giá của đồng nội tệ, vốn đã chịu tác động từ sự mạnh lên của đồng USD trong năm nay.

Đồng USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng USD. Ảnh: AFP/TTXVN

Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và lãi suất cao được duy trì trong thời gian dài của nước này đã khiến các đồng tiền châu Á yếu đi. Các nhà hoạch định chính sách châu Á đang ứng phó với sự mạnh lên của đồng USD ở các mức độ khác nhau, từ đưa ra cảnh báo cho đến tăng lãi suất. Thậm chí, một số nước được cho là đã can thiệp bằng cách mua đồng nội tệ - một động thái có thể ảnh hưởng đến tín nhiệm của ngân hàng trung ương.
Các nhà phân tích tiền tệ đang hướng sự chú ý đến chỉ số giá tiêu dùng tháng Tư của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 15/5, sau khi dữ liệu của tháng trước đã khiến đồng yen giảm mạnh.

Số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ đã thấp hơn dự đoán, nghĩa là các đồng tiền châu Á có thể tạm thời “thở phào”. Nhưng theo bà Fiona Lim, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Maybank ở Singapore, chỉ riêng số liệu này sẽ không đẩy đồng USD đi xuống. Bà cho rằng dữ liệu lạm phát sắp tới của Mỹ sẽ quyết định diễn biến tiếp theo của các đồng tiền châu Á so với đồng USD.
Theo công cụ FedWatch của CME, các nhà giao dịch đang dự đoán khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu chỉ ở mức 8,5%, và xác suất cho một động thái như vậy vào tháng Bảy là khoảng 33%.
Đồng yen là một trong những đồng tiền châu Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi một nền kinh tế Mỹ mạnh hơn dự đoán. Giới phân tích cho biết, Chính phủ Nhật Bản gần đây dường như đã can thiệp hai lần (ngày 29/4 và 1/5) để hỗ trợ đồng yen, mặc dù dữ liệu chính thức vẫn chưa được công bố. Trước đó, đồng yen đã giảm mạnh xuống dưới 160 yen đổi một USD, mức thấp nhất trong 34 năm.
Đồng yen suy giảm là do sự chênh lệch khoảng 5 điểm phần trăm giữa lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ và Nhật Bản. Theo Refinitiv, đồng yen đang dao động trong khoảng 155 yen đổi 1 USD, giảm 9,4% trong năm nay.
Bản tóm tắt ý kiến từ cuộc họp chính sách tiền tệ tháng Tư của Ngân hàng trung ương Nhật Bản được công bố vào tuần trước cho thấy một số thành viên hội đồng quản trị dự đoán sẽ có một đợt tăng mạnh lãi suất và nhiều người cho rằng BoJ nên giảm mua trái phiếu.
Nhưng ông Shoki Omori, chiến lược gia của công ty chứng khoán Mizuho Securities, dự đoán xu hướng bán đồng yen sẽ tiếp tục cho đến khi các yếu tố căn bản thay đổi, vì "không có giải pháp nhanh chóng" nào có thể đảo ngược sự suy yếu của đồng yen.
Theo ông, hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất sử dụng đồng yen sẽ vẫn hấp dẫn trừ khi BoJ tăng lãi suất nhanh và mạnh, chẳng hạn như 0,5 điểm phần trăm một lần, đồng thời giảm mua trái phiếu ngắn hạn. Theo Mizuho Securities, các nhà đầu tư đang dự đoán khả năng BoJ tăng lãi suất vào tháng Bảy là 17,5% và vào tháng Mười là 25%.
Còn tại Hàn Quốc, theo dữ liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), dự trữ ngoại hối trong tháng Tư đã giảm gần 6 tỷ USD so với tháng Ba, một phần là do những nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn sự suy giảm của đồng won.
BoK cho biết sự sụt giảm dự trữ ngoại hối này có liên quan đến một số yếu tố, trong đó có "các biện pháp ổn định thị trường như hoán đổi ngoại tệ với Quỹ hưu trí Quốc gia".
Bộ Tài chính Hàn Quốc và BoK hồi tháng Tư đã can thiệp vào thị trường với lời cảnh báo về những biến động tiền tệ nhanh ngay khi đồng won chạm mức 1.400 won đổi 1 USD lần đầu tiên trong khoảng một năm rưỡi. Kể từ đó, đồng won đã tăng giá, gần đây được giao dịch ở mức 1.366,50 won đổi 1 USD, theo Refinitiv. Bà Moon Da Woon, chuyên gia kinh tế tại công ty Korea Investment & Securities ở Seoul, dự đoán đồng won sẽ mạnh lên mức 1.200 won đổi 1 USD vào cuối năm.
Ở Indonesia, ngân hàng trung ương nước này đã bất ngờ nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên 6,25% vào tháng trước để hỗ trợ đồng rupiah. Tại một cuộc họp báo tuần trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Indonesia Perry Warjiyo cho biết dữ liệu cho thấy hiện tại không cần tăng lãi suất thêm nữa. Ông cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy đồng rupiah mạnh lên mức 16.000 rupiah đổi 1 USD.
Từ mức gần 16.300 rupiah đổi 1 USD trước động thái bất ngờ nới trên, đồng rupiah đã tăng lên khoảng 16.000 đổi 1 USD, nhưng vẫn chưa phục hồi sau khi chạm đáy bốn năm vào tháng trước.
Một trong những đồng tiền ổn định nhất tại châu Á là đồng rupee của Ấn Độ, dù đồng tiền này đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay so với đồng USD là 83,739 rupee/USD vào tháng trước. Theo Rob Carnell, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ING ở Singapore, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI tức ngân hàng trung ương) đã "quản lý chặt chẽ” đồng rupee kể từ khoảng tháng Mười năm ngoái, khiến đồng tiền này chỉ biến động trong một biên độ hẹp khoảng 83 rupee/USD.
Ông Carnell cho biết tất cả các ngân hàng trung ương và khu vực ở châu Á, ngoại trừ Malaysia, đều có dự trữ ngoại hối đủ để trang trải hơn sáu tháng nhập khẩu, đây là ngưỡng dự trữ đủ.
Đồng ringgit của Malaysia đang được giao dịch ở mức 4,737 ringgit đổi 1 USD sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm là 4,7965 ringgit/USD vào tháng Hai. Sự suy yếu của đồng ringgit là do đồng USD mạnh lên, thặng dư tài khoản vãng lai của Malaysia giảm và mối tương quan mạnh mẽ của đồng tiền này với đồng NDT của Trung Quốc, vốn cũng đang suy yếu.

Khánh Ly (Theo Nikkei Asia)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-nuoc-chau-a-tang-cuong-bao-ve-dong-noi-te-khi-dong-usd-manh-len/332925.html