Các nước châu Âu chật vật giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga

Nga cảnh báo giá dầu có thể vọt lên 300 USD/thùng nếu phương Tây áp đặt lệnh cấm xuất khẩu năng lượng. Các nước châu Âu cũng gấp rút ngăn cản lệnh trừng phạt đối với dầu khí Nga.

Theo CNBC, Nga đe dọa đóng đường ống dẫn khí sang Đức và cảnh báo giá dầu có thể vọt lên 300 USD/thùng nếu phương Tây áp đặt lệnh cấm xuất khẩu năng lượng.

"Việc từ chối dầu Nga sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường toàn cầu", Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nhấn mạnh. "Đà tăng của giá có thể nằm ngoài dự đoán. Giá có khả năng lên tới 300 USD/thùng, thậm chí hơn", ông dự báo.

Ông Novak cũng nhắc tới quyết định ngừng dự án Nord Stream 2 của Đức. "Chúng tôi có mọi quyền để đưa ra quyết định ngược lại và áp đặt lệnh cấm vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1", Phó thủ tướng Nga cảnh báo.

 Nga đe dọa áp đặt lệnh cấm vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. Ảnh: Reuters.

Nga đe dọa áp đặt lệnh cấm vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. Ảnh: Reuters.

Khủng hoảng giá dầu

Mỹ hiện cân nhắc có nên áp đặt lệnh cấm xuất khẩu dầu khí Nga như một đòn trừng phạt với Moscow hay không. Giới quan sát cảnh báo rằng lệnh cấm dầu khí và khí đốt của Nga sẽ là đòn giáng mạnh lên thị trường năng lượng và nền kinh tế thế giới.

Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ và Saudi Arabia, và là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Nga cũng sản xuất và xuất khẩu khí tự nhiên.

Liên minh châu Âu được cung cấp khoảng 40% khí đốt thông qua các đường ống Nga, một số trong đó chạy qua Ukraine.

Phó thủ tướng Novak đã nhắc lại rằng hiện tại, Nga vẫn hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ cung cấp của mình. Đồng thời, ông nhấn mạnh Nga sẵn sàng để châu Âu từ bỏ nguồn năng lượng Nga và biết rõ nơi chuyển hướng dòng chảy.

Hôm 7/3, giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng 14 năm. Giới đầu tư lo ngại về các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu năng lượng của Nga.

Giá dầu thô Brent tương lai tăng vọt 2,1% lên mức 125,75 USD/thùng trên sàn London, còn giá tương lai của dầu West Texas Intermediate ở mức 121,83 USD/thùng, tăng 2%.

 Moscow cảnh báo giá dầu có thể vọt lên 300 USD/thùng nếu phương Tây áp đặt lệnh cấm xuất khẩu năng lượng của Nga. Ảnh: Reuters.

Moscow cảnh báo giá dầu có thể vọt lên 300 USD/thùng nếu phương Tây áp đặt lệnh cấm xuất khẩu năng lượng của Nga. Ảnh: Reuters.

Các nhà hoạch định chính sách châu Âu hiện đứng trước áp lực giảm phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu hóa thạch của Nga. Những quốc gia nhập khẩu vẫn đang "nạp năng lượng" cho cuộc chiến của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin với nguồn doanh thu dầu khí khổng lồ.

Trên thực tế, doanh thu từ dầu khí của Nga chiếm khoảng 43% ngân sách liên bang của Điện Kremlin từ năm 2011 đến năm 2020. Con số cho thấy nhiên liệu hóa thạch đóng vai trò không thể thay thế đối với chính quyền Nga.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đã kêu gọi các đồng minh phương Tây "tẩy chay" dầu khí Nga. Ông lập luận rằng mua dầu Nga đồng nghĩa với việc trả tiền cho cuộc thảm sát "đàn ông, phụ nữ và trẻ em Ukraine".

Nói với NBC, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang "thảo luận tích cực" với chính phủ các nước châu Âu về việc cấm nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga.

Dù Mỹ và đồng minh chưa nhắm mục tiêu vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, những quốc gia này vẫn giáng các đòn trừng phạt chưa từng có.

Những đòn giáng này khiến các khách hàng mua dầu, chẳng hạn những nhà máy lọc dầu, cảnh giác. Reuters đưa tin do lo ngại các rủi ro tiềm ẩn, nhiều ngân hàng và doanh nghiệp đã né tránh những giao dịch liên quan đến dầu mỏ và khí đốt Nga.

Tìm nguồn cung thay thế

Hôm 7/3, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết châu Âu cần tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, thứ mà ông cho là “cần thiết” đối với an ninh năng lượng của lục địa này.

Ông nêu rõ hoạt động cung cấp năng lượng cho châu Âu nhằm phục vụ hoạt động đi lại, sưởi ấm, xuất điện và công nghiệp không thể được đảm bảo bằng bất cứ cách thức nào khác trong thời điểm này. Do đó, năng lượng nhập khẩu từ Nga đóng vai trò quan trọng đối với các dịch vụ công cộng và đời sống hàng ngày của người dân.

Nga chiếm khoảng 55% tổng nguồn cung khí đốt của Đức. Liên minh châu Âu nhập khẩu hơn 50% sản phẩm năng lượng. Trong số đó, Nga cung cấp 41% khí đốt, 46% than và 27% dầu.

Chúng ta sẽ tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt và dầu Nga, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn còn phải phụ thuộc

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte

Đồng quan điểm, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng khó có thể dừng nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga chỉ trong một đêm. "Đó là điều mà không quốc gia nào trên thế giới có thể thực hiện", ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cho rằng việc cắt giảm nhập khẩu dầu khí Nga sẽ là "một quá trình từng bước".

"Chúng ta sẽ tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt và dầu Nga, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn còn phải phụ thuộc", ông thừa nhận.

Hôm 7/3, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani cho biết nước này có khả năng thay thế khoảng 50% khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng các nguồn khác vào giữa năm nay.

Khí đốt nhập khẩu chiếm tới 90% nguồn cung khí đốt của Italy. Trong năm 2021, khí đốt của Nga chiếm tới 40% tổng lượng nhập khẩu. Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cũng đã tới thăm Algeria và Qatar trong nỗ lực tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cac-nuoc-chau-au-chat-vat-giam-phu-thuoc-vao-dau-khi-nga-post1301130.html