Các nước châu Âu đạt thỏa thuận về dự án tiêm kích mới
Dự án máy bay chiến đấu thế hệ mới mang tên Hệ thống tác chiến trên không tương lai (FCAS), được kỳ vọng sẽ góp phần bảo vệ châu Âu trong bối cảnh các mối đe dọa về an ninh, quốc phòng đang gia tăng nhanh chóng.
Reuters đưa tin, ngày 17-5, Pháp, Đức và Tây Ban Nha đã đạt được một thỏa thuận về các giai đoạn tiếp theo của quá trình phát triển dự án tiêm kích FCAS. Mặc dù thời gian triển khai không được công bố, thỏa thuận trên sẽ có mức kinh phí khoảng 4,25 tỷ USD chia đều cho cả 3 nước. Theo nguồn tin từ quân đội Pháp, khoản tiền này bao gồm việc hoàn thiện, công bố thiết kế của tiêm kích FCAS phiên bản có người lái và không có người lái vào năm 2024 cũng như xây dựng các nguyên mẫu sau đó.
Trước đó, các bên phải tổ chức nhiều cuộc đàm phán nhằm đạt được tiếng nói chung về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến việc tiếp cận không hạn chế những kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ dự án tiêm kích FCAS. Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Dassault Aviation, Airbus và Indra lần lượt đại diện cho Pháp, Đức và Tây Ban Nha chịu trách nhiệm thực hiện dự án.
Trên trang Twitter cá nhân, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Florence Parly cho biết một nguyên mẫu của tiêm kích FCAS dự kiến sẽ cất cánh vào năm 2027, mở đường cho dòng máy bay chiến đấu này chính thức đi vào hoạt động vào năm 2040. Mục tiêu cốt lõi của dự án là nhằm thay thế các tiêm kích Eurofighter Typhoon và Dassault Rafale hiện đang có trong biên chế của không quân các nước châu Âu. “Chúng tôi đang tạo ra một trong những công cụ quan trọng nhất để bảo đảm an ninh của mỗi nước cũng như toàn châu lục trong thế kỷ 21 này”, bà Parly nhấn mạnh đến vai trò của dự án.
Dự án tiêm kích FCAS được Pháp và Đức nhất trí hợp tác phát triển chung vào giữa năm 2017, sau đó Tây Ban Nha cũng thông báo tham gia, nhằm giảm sự phụ thuộc nhập khẩu máy bay chiến đấu của Mỹ cũng như đưa châu Âu sánh ngang hàng với số ít các nhà sản xuất tiêm kích hiện đại trên thế giới. Bên cạnh đó, tiêm kích FCAS sẽ giúp châu Âu đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp quốc phòng cũng như tạo thế cân bằng về lĩnh vực không quân trong bối cảnh nhiều cường quốc như Mỹ, Nga hay Trung Quốc đều đang đầu tư hoặc có kế hoạch nghiên cứu, phát triển, sản xuất các loại máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo. Thông tin về kinh phí dành cho dự án tiêm kích FCAS không được tiết lộ, song hãng thông tấn Đức DPA cho biết đây là chương trình sản xuất quốc phòng lớn nhất châu Âu tới thời điểm hiện tại với tổng kinh phí ước tính khoảng 112 tỷ USD.
Tại Triển lãm hàng không Paris ở Pháp năm 2019, mô hình đầu tiên của tiêm kích FCAS đã được ra mắt công chúng. Theo tờ Aviationist, tiêm kích FCAS sẽ tiệm cận máy bay thế hệ thứ 6, được trang bị hai động cơ cùng các loại tên lửa mới và hệ thống điện tử tối tân, đồng thời được tối ưu hóa tính năng tàng hình và khả năng chiến đấu không đối không. Ngoài ra, hãng Airbus cũng tiết lộ rằng tiêm kích này có thể kết nối và tương thích với các hệ thống tác chiến của lực lượng lục quân và hải quân, cũng như nhiều dòng máy bay, vệ tinh, hệ thống chiến đấu tiên tiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm nâng cao năng lực tác chiến, hiệp đồng.
Mặc dù vậy, tiêm kích FCAS không phải là dự án máy bay chiến đấu thế hệ mới duy nhất đang được thực hiện tại “lục địa già”. Đối thủ của nó chính là chương trình phát triển tiêm kích Tempest của Anh. Bộ Quốc phòng Anh khẳng định tiêm kích Tempest sẽ sở hữu những công nghệ hiện đại hơn cả tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ, bao gồm tốc độ bay lớn, cấu hình linh hoạt, tùy chọn lưỡng dụng, chia sẻ dữ liệu đa chiều, vũ khí tương lai. Xứ sở sương mù dự kiến triển khai xây dựng nguyên mẫu của tiêm kích Tempest cho tới năm 2025 và đưa mẫu máy bay mới vào biên chế trong năm 2035.